VDSC: Dòng tiền sẽ hướng đến các mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt
Thời điểm hiện tại, việc nhà đầu tư luân chuyển dòng tiền vào nhóm VN30 cũng là khá phù hợp khi nội tại các doanh nghiệp tốt và có thanh khoản cao. Phía ngược lại, những mã cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh do kết quả kinh doanh xấu.
Doanh nghiệp lớn phục hồi nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn khó
Theo số liệu từ Fiinpro tính đến ngày 7-2, đã có 424/773 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE và HNX công bố kết quả kinh doanh quý IV-2021.
Nhìn chung, lợi nhuận trong quý này hồi phục mạnh mẽ trở lại sau giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài trong quý III (tăng 15,5% theo quý). Tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái cũng ở mức 2 chữ số khi đạt 12%, trong đó 15/18 ngành có lợi nhuận sau thuế tăng trưởng so với quý trước.
Theo thống kê, nhóm dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận là các công ty bán lẻ. Đây là nhóm ngành được hưởng lợi mạnh mẽ từ việc nới lỏng giãn cách xã hội khi các cửa hàng được mở cửa trở lại sau khi đóng cửa hoàn toàn trong quý III-2021 và nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh trong quý cuối năm.
Ở nhóm thực phẩm và đồ uống, lợi nhuận tăng cao (tăng 106% theo quý) được hỗ trợ mạnh mẽ bởi doanh nghiệp đầu ngành là MSN (Masan). Doanh nghiệp này chiếm 55% lợi nhuận của ngành nhờ khoản lãi qua việc thoái vốn mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Câu chuyện mở cửa nền kinh tế cũng tạo động lực cho 2 nhóm dầu khí và ô tô nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng và đi lại. Nhóm ngành có mức tăng trưởng mạnh khác là xây dựng và vật liệu (tăng 424% theo quý).
Phía ngược lại, 2 nhóm tài nguyên cơ bản và bất động sản có phần chững lại so với quý III (giảm -28% và -32%). Nguyên nhân là do giá thép điều chỉnh trong quý IV đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp thép và khoản lỗ của một số doanh nghiệp đầu ngành.
Trong năm 2021 và cho tới thời điểm hiện tại, các NĐT cá nhân chiếm lĩnh thị trường (chiếm 87% giá trị giao dịch so với mức 72% giai đoạn trước dịch bệnh). Đây là yếu tố thúc đẩy định giá nhóm CP vốn hóa trung bình và nhỏ vượt định giá cả ngắn hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, các CP trong nhóm này có kết quả kinh doanh quý IV-2021 xấu và không như kỳ vọng dẫn đến sự điều chỉnh nhanh chóng sau đó. Trong thời gian tới, rủi ro giảm giá ở nhóm này vẫn còn nếu kết quả kinh doanh chưa có nhiều sự chuyển biến hoặc thông tin hỗ trợ.
Dòng tiền chảy có xu hướng chảy vào nhóm VN30
Sau mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV, thị trường khá thận trọng khi thanh khoản chưa cao và duy trì mức dưới 30.000 tỷ đồng/phiên. Theo quan điểm của CTCK Rồng Việt (VDSC), dòng tiền đầu tư sẽ phân hóa và đa dạng ở các nhóm ngành và CP. Thời điểm hiện tại, việc NĐT luân chuyển dòng tiền vào nhóm VN30 cũng là khá phù hợp khi nội tại các doanh nghiệp tốt và có thanh khoản cao.
Theo VDSC, trong nhóm VN30, sự chững lại của nhóm ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 đã phản ánh sự tăng trưởng chậm lại, đạt 12% so với mức tăng trưởng 55% nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong thời gian tới, kỳ vọng hoạt động của các ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện như chia cổ tức và phát hành riêng lẻ cho các NĐTNN. Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân được cho là có những tin tức tích cực và tăng trưởng vượt bậc trong quý II và III sắp tới.
Nhóm CP thép cũng đã có mức điều chỉnh đáng kể và phản ánh kết quả kinh doanh quý IV tăng trưởng chậm lại khi giá thép có diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, VDSC cho rằng dòng tiền vào nhóm này có thể cải thiện trong thời gian tới khi triển vọng 2022 được hỗ trợ bởi sự phục hồi trong sản lượng bán hàng nội địa.
Ngoài nhóm VN30, VDSC cũng đánh giá cao nhóm bán lẻ, kho vận và xuất khẩu. Đây sẽ là nhóm ngành tiếp tục thu hút dòng tiền hỗ trợ bởi việc mở cửa trở lại của các cửa hàng, nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng toàn cầu và việc bình thường hóa chuỗi cung ứng trong năm 2022.