Vang danh chè sạch Đông Trường Sơn

Sự chủ động trong ứng dụng khoa học – kỹ thuật, chuyển đổi giống cũ sang giống mới năng suất cao đang giúp HTX chè sạch Đông Trường Sơn (xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) nâng cao thương hiệu, gia tăng giá trị canh tác, làm giàu cho thành viên.

Nằm ở phía Đông dãy Trường Sơn, xã Hiếu có hơn 90% là người dân tộc Xơ – Đăng, cuộc sống trước đây chủ yếu dựa vào nương rẫy, với những loại cây trồng truyền thống như sắn (mì), ngô, lúa rẫy... năng suất thấp, thu nhập không cao nên cuộc sống vô cùng khó khăn.

Thương hiệu chè VietGAP

Những năm gần đây, địa phương bắt đầu xây dựng mô hình trồng chè và hướng dẫn người dân mở rộng diện tích theo hướng VietGAP, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây chè đang dần trở thành cây thoát nghèo ở vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở này.

Đáng chú ý, để liên kết các hộ trồng chè, nâng cao giá trị sản xuất, HTX chè sạch Đông Trường Sơn được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn hỗ trợ thành lập. Hiện, việc trồng, chế biến sản phẩm chè của HTX có sự chuyển giao công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè - đơn vị nghiên cứu chè có lịch sử trên 100 năm.

Dự án trồng chè chất lượng cao của HTX cũng đang được xây dựng theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến, đóng gói, gắn tem, đến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu sản phẩm…

HTX chè sạch Đông Trường Sơn đang là điểm tựa giảm nghèo cho thành viên người dân tộc thiểu số (Ảnh: Trần Phúc).

HTX chè sạch Đông Trường Sơn đang là điểm tựa giảm nghèo cho thành viên người dân tộc thiểu số (Ảnh: Trần Phúc).

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè, những năm qua, HTX đã chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế diện tích chè đã già cỗi bằng những giống chè cho năng suất cao, như PH8, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, PH11, San Tuyết...

Trong quá trình canh tác, HTX Đông Trường Sơn luôn chủ động hỗ trợ các thành viên, hộ liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Thái, đại diện HTX Chè sạch Đông Trường Sơn, cho biết thời gian qua, HTX ứng dụng các công nghệ cao tiên tiến nhất của ngành chè hiện nay để sản xuất sản phẩm với mục tiêu an toàn, chất lượng, thân thiện với môi trường.

HTX cũng đang gắn sản xuất với du lịch trải nghiệm, nhằm phát huy tối đa các lợi thế của vùng địa lý, đảm bảo thu nhập cao cho thành viên. Sản phẩm chè sạch của HTX vừa được Cục Công Thương địa phương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2022.

“HTX đặt mục tiêu đến năm 2025 ổn định thị trường xuất khẩu bên cạnh việc chinh phục hoàn toàn người tiêu dùng trong nước, từ đó đảm bảo doanh thu nhà máy đạt 10-20 tỷ đồng/năm, dự kiến lãi dòng đạt 2-3 tỷ đồng/năm”, ông Nguyễn Hồng Thái nói.

Điểm tựa nâng cao thu nhập

Hoạt động ổn định của HTX đang góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao vị thế của sản phẩm chè Đông Trường Sơn, đồng thời tạo điểm tựa nâng cao thu nhập, làm giàu cho người dân xã Hiếu.

Sau hơn 3 năm triển khai, HTX đã phát triển gần 40 ha diện tích trồng chè trên địa bàn. Hiện, HTX có 19 thành viên, liên kết với 9 hộ dân tham gia trồng chè và tạo việc làm cho 30 - 40 lao động thời vụ.

Với giá thu mua chè tươi bình quân 6.000 - 15.000 đồng/kg, doanh thu của thành viên HTX Đông Trường Sơn đạt trung bình 100 - 250 triệu đồng/ha. Công nhân chế biến có mức thu nhập trung bình 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Lao động thời vụ cũng được trả công cao, 150 – 200 nghìn đồng/ngày.

Anh A Ring, ở thôn Tu Cần, thành viên liên kết của HTX, chia sẻ hiện HTX đã giao cho gia đình anh quản lý 2 ha chè, vừa chăm sóc, vừa thu hoạch bán lại cho HTX, thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/tháng - mức thu nhập rất cao so với mặt bằng chung trong và ngoài địa phương.

Các thành viên được HTX hướng dẫn chăm sóc chè theo hướng tự nhiên, không sử dụng hóa chất, không sử dụng các loại thuốc kích thích và không dùng thuốc bảo vệ thực vật. 100% các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều bảo đảm chất lượng chè sạch.

“Trước đây, cuộc sống của chúng tôi vô cùng khó khăn, chủ yếu dựa vào trồng lúa, ngô tự phát năng suất thấp, thu nhập bấp bênh. Nay vào HTX, được “cầm tay chỉ việc” chăm sóc, sản xuất chè sạch, thu nhập ổn định, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn nhiều”, anh A Ring phấn khởi nói.

Tương tự, anh A Ói, thôn Tu Cần vui vẻ kể ngay từ những ngày đầu HTX trồng chè trên địa bàn, anh đã vào làm việc với HTX. Công việc ổn định, gia đình có thu nhập khá hơn trước. Công việc hàng ngày của anh hiện tại là trồng chè, làm cỏ, bón phân, hái lá chè… cho HTX.

Không chỉ tạo việc làm cho người dân, HTX Chè sạch Đông Trường Sơn đang góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn, từ các loại cây kém hiệu quả sang cây chè hiệu quả cao.

Đại diện UBND xã Hiếu cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX phát triển mô hình theo đúng ngành nghề kinh doanh đã đăng ký, tuyệt đối không phá rừng để mở rộng diện tích trồng chè, qua đó tạo việc làm cho người dân địa phương và đồng hành giúp người dân phát triển kinh tế.

Từ thành công của HTX chè sạch Đông Trường Sơn, xã cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền phát triển các mô hình kinh tế nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX, nhân rộng mô hình mới, tạo hướng đi hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Nhật Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/vang-danh-che-sach-dong-truong-son-1090943.html