Về chung 'một nhà'

ĐBP - Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố là một trong những chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả. Triển khai tại Ðiện Biên, về cơ bản đề án đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân. Với nhiều người, đây không đơn thuần chỉ là việc sáp nhập mà còn là điều kiện để họ trở về 'mái nhà xưa', nơi họ đã từng chung sống, đoàn kết cùng nhau vượt qua gian khó…

Theo Quyết định của UBND tỉnh, tổ dân phố 11 và tổ dân phố 12, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ) đã sáp nhập và lấy tên tổ dân phố 11. Trong ảnh: Nhân dân tổ dân phố 11 biểu diễn văn nghệ trong ngày đại đoàn kết.

Bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Ông Ðặng Quang Minh, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên (Sở Nội vụ) chia sẻ: Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố là một trong những chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước đã và đang được tỉnh quyết liệt thực hiện. Riêng đối với các huyện biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ nhiều bản thực hiện sắp xếp dân di cư tự do theo Ðề án 79 thì không áp dụng quy định về quy mô số hộ gia đình theo Thông tư 14 của Bộ Nội vụ; nghĩa là không thực hiện sắp xếp ở những địa bàn này. Thông tư 14 đã nêu rõ “trường hợp ở biên giới, hải đảo, cách xa đất liền, do việc di dân hoặc bảo vệ đường biên giới, chủ quyền biển đảo thì việc thành lập thôn, bản, tổ dân phố không áp dụng về số hộ gia đình”. Nhìn chung, quá trình triển khai, tổng hợp ý kiến từ phía nhân dân, phần lớn người dân đều nhất trí cao với phương án sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố. Ðây là một yếu tố hết sức quan trọng để cơ quan chức năng thuận lợi trong quá trình tổ chức sắp xếp, sáp nhập.

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra theo đúng kế hoạch và đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực. 5 đơn vị hành chính cấp huyện là: TP. Ðiện Biên Phủ, TX. Mường Lay, Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông và Mường Ảng đã thực hiện sáp nhập 501 thôn, bản, tổ dân phố để thành lập 247 thôn, bản, tổ dân phố (giảm 254 thôn, bản, tổ dân phố). Sau sáp nhập, số thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh giảm từ 1.813 xuống còn 1.559 thôn, bản, đội, tổ dân phố.

Mường Ảng là một trong những địa phương triển khai tốt việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, huyện đã khẩn trương tổ chức thực hiện và nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Ông Ðào Duy Thạch, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Ảng cho biết: Theo Quyết định của UBND tỉnh, Mường Ảng đã sáp nhập 42 bản, tổ dân phố để thành lập 21 bản, tổ dân phố. Ðến nay, sau khi sáp nhập huyện còn 118 bản, tổ dân phố; giảm gần 150 cán bộ không chuyên trách; đồng thời các bản, tổ dân phố đã bầu những người có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình giữ các chức vụ bí thư chi bộ, trưởng bản và trưởng ban công tác mặt trận.

Tại kỳ họp thứ 12, HÐND tỉnh diễn ra đầu tháng 12 vừa qua, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập, đổi tên các thôn, bản, tổ dân phố thuộc các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà và Nậm Pồ. Theo Nghị quyết, Ðiện Biên sẽ tiếp tục sắp xếp, sáp nhập 234 thôn, bản, đội, tổ dân phố để thành lập 116 thôn, bản, tổ dân phố (giảm 118 thôn, bản, đội, tổ dân phố). Sau khi hoàn thành sắp xếp, toàn tỉnh có 1.441 thôn, bản, đội, tổ dân phố; giảm 372 thôn, bản, đội, tổ dân phố so với thời điểm trước khi triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập.

Có thể nói, việc điều chỉnh, sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố hiện nay là rất cần thiết. Bởi không chỉ góp phần tinh gọn hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao hiệu quả quản lý thôn, bản, tổ dân phố cho từng địa phương mà còn tạo điều kiện để tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng những công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn, đáp ứng nguồn lực để bố trí những chức danh cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố.

Ðoàn kết cùng phát triển

Chủ trương sắp xếp, sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố thời gian vừa qua diễn ra thuận lợi không thể phủ nhận vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, song vai trò của nhân dân cũng không kém phần quan trọng. Ở phương diện, góc độ nào đó, trong thâm tâm mỗi người dân, họ nghĩ rằng việc sáp nhập không phải là miễn cưỡng mà là điều kiện để họ trở về với “mái nhà” xưa, nơi họ đã từng chung sống, đoàn kết cùng nhau vượt qua gian khó. Và ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc vừa qua ở khắp các khu dân cư từ thành thị đến các bản, làng là một minh chứng cho điều đó.

Có mặt tại ngày hội đại đoàn kết bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng), chúng tôi cảm nhận không khí vui tươi, phấn khởi trên mỗi khuôn mặt của người dân có mặt hôm đó. Trong niềm hân hoan, ông Quàng Văn Dương, Trưởng bản Lịch Cang tâm sự: Lâu lắm rồi cả bản mới được vui như thế. Nói rồi, ông Dương không quên lý giải cho câu nói của mình: “Hơn 4 năm trước, dân cư của bản đông đúc nên phải tách ra làm hai. Một bản giữ tên cũ Lịch Cang và một bản đặt tên mới là Ten Muông. Nay theo chủ trương của tỉnh, bản Ten Muông và Lịch Cang sáp nhập trở lại tên Lịch Cang. Dù là 2 bản, thế nhưng từ trước đến nay, chúng tôi luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Ðến nay, tỷ lệ hộ nghèo sau sáp nhập chỉ còn 50/156 hộ. Riêng năm 2019, chúng tôi có 65 hộ thoát nghèo”.

Câu chuyện về chung “một nhà” mà ông Dương kể cho chúng tôi nghe cũng là câu chuyện được bà con dân bản Lịch Cang nhắc nhiều ngày hôm đó. Cũng như Lịch Cang, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay ở nhiều khu dân cư sau sáp nhập cũng vui vẻ, sôi động không kém. Ðiều này không chỉ thể hiện chủ trương của Ðảng đã đi vào cuộc sống mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn dân.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/174928/ve-chung-%E2%80%9Cmot-nha%E2%80%9D