VCCI và niềm tin về đường hướng phát triển của các quốc gia trong khu vực trũng của kinh tế thế giới

Với sự tham gia hội nhập hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà tổ chức đại diện là VCCI, thông qua các cơ chế hợp tác, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế mở, phát triển nhanh, có quan hệ kinh tế với trên 230 nước và vùng lãnh thổ.

Hằng năm, cứ vào dịp Xuân sang, chúng ta lại cùng nhau chào mừng ngày thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

2023 thực sự là một năm đặc biệt đối với toàn thể cán bộ nhân viên VCCI khi Liên đoàn kỷ niệm 60 năm thành lập (27/4/1963-27/4/2023), cũng là thời điểm đất nước gần tròn nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất (30/4/1975-30/4/2023). Trong những ngày tháng lịch sử này, tôi thường nhớ lại một kỷ niệm sâu sắc khi thực hiện nhiệm vụ hợp tác doanh nghiệp với ASEAN.

Việt Nam hiện nay đã trở thành một nền kinh tế mở, phát triển nhanh, có quan hệ kinh tế song phương với trên 230 nước và vùng lãnh thổ.

Việt Nam hiện nay đã trở thành một nền kinh tế mở, phát triển nhanh, có quan hệ kinh tế song phương với trên 230 nước và vùng lãnh thổ.

Năm 2003 - cách đây vừa tròn 20 năm, lần đầu tiên tôi đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sang thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) họp hội nghị của Hội đồng tư vấn kinh doanh (HĐTVKD) ASEAN.

Thời điểm đó, Việt Nam đã là thành viên của ASEAN và đã ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, đất nước dù đã khởi sắc nhưng cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tôi lên đường công tác với một tâm trạng không mấy lạc quan, trong tâm trí, tôi tự nhủ, chắc Malaysia cũng không khác gì các thành phố ở Việt Nam và không bao giờ có thể như các thành phố ở Australia, hoặc thậm chí như Slovakia - những nơi mà tôi đã từng sống và học tập nhiều năm.

Có nhiều nhà bình luận kinh tế cho rằng, muốn nhận xét một nền kinh tế, một đất nước có phát triển bền vững hay không thì không nên nhìn quá nhiều vào các báo cáo thống kê mà cần quan sát cả vào hai vấn đề: Hệ thống hạ tầng cơ sở của quốc gia đó và chính sách của Chính phủ với tầng lớp doanh nghiệp, người dân dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.

Thực vậy, khi bước xuống sân bay quốc tế Kuala Lumpur, tôi đã bị choáng ngợp bởi một công trình hiện đại mang dáng dấp một cảng hàng không của một nước phát triển. Đường dẫn vào thành phố có các hệ thống tiện lợi không chỉ dành cho phương tiện giao thông cá nhân mà còn có đầy đủ phương tiện giao thông công cộng.

Từ xa nhìn vào trung tâm, đã thấy những ngôi nhà hiện đại với điểm nhấn là tháp đôi Kuala Lumpur - từng là công trình cao nhất thế giới. Hai bên đường là những dãy phố với hàng cây xanh, nhà cửa, trung tâm mua sắm… hiện đại. Người dân đi lại và sinh hoạt văn minh không khác nhiều cư dân ở các nước phát triển mà tôi đã đi qua.

Hôm sau, tại buổi làm việc, HĐTVKD Malaysia tự hào cho biết: Hệ thống chính quyền của nước này có mô hình gần với hệ thống nghị viện Westminster và hệ thống pháp luật dựa trên thông luật của Vương quốc Anh.

Tài chính vi mô, hoặc các dịch vụ tài chính cho người nghèo tại Malaysia cung cấp một công cụ xuyên suốt đặc biệt, có khả năng giảm bớt một số vấn đề thách thức nhất của thời đại như: Nghèo đói cùng cực, thất nghiệp, bình đẳng giới, an ninh lương thực, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện và giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo.

Malaysia là một nền kinh tế thị trường định hướng nhà nước tương đối mở và công nghiệp hóa mới. Tuy nhiên, vì sự bất bình đẳng kinh tế tồn tại giữa các dân tộc (người Hoa chiếm khoảng một phần ba dân số song lại chiếm 70% giá trị vốn hóa thị trường của quốc gia), chính phủ đã có chính sách cung cấp tùy chọn tín dụng vi mô linh hoạt cho tất cả doanh nhân siêu nhỏ, nhỏ và vừa Malaysia đang có kế hoạch bắt đầu kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào. Mức vay có thể tới 50.000 RM (tương đương gần 270 triệu đồng) và khoản vay tối thiểu 3.000 RM (khoảng gần 16 triệu đồng) mà không cần tài sản thế chấp.

Chuyến đi công tác cách đây 2 thập niên đã làm thay đổi suy nghĩ và tạo cho tôi một niềm tin về hướng đi hiệu quả của các quốc gia trong khu vực trũng của kinh tế thế giới như Malaysia và Việt Nam… để có khát vọng xây dựng một đất nước phát triển và có sức cạnh tranh cao.

Có thể nói rằng, chính sách đầu tư vào hạ tầng giao thông công cộng qua các hình thức đầu tư hiệu quả như đối tác công tư (PPP) và tín dụng vi mô đã góp phần quan trọng biến đổi một đất nước có diện tích tương đương và dân số chỉ bằng một phần ba Việt Nam với văn hóa đa tôn giáo (Hồi giáo, Kitô giáo, Phật giáo, Hindu …) trở thành quốc gia đoàn kết và phát triển.

Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi hiện nay, theo nghiên cứu và khảo sát của công ty Preply có trụ sở tại Mỹ, thủ đô Kuala Lumpur đã vượt qua những cái tên như Dubai (UAE) và Montreal (Canada) để trở thành thành phố người nước ngoài muốn sống nhất.

Ở Việt Nam, sau gần 30 năm gia nhập ASEAN, với chính sách hội nhập lấy khu vực láng giềng ASEAN làm trọng tâm để hợp tác và phát triển nói chung và khai thác một trong những nguồn lực quan trọng nhất của đất nước là Biển Đông nói riêng, chúng ta đã trở thành một quốc gia có vị thế quan trọng trong khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, với sự tham gia hội nhập hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mà tổ chức đại diện là VCCI, thông qua các cơ chế hợp tác doanh nghiệp song phương như Diễn đàn doanh nghiệp giữa Việt Nam với các nước, HĐTVKD APEC và ASEAN, Việt Nam hiện nay đã trở thành một nền kinh tế mở, phát triển nhanh, có quan hệ kinh tế song phương với trên 230 nước và vùng lãnh thổ.

Việt Nam cũng đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt trên 700 tỷ USD, gấp gần 2 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

20 năm nữa, khi chúng ta kỷ niệm 80 mùa Xuân VCCI và sau đó là 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam, doanh nghiệp và doanh nhân vẫn sẽ là động lực chính để phát triển kinh tế.

Chúng ta sẽ nhìn thấy sự phát triển của các hiệp hội ngành nghề cốt lõi của Việt Nam dưới ngọn cờ VCCI ở trong nước, những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng “Made in Vietnam” sẽ song hành với sự hiện diện của các VietCham trên các thị trường quốc tế chiến lược của đất nước…

Trong kỷ nguyên công nghệ số, nền kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền, cùng với chính sách của Chính phủ, phát triển hạ tầng là một trong 3 mũi nhọn đột phá cũng như chính sách tài chính vĩ mô và vi mô để phát triển bền vững và “không ai bị bỏ lại phía sau”, chúng ta sẽ có được sự đồng thuận và đoàn kết của mọi giai tầng trong xã hội, tạo nên một nguồn lực xã hội vô cùng to lớn, đảm bảo cho tất cả chúng ta cùng đi, cùng tiến xa và “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

TS. Đoàn Duy Khương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vcci-va-niem-tin-ve-duong-huong-phat-trien-cua-cac-quoc-gia-trong-khu-vuc-trung-cua-kinh-te-the-gioi-224940.html