Vào mùa chuột rẫy

Tôi vẫn nhớ mãi hương vị món thịt chuột rẫy mà Pả Bông mời tôi trong lần vượt chặng đường dài băng rừng, lội suối vào bản Đá Bàn, xã Ba Nang, huyện Đakrông. Sau chén rượu men lá nồng say cùng món thịt chuột rẫy nướng than hồng, nướng trong ống tre, Pả Bông nói rằng, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trên dãy Trường Sơn thường chế biến chuột rẫy thành nhiều món ăn như chuột rẫy gác bếp xào lăn, nướng than hồng, hầm đu đủ, nấu giả cầy, nướng ống tre…

 Chuột rẫy được đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thui vàng trước khi chế biến thành món ăn. Ảnh: HTS

Chuột rẫy được đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô thui vàng trước khi chế biến thành món ăn. Ảnh: HTS

Chuột rẫy thường sống ở vùng rừng núi cao, trong những hốc đá, bụi cây rậm rạp hoặc đào hang dưới đất sâu... nên việc săn bắt không hề dễ dàng. Chuột rẫy khá to, mập hơn chuột đồng do ăn vỏ cây, quả rừng, ngô, sắn, khoai, lúa rẫy nên chúng là thực phẩm sạch hoàn toàn. Khi vụ lúa rẫy bắt đầu chín (khoảng tháng 11- 12 hằng năm), chuột thường kéo về các rẫy lúa nằm chênh vênh bên sườn đồi núi để cắn phá. Nhằm hạn chế chuột cắn phá lúa rẫy, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chuẩn bị bẫy tre, bẫy bán nguyệt… tìm những vị trí mà chuột rẫy thường qua lại để đặt bẫy.

“Ngày xưa, dân bản thường dùng bẫy tre để bẫy chuột trên rẫy. Bẫy tre, đơn giản chỉ là những thanh tre tạm bợ đã được đan sẵn vào nhau tạo thành chiếc thòng lọng đặt ngay đường chuột chạy. Đêm xuống, chuột ra kiếm ăn sẽ mắc bẫy. Điều quan trọng là tìm nơi để đặt bẫy chuột rẫy. Thông thường người đặt bẫy phải chọn những rẫy lúa sắp chín để đặt bẫy mới hiệu quả. Chuột trên rẫy, trên rừng rất nhiều nên khi đi tìm thức ăn, đường đi của chuột rẫy tạo thành một lối mòn nhỏ, nên chỉ cần đặt vào những lối mòn ấy thì chuột sẽ tự sập bẫy thôi. Nhưng rồi, chuột rẫy cũng ngày càng tinh quái. Đặt bẫy tre, đám chuột cứ nhìn thấy là tránh đi chỗ khác.

Bây giờ, dân bản thường dùng bẫy bán nguyệt để bẫy chuột. Bẫy bán nguyệt có quả đối trọng ở giữa, khi con chuột chạy qua, quả đối trọng lập tức nhấn xuống, vòng sắt bán nguyệt sẽ gập lại mà không cần mồi. Nhiều chú chuột rẫy đã phải bỏ mạng vì chiếc bẫy thông minh này”. Còn thời gian đặt bẫy là từ chiều hôm trước, cánh trai bản mang bẫy lên rẫy để tìm vị trí “đắc địa” để đặt bẫy. Qua một đêm, sáng sớm hôm sau thì lên rẫy để gỡ chuột mắc bẫy mang về. Vào mùa chuột rẫy, có người “trúng mánh” được 15 - 20 con chuột rẫy một lần đi thăm bẫy.

Chuột rẫy bẫy được mang về, phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô dùng dao cắt tiết, rồi đốt lửa thui lông, làm sạch và tẩm ướp gia vị cho ngấm vào miếng thịt rồi đem gác bếp. Đợi đến khi thịt đượm khói vàng ươm mới đem ra chế biến. Cách chế biến thịt chuột rẫy gác bếp xào lăn cũng khá đơn giản. Đem thịt ra rửa với nước nóng, cạo hết bụi bếp bám trên thịt rồi đem chặt thành từng miếng nhỏ. Sau đó cho chảo xào với mỡ nóng, thêm gia vị (tùy vào khẩu vị của các thành viên trong gia đình) rồi đảo đến khi thịt chín mềm là ăn được.

Hôm ấy, để tôi được nếm thử món thịt chuột rẫy nướng than hồng, Pả Bông đi một vòng quanh bản và mua được 3 con chuột rẫy béo nung núc từ mấy thanh niên trong bản vừa bẫy được từ rẫy. Chuột rẫy đã được thui vàng ươm, nên Pả Bông chỉ việc mang đi mổ bụng, rửa sạch, để ráo nước. Pả Bông khéo léo chặt thân chuột rẫy vuông vức bằng 3 đầu ngón tay ướp với hàng chục loại gia vị như nước mắm, tiêu rừng, tỏi, riềng, sả, ớt… Thịt chuột rẫy được ướp trong khoảng nửa giờ đồng hồ cho ngấm gia vị, Pả Bông sắp lên vỉ nướng trên than hồng. Khi nướng, Pả Bông cẩn thận, tỉ mẩn lật vỉ cho thịt ở các phía chín đều, cho tới khi thịt có màu vàng rộm, mùi thơm nức mũi lan tỏa.

Ngoài món thịt chuột rẫy nướng than, Pả Bông còn làm thêm món thịt chuột rẫy nướng trong ống tre. Thịt chuột rẫy sau khi được chặt thành khúc nhỏ bằng đầu ngón tay, Pả Bông tẩm ướp gia vị rồi cho vào ống tre sau đó dùng lá chuối tươi nút kín lại. Ống tre được gác lên bếp lửa và cứ khoảng 20 - 30 phút sau thì đưa xuống rồi đặt cách xa bếp lửa khoảng 8 - 10 cm (khoảng 2 giờ đồng hồ sau là có thể ăn được). Sau khi thịt chuột rẫy nướng trong ống tre chín, Pả Bông dùng rựa tách ống trẻ để lấy thịt chuột rẫy ra. Mùi thơm thịt chuột rẫy nướng hòa quyện với lá chuối bay ra thơm ngào ngạt. Pả Bông mời tôi thưởng thức món thịt chuột rẫy nướng than, nướng trong ống tre. Lúc đầu, tôi hơi ngần ngại nhưng khi đã nếm rồi, thì cảm thấy rất ngon và thú vị vì thịt có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, xương giòn nên nhấm với rượu men lá rất hấp dẫn.

Đã từng thưởng thức thịt chuột đồng nướng lu, nướng trên than hồng ở miền Tây Nam bộ, nhưng có lẽ thịt chuột đồng vẫn không sánh được với thịt chuột rẫy. Ngày đông rét buốt, sương giá giữa điệp trùng núi cao, rừng sâu, ngồi bên bếp lửa hồng trong căn nhà sàn ấm cúng, thưởng thức thịt chuột rẫy nướng trên bếp than hồng, trong ống tre nóng hổi, thơm ngọt và nhấp chén rượu men lá mới cảm nhận trọn vẹn hương vị của núi rừng Trường Sơn.

Hoàng Tiến Sĩ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=144977