Vàng... 'nóng'!

Cho đến khi giá vàng trong nước lên đến 40 triệu đồng/lượng, người dân vẫn tiếp tục bán vàng và nhu cầu mua vàng trên thị trường nhìn chung vẫn thấp như nó vốn từng thấp trong gần năm năm qua.

Thế nhưng ngày 5-8-2019 khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chính thức can thiệp vào tỷ giá hối đoái khiến nhân dân tệ giảm giá một bước mạnh, giá vàng thế giới tăng vọt qua ngưỡng 1.500 đô la Mỹ/ounce, thì tâm lý và cách nhìn của người tiêu dùng đã đổi chiều: người có vàng ngưng bán, người chưa có bắt đầu mua.

 Tâm lý và cách nhìn của người tiêu dùng đối với vàng đã đổi chiều. Ảnh minh họa Thành Hoa

Tâm lý và cách nhìn của người tiêu dùng đối với vàng đã đổi chiều. Ảnh minh họa Thành Hoa

Từ thờ ơ đến dõi theo từng giờ

Trong những năm 2011-2012, khá nhiều thời điểm giá vàng trong nước cán đích 46 triệu, thậm chí 47 triệu đồng/lượng. Lúc bấy giờ giá vàng thế giới lên đỉnh 1.900 đô la Mỹ/ounce. Quãng thời gian tiếp theo giá vàng thế giới tụt dốc dần và cùng với chính sách “làm cho người ta chán vàng” của Nhà nước, bằng cách để giá cứ đứng nguyên một chỗ ở mức thấp và luôn chênh lệch cao/thấp hơn giá thế giới một khoảng cách đáng kể, người dân ngày một xa rời mối quan tâm đến vàng. Ba năm 2016-2018, giá vàng nội địa giậm chân ở 36 triệu đồng/lượng đã làm nản lòng cả những người kiên trì vốn tin tưởng vào vàng như một kênh đầu tư.

Thị trường bao giờ cũng đúng và để thị trường vận hành cùng chiều với định hướng quản lý, mọi sự quan sát, chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng không bao giờ thừa nhất là với thứ hàng hóa... đỏng đảnh như vàng!

Sự nản lòng này được phản ánh rất rõ từ đầu năm 2019 cho đến hết tháng 7-2019. Cứ mỗi khi giá vàng trong nước nhấp nhổm đến 37 triệu đồng/lượng là người có vàng mang ra bán. Vậy nên suốt tháng 7, khi giá vàng thế giới đã bứt khỏi ngưỡng 1.300 đô la Mỹ/ounce và dao động trong khung mới 1.350-1.400 đô la Mỹ/ounce, người tiêu dùng vẫn bán vàng.

Thống kê của một số ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng cho thấy, bình thường thanh khoản thị trường vàng toàn quốc chỉ tầm 150-200 lượng/ngày nhưng vừa qua đã tăng lên 300-400 lượng/ngày do bán nhiều hơn mua. Một số ngân hàng và công ty kinh doanh vàng bạc, đá quý cũng không dám mua vàng vào và giữ đến ngày hôm sau (chứ đừng nói đến tuần sau, tháng sau) vì nếu giá vàng thế giới qua đêm mà rớt là họ lỗ ngay.

Họ chỉ mua vào khi có nguồn tiêu thụ và giá mua vào luôn thấp hơn giá quốc tế quy đổi 500.000-700.000 đồng/lượng. Nguồn tiêu thụ cuối cùng ở đây là thị trường tự do và điểm đến là xuất vàng lậu qua biên giới.

Những tuần đầu tháng 7-2019 chẳng phải ngẫu nhiên mà giá đô la mặt trên thị trường tự do giảm mạnh, và một số ngân hàng cho biết lượng đô la mặt mua được hàng ngày tăng gấp đôi, gấp ba bình thường. Tỷ giá niêm yết mua bán ngoại tệ của ngân hàng cũng giảm do nguồn cung ngoại tệ mặt về nhiều. Bộ phận kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng ước tính trong tháng 7 nguồn ngoại tệ mặt từ xuất vàng không chính thức chảy vào thị trường tự do không dưới 500-600 triệu đô la Mỹ.

Cú can thiệp của Trung Quốc vào tỷ giá đồng nhân dân tệ/đô la Mỹ hoàn toàn bất ngờ với hầu hết các chủ thể trên thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam. Khi sự can thiệp đã bắt đầu và suốt cả tuần trước khi Trung Quốc công bố tỷ giá hàng ngày đều theo hướng hôm sau đồng nhân dân tệ giảm giá hơn hôm trước so với đô la Mỹ, vàng cứ thế leo dốc đầy tự tin.

Bây giờ giới nghiên cứu, phân tích của những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới mới nhìn lại và giật mình vì từ đầu năm đến ngày để tỷ giá nhảy qua 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ, Trung Quốc và Nga đã mua vào một lượng vàng khổng lồ để gia tăng dự trữ. Ngân hàng Trung ương Nga thậm chí còn bán ra trái phiếu chính phủ Mỹ để mua vàng.

Dự báo của giới tài chính quốc tế về giá vàng hiện nay quay ngoắt 180 độ. Rất nhiều tổ chức cùng chung tiếng nói giá vàng thế giới sẽ có thể lên tới 1.600 đô la Mỹ/ounce, tương đương giá quy đổi 44-44,5 triệu đồng/lượng tính cả thuế và phí gia công. Tuần trước, có ngày giá vàng trong nước vọt lên trên 42 triệu đồng/lượng. Trong hơn 40 ngày qua, giá vàng trong nước tăng 16,5% theo sát giá vàng thế giới - một tốc độ tăng “nóng”.

Cái “nóng” bất ngờ của giá vàng còn cao nhiệt hơn vì nó đã từng nguội lạnh suốt năm năm liền. Từ chỗ thờ ơ với giá vàng, bây giờ người tiêu dùng chuyển sang quan sát giá vàng sớm chiều.

Quản lý nên nhanh chân, nhanh tay

Ở một số cửa hàng vàng, theo quan sát của người viết bài này, người đến mua 5-10 lượng/người không còn hiếm, mà trở nên phổ biến hơn. Một số người đặt mua 50-100 lượng nhưng cửa hàng không có vàng giao ngay, nên phải chờ hoặc buộc phải chuyển qua mỗi ngày mua một ít.

Bên bán không dám nhận đặt cọc vì e ngại giá vàng biến động theo giá thế giới. Một tiệm vàng nói thẳng họ không mua bán trước 10 giờ sáng, dù vẫn mở cửa từ 9 giờ. Lý do là đợi xem sáng sáng Trung Quốc công bố tỷ giá đồng nhân dân tệ thế nào. Bà chủ một tiệm vàng còn chìa cho coi bảng tỷ giá đồng nhân dân tệ/đô la Mỹ công bố hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu tuần trước được bà ghi cẩn thận trong sổ và nói chắc như đinh đóng cột: “Ngày nào tỷ giá cũng tăng đây nè” (ý nói đồng tệ giảm giá)”.

Vàng miếng SJC được mua nhiều nhất nhưng khan hàng do không chỉ vì người mua đang tạm thời nhiều hơn bán. Đã 2-3 năm nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cấp quota cho Xí nghiệp Chế tác vàng miếng của Công ty Vàng bạc Đá quý TPHCM (SJC) dập vàng. Trong khi đó, thời gian qua vàng lậu xuất qua biên giới chủ yếu là vàng miếng SJC nên lượng vàng miếng nhãn hiệu này không còn nhiều trong lưu thông như trước đây.

Giả sử cầu trong nước tiếp tục cao do ảnh hưởng của giá vàng thế giới (xin nhấn mạnh từ “giả sử”) làm giá vàng nội địa cao hơn giá bên ngoài, vàng lậu có thể về, nhưng vẫn không dập ra vàng miếng SJC được, trừ khi NHNN cấp quota, mà chỉ có vàng nguyên liệu dạng ký, thì hàng SJC lại càng được đón nhận nhiều hơn nữa.

Không mua được vàng miếng SJC, người ta chuyển qua mua vàng Doji, vàng PNJ hoặc Bảo Tín Minh Châu... Những doanh nghiệp này cũng không được sản xuất vàng miếng, nhưng họ sản xuất nhẫn trơn hoặc kiềng bốn số chín. Thay vì mua vàng miếng, người ta có thể mua nhẫn trơn, mua kiềng. Chênh lệch giá mua/bán của những thương hiệu này hẹp hơn so với chênh lệch giao dịch vàng miếng SJC. Có điều vàng miếng SJC khi cần bán ở ngân hàng, tiệm vàng nào cũng được, còn những thương hiệu kia mua ở đâu thường phải bán ở đó.

Vàng nữ trang, theo ghi nhận của chúng tôi, giao dịch không sôi động chủ yếu do phí gia công cao và chênh lệch giá mua bán rất rộng. Hơn nữa chất lượng vàng nữ trang đa dạng, không nhất thiết phải là vàng bốn số chín. Nhu cầu vàng nữ trang diễn ra bình thường.

Dự báo giá vàng là chuyện không tưởng. Với sự biến động thất thường của dữ liệu thông tin và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gần trở thành cuộc chiến tranh tiền tệ lan rộng ra toàn thế giới, vàng một lần nữa lại được xem như tài sản trú ẩn an toàn của giới đầu tư.

Trong điều kiện như vậy, NHNN không thể không để mắt đến vàng và một sự điều hành, quản lý vàng nhanh chân nhanh tay nên được tính đến. Thị trường bao giờ cũng đúng và để thị trường vận hành cùng chiều với định hướng quản lý, mọi sự quan sát, chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng không bao giờ thừa nhất là với thứ hàng hóa... đỏng đảnh như vàng!

Hải Lý

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292800/vang-nong-.html