Vẻ đẹp phụ nữ Việt qua lăng kính của bảo tàng

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội là điểm đến không thể bỏ qua. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng và nghiên cứu sâu rộng về hành trình lịch sử, văn hóa phong phú của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ.

Khu vực bên ngoài Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20/10.

Khu vực bên ngoài Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20/10.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập vào năm 1987 với sứ mệnh gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, bảo tàng còn đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức xã hội về bình đẳng giới và tôn vinh những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ.

Bảo tàng bao gồm 4 tầng trưng bày, hiện đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật và tư liệu quý giá. Nơi đây đã trải qua gần một thập kỷ để sưu tầm, nghiên cứu và xây dựng một kho tàng tư liệu phong phú, phản ánh chân thực và đa dạng về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong suốt tiến trình phát triển của xã hội.

Sảnh chính tầng 1 của bảo tàng với bức tượng nổi bật, biểu tượng cho vai trò và tinh thần kiên cường của người phụ nữ Việt.

Sảnh chính tầng 1 của bảo tàng với bức tượng nổi bật, biểu tượng cho vai trò và tinh thần kiên cường của người phụ nữ Việt.

Bức tượng mang tên “Mẹ Việt Nam” biểu tượng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, miêu tả hình tượng một người phụ nữ đang đỡ cậu con trai của mình trên vai. Bàn tay phải như đang đẩy những khó khăn, sóng gió xuống dưới chân mình, nhằm che chắn và bảo vệ cho con. Nhìn lên phía trên, ta có thể thấy một mái nhà hình vòm được thiết kế độc đáo, giúp tận dụng ánh sáng mặt trời tối đa, được trang trí bằng những chiếc nón lá đầy tinh tế.

Những chiếc nón lá được treo trang trí, gợi nhớ đến truyền thống văn hóa và đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt trong các dịp lễ hội.

Những chiếc nón lá được treo trang trí, gợi nhớ đến truyền thống văn hóa và đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ Việt Nam, đặc biệt trong các dịp lễ hội.

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chia thành nhiều chủ đề chính như: Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ trong lịch sử và Thời trang nữ. Mỗi không gian đều mang lại cái nhìn toàn diện về vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội từ xưa đến nay. Từ những hiện vật về chiến tranh đến các bộ sưu tập thời trang, bảo tàng phản ánh rõ nét sự phát triển, mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ.

Tầng 2 của bảo tàng với chủ đề Phụ nữ trong gia đình, phản ánh vai trò thiết yếu của người phụ nữ trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

Những hiện vật "cổ truyền" như các công đánh bắt, nông nghiệp…

Để thu thập các hiện vật trưng bày, bảo tàng đã phải mất gần 10 năm để tìm kiếm và phục dựng.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm giới thiệu những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thông qua tiếng nói, trải nghiệm của người dân theo đạo Mẫu ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, góp phần nâng cao hiểu biết về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền của người Việt. Trưng bày gồm bốn chủ đề: Mẫu – Tâm – Đẹp – Vui tương ứng với bốn màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên Phủ – miền Trời), màu trắng (Thoải Phủ – miền Nước), màu vàng (Địa Phủ – miền Đất) và màu xanh (Nhạc Phủ – miền Rừng).

Hình ảnh Ban thờ Mẫu tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Trang phục là dấu hiệu quan trọng để nhận biết các giá đồng ứng với từng vị Thánh.

Một giá đồng có trang phục đẹp sẽ giúp người hầu đồng thêm thăng hoa, trình diễn đẹp hơn và khiến người tham dự thêm hưng phấn.

Tại chủ đề "Phụ nữ trong lịch sử" của bảo tàng gây ấn tượng mạnh mẽ hình ảnh những chiến sĩ cách mạng quả cảm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Không gian này được thiết kế nhằm tái hiện những dấu mốc quan trọng trong lịch sử mà phụ nữ Việt Nam đã đóng vai trò không thể thiếu. Từ những năm tháng chiến tranh gian khổ, họ đã gánh vác cả trọng trách gia đình và chiến trường, thể hiện sức mạnh phi thường và tinh thần hy sinh cao cả.

Trưng bày không chỉ tập trung giới thiệu về vai trò và sự tham gia của các thế hệ phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc mà còn đề cập đến muôn mặt cuộc sống đời thường của phụ nữ trong chiến tranh. Những câu chuyện cuộc đời, những đóng góp, những chiến công hiển hách và sự hy sinh mất mát của họ được khắc họa một cách đậm nét thông qua những hiện vật trong trưng bày.

Nơi trưng bày 3.000 bức chân tranh chân dung các “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Đặc biệt có một chiếc xe máy nhỏ hiệu Charly của họa sĩ Đặng Ái Việt sử dụng trong suốt hành trình rong ruổi khắp chiều dài đất nước để vẽ nên 3.261 bức chân dung mẹ Việt Nam anh hùng.

Những nữ chiến sĩ cách mạng tiêu biểu trong thời giai đoạn 1930-1945 đã vượt lên cực hình tra tấn thô bạo của giặc, sẵn sàng hy sinh. Cho thấy những giá trị đức tính của người phụ nữ Việt Nam đã thấm nhuần vào máu.

Chân dung 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc được trưng bày tại bảo tàng là hình ảnh minh chứng tiêu biểu cho hơn 6 vạn nữ thanh niên tham gia mở đường, san lấp hố bom tại các trọng điểm ác liệt.

Những tấm áp phích đầy màu sắc được treo khắp nơi trên tường đã thể hiện sự đoàn kết, sức mạnh quốc tế to lớn của phụ nữ khắp năm châu.

Một góc không gian tầng 3 với chủ đề “Phụ nữ trong lịch sử”.

Lượng khách nước ngoài đặc biệt hưởng ứng và quan tâm theo dõi đến không gian chủ đề “Phụ nữ trong lịch sử”.

Một không gian mang tính đương đại, giới thiệu về “Phụ nữ và thời trang”. Khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng sự phát triển của thời trang Việt Nam qua các thời kỳ, từ những trang phục truyền thống đến thời trang hiện đại. Đây cũng là nơi tôn vinh sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của phụ nữ, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong việc thúc đẩy nền văn hóa và ngành thời trang Việt Nam.

Những bộ sưu tập độc đáo được trưng bày giúp tái hiện hành trình phát triển của thời trang qua từng thế hệ, từ áo dài truyền thống đến các trang phục hiện đại, cách tân.

Những bộ sưu tập độc đáo được trưng bày giúp tái hiện hành trình phát triển của thời trang qua từng thế hệ, từ áo dài truyền thống đến các trang phục hiện đại, cách tân.

Dù mô hình ma nơ canh cứng nhắc không thể hiện được trọn vẹn nét đẹp mềm mại của những bộ trang phục này song nó vẫn đủ để chúng ta mở rộng tầm mắt, hiểu hơn về văn hóa các dân tộc thiểu số. Thông qua những bộ trang phục này, ta có thể nhận thấy sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ Việt Nam trong cách ăn mặc.

Dù mô hình ma nơ canh cứng nhắc không thể hiện được trọn vẹn nét đẹp mềm mại của những bộ trang phục này song nó vẫn đủ để chúng ta mở rộng tầm mắt, hiểu hơn về văn hóa các dân tộc thiểu số. Thông qua những bộ trang phục này, ta có thể nhận thấy sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ Việt Nam trong cách ăn mặc.

Đặc biệt trong dịp 20/10, bảo tàng tổ chức nhiều hoạt động và triển lãm đặc biệt, nhằm khắc họa rõ nét hình ảnh người phụ nữ hiện đại – không chỉ giữ vững giá trị truyền thống mà còn khẳng định bản lĩnh trên mọi lĩnh vực. Những sự kiện này không chỉ là dịp để du khách chiêm ngưỡng những bộ sưu tập thời trang mà còn là cơ hội để tìm hiểu về quá trình phát triển và đổi mới trong đời sống phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Phạm Văn Nam
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ve-dep-phu-nu-viet-qua-lang-kinh-cua-bao-tang-386454.html