Vang mãi hào khí Điện Biên

Mỗi dịp tháng 5 về, đất nước ta lại vui mừng kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho những năm tháng hào hùng của lớp lớp thế hệ cha anh đã làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Tiết học tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ của học sinh Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn.

Tiết học tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ của học sinh Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 có ý nghĩa quyết định, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Đối với Việt Nam, đó là chiến thắng của lòng yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của cả dân tộc. 68 năm qua, nhiều người con ưu tú của quê hương Lào Cai từng tham gia chiến dịch giờ đây đã thưa vắng dần theo thời gian nhưng những chiến công, sự đóng góp cụ thể thì lịch sử quê hương mãi ghi nhớ.

Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Lào Cai đã cùng bộ đội chủ lực chiến đấu hơn 1.100 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.700 tên địch, bắn cháy và bắn hỏng 7 máy bay, thu 1.122 súng các loại, 9 xe ô tô quân sự, 18 máy vô tuyến điện và hàng trăm tấn đạn dược; khắc phục mọi khó khăn, tích cực tham gia kháng chiến phục vụ các chiến dịch; huy động hơn 400.000 ngày công người, hơn 53.000 công ngựa, đóng góp hơn 8.000 tấn thóc, 240 tấn ngô gạo, gần 356 triệu đồng tiền ngân hàng. Để ngăn chặn lực lượng chủ lực và các đoàn tiếp tế của ta lên Tây Bắc, giặc Pháp điên cuồng dùng máy bay đánh phá các tuyến đường hành quân, kết hợp sử dụng phỉ phá hoại hậu phương vùng mới giải phóng của ta.

Ở Lào Cai, Đại đội bộ đội địa phương 956 đã tích cực chiến đấu giải phóng Sa Pa, Mường Vi, Bình Lư, Tam Đường, phá vỡ vòng vây của phỉ đối với thị xã Lào Cai, các thị trấn Sa Pa, Bát Xát và huyện lỵ Phong Thổ, đánh tan các ổ phỉ dọc đường từ Lào Cai đi Lai Châu. Lực lượng vũ trang tỉnh đã tiêu diệt 150 tên, bắt sống và gọi hàng 443 tên, bắn rơi một máy bay, thu 231 khẩu súng các loại và hàng chục tấn đạn dược, quân trang, quân dụng; bảo đảm thông suốt con đường cơ động từ Lào Cai đi Lai Châu, phục vụ Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra còn đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng đường chiến lược 13 (dài 74 km), nối liền Việt Bắc với Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà đoạt giải Đặc biệt trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, năm 2021.

Mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà đoạt giải Đặc biệt trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 17, năm 2021.

Âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” luôn được Nhân dân các dân tộc Lào Cai nhắc nhớ. Nổi bật trong các trường học, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là những con số thống kê trên trang sách, mà đã được tái hiện sinh động thông qua các mô hình. Với cách giáo dục gắn lý thuyết với quan sát mô hình cụ thể sẽ có sức lôi cuốn và giúp học sinh dễ nhớ những kiến thức liên quan đến chiến dịch, được xem như một cách sáng tạo của ngành giáo dục trong dạy và học môn Lịch sử nói chung, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Tôi về Trường Tiểu học xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn) đúng hôm học sinh có tiết học tìm hiểu về chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Trong khuôn viên rợp bóng cây, lứa chồi non của quê hương trên vai thắm màu khăn quàng đang say sưa tìm hiểu những kiến thức về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đứng cạnh mô hình hầm Đờ Cát, nơi bộ đội ta bắt sống viên tướng chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm xưa và hình ảnh những người lính đã trải qua 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm/mưa dầm, cơm vắt” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Ngay cạnh bức tượng người lính Việt Nam giản dị là những dòng thuyết minh ngắn gọn, súc tích giúp các em dễ nhớ. “Tận mắt thấy mô hình hầm tướng Đờ Cát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết hợp với những kiến thức trong sách giáo khoa giúp chúng em tiếp thu bài nhanh hơn và thêm trân trọng các thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu vì quê hương, đất nước”, em Sầm Hà Tuấn Anh, học sinh lớp 3A cho biết.

Còn tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1, xã Nậm Mòn (huyện Bắc Hà), nhờ học lịch sử, một nhóm học sinh lớp 5 đã có sáng kiến xây dựng mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ. Em Tải Thị Khanh, học sinh lớp 5A1 - một trong những thành viên của nhóm - kể rằng, qua tìm hiểu nhận thấy những năm gần đây, nhiều học sinh chưa hứng thú học môn Lịch sử bởi diễn biến dài, mốc thời gian khó nhớ, việc tìm hiểu chi tiết các chiến dịch đối với học sinh tiểu học lại càng khó. Các em đã suy nghĩ giả sử các trận đánh, các chiến dịch đó được trình bày dưới dạng mô hình “động” sẽ kích thích hứng thú học tập của học sinh. Vậy là mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ra đời.

Tận dụng những vật dụng đơn giản, nhóm tác giả với sự trợ giúp của các thầy, cô giáo đã sáng tạo ra mô hình mô tả lại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mô hình được thiết kế cả tĩnh và động, kết hợp âm thanh, ánh sáng theo từng đợt tiến công của bộ đội ta, hành quân, kéo pháo, dân công vận chuyển lương thực; các đợt tiến công đánh các cứ điểm… “Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện lên sống động, kích thích khả năng quan sát, tìm hiểu, giúp chúng em dễ dàng nhớ về các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử”, em Tải Thị Khanh khoe.

Xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1 đã đoạt giải Đặc biệt trong Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 17 năm 2021. Mô hình được trưng bày tại phòng truyền thống và phục vụ việc dạy học môn Lịch sử của trường.

Mô hình Chiến dịch Điện Biên Phủ của Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng và Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mòn 1 chỉ là 2 trong rất nhiều mô hình được các nhà trường trong tỉnh xây dựng, như một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Đồng thời, giúp các em hiểu hơn về lịch sử dân tộc, như lời Bác Hồ từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, từ đó thêm trân trọng những đóng góp, công lao của các thế hệ cha anh đi trước, đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/356105-vang-mai-hao-khi-dien-bien