Về Cư Kuin ngắm 'gothic' ven sông

(SGTT) – Các bậc cao niên ở Giáo xứ Giang Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, thành phố Đắk Lắk cho hay, sông Krông Ana như dãy lụa mềm quanh co chảy qua thảo nguyên Ma Đ’răk, băng qua những cánh rừng đại ngàn xa mờ trong màu lam sương khói. Nhưng ấn tượng nhất đối với chúng tôi là cảnh hoang phế giữa buổi chiều tà của một ngôi nhà thờ nằm chơ vơ ven sông.

Phế tích nhà thờ nằm chơ vơ ven sông. Ảnh: Tiên Sa

Phế tích nhà thờ nằm chơ vơ ven sông. Ảnh: Tiên Sa

Theo truyền thuyết của người Ê Đê, ngày xưa, có một cô gái yêu chàng trai sống ở bên kia sông. Nhà cô nghèo không đủ lễ vật “bắt” chàng trai về làm chồng mà giữa hai gia đình cũng có nhiều xích mích. Vậy là cả hai cùng gieo mình xuống sống tự vẫn. Cô gái hóa thành dòng Krông Ana, còn chàng trai hóa thành dòng Krông Nô. Trong khi đó, dòng sông Sêrêpôk chính là sự hòa quyện vĩnh hằng của hai người, như lời ngợi ca một tình yêu thủy chung, bất diệt.

Chúng tôi có dịp qua khu vực cầu Giang Sơn, bắc qua sông Krông Ana nằm trên QL27 đi cao nguyên Lâm Viên. Lúc này, hai bên bờ sông trông rất hoang sơ với những bè lục bình dập dềnh nở hoa tim tím. Dòng sông uốn lượn như giải lụa mềm quanh co giữa cánh đồng bát ngát. Điểm xuyết trên mặt sông, những chiếc thuyền độc mộc mà dân chài vừa ngồi đạp thuyền, thả lưới; vừa hát những bản tình ca dân dã của một vùng sông nước thảo nguyên. Song, ấn tượng nhất đối với tôi lúc đó cũng như hôm nay là phế tích một nhà thờ hoang phế, đứng chơ vơ, trầm mặc bên bến bờ sông.

Phế tích nhuốm màu thời gian. Ảnh: Tiên Sa

Phế tích nhuốm màu thời gian. Ảnh: Tiên Sa

Lịch sử giáo phận Buôn Ma Thuột còn ghi: “Đây là nhà thờ của người theo đạo Thiên Chúa di cư từ vùng Bùi Chu, Hưng Hóa vào định cư bên dòng Krông Ana hoang dã. Chính những cư dân nông nghiệp cần cù đã biến khu vực này thành vựa lúa của vùng Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ”.

Ngôi nhà thờ cũ này được xây năm 1960 theo kiến trúc Gothic (lối kiến trúc thời phục hưng) vẫn thường thấy với đầu vút cao, mái vòm ngày nay chỉ còn một bức tường phế tích mà người dân ở đây, tuy có ngôi nhà thờ mới khang trang, vẫn không thể phá đi. Nhìn những bức tường rêu phong cổ kính với những đống gạch, đá đổ nát hoang tàn, trơ gan cùng tuế nguyệt do những trận lũ lụt nước sông dâng cao làm trôi đi một phần nhà thờ chỉ còn lại gát chuông đã ghi lại trong tâm tư du khách nhiều cảm xúc.

Những khi trời nắng, phế tích trông “rực rỡ hơn. Ảnh: Tiên Sa

Những khi trời nắng, phế tích trông “rực rỡ hơn. Ảnh: Tiên Sa

Hôm nay, đứng trên cầu Giang Sơn, tôi mê mải nhìn phế tích trong buổi chiều vàng, gió mênh mang từ dòng sông Krông Ana thổi lên dịu mát, đưa tôi đến một không gian hoài cổ với bao cảm xúc tràn về đầy ắp trong tôi trên một vùng đất đỏ Tây Nguyên đầy nắng gió.

Vì vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa cổ kính giữa thiên nhiên hữu tình, nhiều tay máy cũng đã tìm đến nhà thờ “phế tích” để săn những bức ảnh đẹp khi hoàng hôn buông xuống trên cánh đồng và dòng sông Krong Ana như bức tranh thủy mặc.

Tiên Sa

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ve-cu-kuin-ngam-gothic-ven-song/