Vẫn thiếu kịch bản văn học chất lượng

Theo định nghĩa trong Luật Điện ảnh (năm 2006): 'Kịch bản văn học là sản phẩm sáng tạo của biên kịch dưới dạng văn bản thể hiện toàn bộ diễn biến của câu chuyện phim'.

Định nghĩa này có tính khái quát cao, có thể áp dụng cho các lĩnh vực sân khấu. Rõ ràng tính chất nền móng của kịch bản văn học rất quan trọng, đạo diễn có thể dựa vào để dựng nên tác phẩm điện ảnh, sân khấu. Văn học, nghệ thuật không thể đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, thế nên rất ít trường hợp đạo diễn bê nguyên xi kịch bản văn học dựng thành tác phẩm mà thường “gia giảm”. Với một số cá nhân tài năng sẽ vừa làm đạo diễn vừa viết kịch bản, để đảm bảo tác phẩm có sự thống nhất.

Hiện vẫn còn một số ý kiến tranh luận về kịch bản văn học. Có người cho rằng, kịch bản văn học càng chi tiết càng tốt, giống như một “bộ phim, vở kịch trên giấy” để làm sao đạo diễn chỉ là tổng chỉ huy thực hiện tác phẩm, không phải chú tâm đến chuyện kịch bản. Ý kiến khác lại cho rằng, mọi loại kịch bản dù ở mức phác thảo hay chi tiết đều có thể gọi chung là kịch bản văn học. Điều quan trọng là đưa ra cái khung trình bày diễn biến tác phẩm, tâm lý nhân vật… để đạo diễn, nhà sản xuất hình dung nét chính và tự thêm, bớt. Dù có ý kiến khác nhau nhưng hiện nay giới chuyên môn đều thống nhất cho rằng, kịch bản văn học không phải là tác phẩm văn học và càng ít chất văn học càng tốt. Chẳng hạn, kịch bản văn học sẽ tạo dựng một buổi sáng với các biến cố của nhân vật, chứ ít khi tả môi trường xung quanh; từ ngữ biên kịch sử dụng sẽ mang tính thông tin cao, không sử dụng các biện pháp tu từ, miêu tả kỹ lưỡng… Điều này lý giải vì sao nước ta có rất nhiều người viết văn nhưng không phải ai cũng có thể viết kịch bản văn học. Nhà biên kịch cần được đào tạo và tự đào tạo theo cách riêng không giống nhà văn, mặc dù cả hai đều sử dụng chung chất liệu là ngôn từ.

Hiện nay, một số trường đại học khối văn hóa, nghệ thuật đã đào tạo biên kịch hệ chính quy. Ở đây, chưa bàn đến chuyện chất lượng đào tạo; chỉ biết viết kịch bản thuộc về lĩnh vực sáng tạo, có học bao giờ cũng tốt, “sạch nước cản” để không cho ra đời những kịch bản dở. Nhưng không có nghĩa cứ học là sẽ có kịch bản văn học xuất sắc bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố, như: Tài năng thiên bẩm, vốn sống, khả năng tự đào tạo… Đã thế, các tác phẩm dựng nên từ kịch bản bị hạn chế ở khả năng diễn xuất, trang thiết bị, kỹ xảo hậu kỳ… thì sản phẩm cuối cùng cũng khó có thể là tác phẩm xuất sắc.

Một khó khăn lớn khác đối với nhà biên kịch nước ta hiện nay là đảm bảo các yếu tố nghệ thuật, nhân văn hài hòa với yếu tố thương mại. Nếu viết kịch bản phi thương mại, dựng nên tác phẩm trình diễn cho vui, nhiều người chỉ cần đọc giáo trình trong vài ngày cũng có thể viết được. Nhưng liên quan đến chuyện tiền nong thì không phải chuyện đùa, như biên kịch giỏi khi viết kịch bản phim, thậm chí lường trước cảnh nào khán giả sẽ ồ lên, sẽ vỗ tay. Cũng dễ hiểu, ở thời buổi công nghiệp văn hóa, kinh phí làm ra một bộ phim hơn chục tỷ đồng, chẳng nhà sản xuất nào lại bỏ tiền để dựng phim từ một kịch bản dở hoặc ít có khả năng hút khách.

Ở nhiều quốc gia coi trọng điện ảnh, kịch nghệ thường rất chú trọng đào tạo biên kịch bằng nhiều hình thức khác nhau. Những nền điện ảnh mới nổi gần đây như Hàn Quốc đã đưa hàng trăm người có ý định trở thành nhà biên kịch sang các nền điện ảnh phát triển. Ở nước ta hiện nay, đội ngũ biên kịch không thiếu nhưng để viết ra kịch bản thu hút công chúng thì không có nhiều. Để tạo ra một đội ngũ biên kịch giỏi góp phần có nhiều tác phẩm xuất sắc, rất cần có một chiến lược phát triển mà các bên liên quan cần ngồi lại với nhau bàn thảo, xây dựng.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/van-thieu-kich-ban-van-hoc-chat-luong-612138