VCCI đề xuất nâng mức hỗ trợ chi phí R&D của doanh nghiệp lên tới 75%
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có góp ý Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
VCCI cho biết, Quốc hội đã quyết định thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu và có biện pháp hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.
Đây là thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam “nâng cấp” các biện pháp hỗ trợ đầu tư thay vì tập trung chủ yếu vào ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trước đây.
Các biện pháp hỗ trợ đầu tư có ưu điểm về tính linh hoạt, Nhà nước có thể tùy chọn đối tượng, hình thức, nội dung hỗ trợ để định hướng các doanh nghiệp thực hiện những hoạt động đầu tư kinh doanh có nhiều ngoại ứng tốt cho xã hội.
Do đó, khi thiết kế các biện pháp hỗ trợ đầu tư cần lựa chọn các phương án chính sách sao cho đạt được mục tiêu kép, vừa hỗ trợ doanh nghiệp đồng thời có tác động tích cực lan tỏa và dài hạn cho kinh tế xã hội Việt Nam.
Một số quy định tại dự thảo chưa đáp ứng được các mục tiêu này, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển.
Điều 16 của Dự thảo đang quy định hỗ trợ tối đa lên đến 50% chi phí nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp. Nhằm bảo đảm tính lan tỏa trong nền kinh tế, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định hỗ trợ ở mức cao hơn (ví dụ 75%) trong trường hợp doanh nghiệp thuê một đơn vị của Việt Nam để thực hiện hoạt động R&D, như một trường đại học, viện nghiên cứu. Cơ chế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cộng tác chặt chẽ hơn với các cơ sở nghiên cứu trong nước, từ đó giúp nâng cao năng lực cho các đơn vị này, lan tỏa đến sự phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Điều 16.5 của Dự thảo có quy định về lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển (trình độ và hợp đồng lao động). Đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm tiêu chí về quốc tịch của lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển nhằm khuyến khích việc tuyển dụng nghiên cứu viên, nhà khoa học Việt Nam thực hiện hoạt động R&D tại các doanh nghiệp này.
Thứ hai, hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định.
Điều 17 của Dự thảo quy định về việc hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định với tỷ lệ hỗ trợ có thể lên đến mức cao nhất 40%. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, tài sản này, gồm cả động sản và bất động sản, vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Điều kiện để được hỗ trợ là doanh nghiệp phải cam kết tài sản đó được sử dụng cho hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao ít nhất 3 năm.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc phân loại mức hỗ trợ theo loại tài sản là động sản hay bất động sản. Theo đó, nếu doanh nghiệp đầu tư tài sản cố định là bất động sản (công trình gắn liền với đất) thì mức hỗ trợ có thể cao hơn trường hợp tài sản cố định là động sản (như máy móc, thiết bị). Chính sách như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thay vì chuyển sản xuất sang nước khác.
Thứ ba, hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội.
Điều 19 của Dự thảo quy định mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư hạ tầng xã hội, gồm các khoản chi phí trực tiếp đầu tư các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, thương mại, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên và công trình hạ tầng xã hội khác phục vụ cho dự án đầu tư. Đây là hình thức hỗ trợ không chỉ có lợi cho dự án đầu tư mà còn giúp cải thiện đời sống của người lao động và cư dân xung quanh dự án.
Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc mở rộng diện hỗ trợ này như sau: Bổ sung nhà ở dành cho công nhân, người lao động vào diện các công trình được hỗ trợ; Cân nhắc bổ sung một số loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho dự án, người lao động và cư dân xung quanh như công trình giao thông, thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, cấp nước, thu gom và xử lý chất thải…; Ngoài chi phí đầu tư ban đầu, cân nhắc hỗ trợ một phần chi phí vận hành, bảo dưỡng các công trình này.
Thứ tư, hỗ trợ chi phí chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn.
Hiện nay, vấn đề sản xuất xanh, thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm. Đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số hình thức hỗ trợ gồm có: Chi phí lắp đặt và vận hành điện mặt trời mái nhà, các trụ điện gió; Chi phí lắp đặt và vận hành các công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải, nhiệt lượng, các biện pháp ngăn bụi, tiếng ồn…; Chi phí chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang loại thân thiện với môi trường.
Thứ năm, hỗ trợ chi phí một số loại bảo hiểm bắt buộc, bắt buộc mua bảo hiểm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Pháp luật Việt Nam hiện có nhiều quy định về bảo hiểm bắt buộc (Điều 8.2 Luật Kinh doanh bảo hiểm), bắt buộc mua bảo hiểm (như bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường), bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… mang tính nghĩa vụ của doanh nghiệp phải chi cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc các quỹ bảo hiểm của Nhà nước. Các loại bảo hiểm này có tác động tích cực trong nền kinh tế như phòng chống cháy nổ, cải tạo phục hồi môi trường, an sinh xã hội cho người lao động… Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào diện được hỗ trợ.
Thứ sáu, điều kiện được hỗ trợ.
Điều 14.4.c của Dự thảo đưa ra yêu cầu điều kiện “Doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, đất đai và các quy định khác của pháp luật”. Không rõ các quy định khác của pháp luật ở đây muốn nói đến các quy định nào. Nếu yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì mới được hỗ trợ thì sẽ là điều bất khả thi. Thứ nhất, nhiều vi phạm của doanh nghiệp rất nhỏ và không liên quan đến việc được hỗ trợ, ví dụ doanh nghiệp chậm làm thủ tục đăng ký khuyến mại tại một tỉnh nào đó cũng có thể sẽ được coi là lý do để không được hưởng hỗ trợ. Thứ hai, cơ quan thẩm định điều kiện được hỗ trợ cũng không đủ thời gian, nguồn lực và chuyên môn để chắc chắn rằng doanh nghiệp tuân thủ mọi quy định của pháp luật trước khi chấp thuận hỗ trợ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định này theo hướng xác định rõ các hành vi vi phạm là điều kiện để từ chối hỗ trợ, và chỉ nên giới hạn ở một số hành vi có liên quan đến pháp luật về hỗ trợ đầu tư hoặc các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng trong các lĩnh vực khác.
Thứ bảy, quy trình hỗ trợ.
Quy định về quy trình hỗ trợ tại Dự thảo hiện vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, khó dự đoán. Theo đó, ngân sách hoạt động của Quỹ sẽ được phân bổ hằng năm, việc quyết định hỗ trợ cũng được quyết định từng năm chứ không theo suốt dự án. Mức hỗ trợ trong Dự thảo chỉ là mức tối đa, doanh nghiệp có thể sẽ không được hưởng mức tối đa này nếu Quỹ không đủ khả năng chi trả trong năm đó. Trong trường hợp đó, việc phân bổ tiền hỗ trợ dựa trên các tiêu chí chưa rõ ràng, chưa định lượng.
Như vậy, đứng từ góc độ của một doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư, không có gì chắc chắn họ sẽ được hỗ trợ dù đã thuộc đối tượng và thực hiện đúng các hoạt động được nêu trong Nghị định. Khi không chắc chắn như vậy, nhà đầu tư sẽ phải tính toán cho tình huống xấu nhất, tức là không được hỗ trợ. Kể cả đối với các doanh nghiệp đã đầu tư thì việc hỗ trợ được quyết định theo từng năm cũng gây nhiều bất chắc. Dù năm nay được hỗ trợ, doanh nghiệp không chắc chắn năm sau có được hỗ trợ nữa tiếp nữa hay không. Sự thiếu chắc chắn này sẽ làm giảm hiệu quả thu hút cũng như giữ chân nhà đầu tư của chính sách này, trong khi ngân sách vẫn phải chi tiền hỗ trợ.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế Nhà nước cam kết hỗ trợ đầu tư cho toàn bộ thời gian hoặc một số năm xác định trước của dự án, không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách từng năm hay việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp khác. Khi đó, nhà đầu tư sẽ yên tâm đưa số tiền hỗ trợ này vào các tính toán trước khi quyết định đầu tư, từ đó sẽ có tác động thu hút đầu tư. Việc chi trả tiền hỗ trợ đầu tư vẫn được thực hiện từng năm, nhưng lúc này tiền hỗ trợ chỉ phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có thực hiện đúng phần nghĩa vụ của họ, chứ không phụ thuộc vào phân bổ ngân sách hay các doanh nghiệp khác.
Đương nhiên, việc cam kết trước này sẽ đẩy rủi ro về phía Nhà nước. Nhà nước có thể cân đối lại bằng cách giảm mức hỗ trợ, đặc biệt là các chi phí như tạo tài sản cố định, chi phí sản xuất và chi phí vốn vay. Chúng tôi tin rằng, mức hỗ trợ thấp nhưng chắc chắn và dự đoán được sẽ có tác dụng thu hút đầu tư tốt hơn so với mức hỗ trợ cao nhưng không dự đoán được.
Thứ tám, về thủ tục hành chính.
Thủ tục tại Điều 21.3.đ – Thủ tướng Chính phủ xem xét, ra quyết định hỗ trợ đầu tư chưa có thời hạn thực hiện. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thời hạn thực hiện để tránh thủ tục kéo dài.