Về Hoằng Minh nghe chuyện làm cách mạng
Tôi về làng Cự Đà, xã Hoằng Minh (Hoằng Hóa) trong một ngày nắng đượm. Nắng trải dài trên những ruộng đồng, bờ bãi; nắng dát vàng cả những mật ngọt phù sa mà dòng sông Mã miệt mài đời đời bồi đắp, kiến tạo. Nơi đây có một nếp nhà từng nuôi giấu, chở che, bao bọc cán bộ cách mạng.
Nét đẹp thanh bình, cổ kính của làng quê cách mạng Cự Đà, xã Hoằng Minh.
Chuyện về những người con ưu tú của cách mạng
Được sự giới thiệu nhiệt tình của anh cán bộ phòng văn hóa xã Hoằng Minh, tôi ghé thăm ngôi nhà đồng chí Lê Viết Phồn - một người con ưu tú của phong trào cách mạng, Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của làng Cự Đà nói riêng và cả huyện Hoằng Hóa nói chung. Trải qua biết bao thăng trầm và biến cố lịch sử, ngôi nhà vẫn còn đó dáng dấp quen thuộc của những ngôi nhà cổ ở làng quê Bắc bộ. Kỷ vật duy nhất mà cháu con còn giữ được về đồng chí Lê Viết Phồn là một chiếc cặp da sờn rách đã theo ông trong suốt những ngày tháng hoạt động cách mạng. Con cháu nâng niu, gìn giữ kỷ vật ấy như báu vật. Trong ngôi nhà đơn sơ, mộc mạc này, những người cộng sản ưu tú đã tụ họp về đây, đêm ngày vận động quần chúng nhân dân, tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin, thổi một luồng ánh sáng mới vào phong trào cách mạng Cự Đà.
Tháng 8-1930, đồng chí Lê Hữu Lập – người thanh niên cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa về đến quê nhà sau thời gian hoạt động cách mạng tích cực tại Thái Lan, mang theo nhiệm vụ nặng nề là thành lập tổ chức Đảng Cộng sản tại địa phương. Lúc bấy giờ, tuy Thanh Hóa đã có chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại Hàm Hạ (Đông Sơn) vào tháng 7-1930 nhưng chẳng bao lâu chi bộ này bị địch đánh phá. Bằng bản lĩnh chính trị kiên cường, sự nhạy bén của người đảng viên và đặc biệt là những mối liên hệ gắn bó, tin tưởng giữa những người cùng chung chí hướng, một chi bộ cộng sản đã được thành lập tại làng Cự Đà do đồng chí Lê Hữu Lập trực tiếp chỉ đạo. Ngày 1-9-1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hữu Lập, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoằng Hóa đã được thành lập tại nhà đồng chí Lê Viết Phồn. Chi bộ gồm ba đảng viên: Đồng chí Lê Viết Phồn – bí thư chi bộ, đồng chí Trương Khắc Khoan và đồng chí Trương Khắc Cần. Những “hạt giống đỏ” đã được gieo mầm, ngọn cờ cách mạng đã được giương cao trên mảnh đất vốn có bề dày truyền thống yêu nước. Từ “cái nôi cách mạng Cự Đà”, dưới ngọn cờ Đảng soi đường dẫn lối, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa bùng lên thành cao trào mạnh mẽ, có sức lan tỏa rộng khắp, trở thành nguồn sức mạnh tinh thần, động viên to lớn cho những bước phát triển tiếp theo của phong trào cách mạng, mà tiêu biểu nhất là thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hoằng Hóa ngày 24-7-1945.
Hành trình của những câu chuyện kể về năm tháng cách mạng tại làng Cự Đà tiếp tục được nối dài khi tôi tìm đến nhà cụ Lê Trọng Hướng – người đã tận mắt chứng kiến khoảnh khắc thực dân Pháp đánh phá cơ sở cách mạng, lùng sục, truy bắt các cán bộ cộng sản. Trí nhớ của bậc cao niên gắn bó với làng cũng đã gần trăm tuổi như những thước phim quay chậm cứ thế, cứ thế hiển hiện qua từng lời kể. Ngày mùng 8-10-1930 (âm lịch), lính khố xanh, lính Tây về bao vây làng rất đông. Lính tráng vai đeo súng trường, đầu súng cắm lưỡi lê tuốt trần, tuần phu tay cầm gậy quấn thừng lùng sục khắp nơi. Khi ấy, cụ Lê Trọng Hướng chỉ là một đứa trẻ 13 tuổi hồn nhiên chạy khắp xóm làng tìm ông bác là lý trưởng Lê Trọng Khiêm lúc bấy giờ đã bị lính huyện và quan phủ triệu ra đình làng hỏi tội “vì sao lại bao che, chống đối mẫu quốc để cho cách mạng hoạt động”. Trên đường đi tìm bác, khi đi qua nhà ông Lê Viết Phồn mới thấy cảnh tượng thật thê lương - cụ Lê Trọng Hướng bồi hồi nhớ lại: “Hàng trăm lính tây bao vây nhà ông Phồn. Trong vườn, cây cối bị quần nát, tan tác, tiêu điều. Trong sân, mẹ và vợ ông Phồn khóc lóc, kêu gào thảm thiết. Nồi cơm nấu xong chưa kịp ăn, đổ vung vãi khắp sân”. Suốt một ngày dài quần thảo, đến tối ngày hôm ấy, lính tráng rút dần, chúng thủ thỉ với nhau: “Đã bắt được ông Phồn ở Đại Đồng (tức Hoằng Đồng bây giờ). Cùng ngày hôm đó, ông lý trưởng Lê Trọng Khiêm cũng bị bắt đi, giam tại nhà lao Thanh Hóa. Nghe đâu, cụ Phồn bị đưa đến tận nhà giam Lao Bảo. Ông lý Khiêm bị giam trong tù một năm thì được thả. Sau khi ra tù được một thời gian ngắn, ông qua đời ở tuổi 34”.
Phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng nông thôn mới
Hoằng Minh vốn là xã thuần nông, sản xuất nhỏ lẻ, đồng ruộng manh mún, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn còn chậm. Năm 2011, thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đạt 8/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại như: Cơ sở vật chất văn hóa, trường học, thu nhập bình quân đầu người thấp. Nguồn thu ngân sách xã hạn hẹp nên việc đầu tư xây dựng các hạng mục đạt tiêu chí NTM chậm tiến độ so với yêu cầu, huy động nguồn lực trong nhân dân hạn chế. Mặc dù quyết tâm chính trị khi triển khai thực hiện xây dựng NTM là rất cao song công tác tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM có lúc, có việc còn lúng túng, chưa thống nhất, đồng bộ từ xã đến thôn nên tiến độ thực hiện chậm. Tuy nhiên, sau 8 năm triển khai thực hiện, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát từ Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh và huyện Hoằng Hóa, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế; đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân trên địa bàn, chương trình xây dựng NTM của xã đã thu được nhiều kết quả tích cực. Cuối năm 2018 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận đạt chuẩn NTM.
Để có được kết quả đáng tự hào ấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên, người dân nhận thức đầy đủ và sâu sắc, xác định rõ trách nhiệm, vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện xây dựng NTM, tích cực đóng góp công sức, tiền của, hiến đất làm đường, tự nguyện di dời tường rào, cây cối, vật kiến trúc để xây dựng cơ sở hạ tầng... Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Hoằng Minh luôn xác định lấy phát triển nông nghiệp làm gốc, làm nền tảng để thúc đẩy các ngành nghề khác cùng phát triển. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cây trồng, các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất với quy hoạch vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, hiệu quả cao đạt trên 80 ha, năng suất luôn ổn định từ 65 tạ/ha trở lên. Thực hiện quy hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản, phát huy hiệu quả mô hình “cây - cá - quả” toàn xã có 9,73 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng thủy sản đạt 30 tấn/năm; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại vừa và nhỏ, đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 14 triệu đồng/người năm 2012 lên 42,6 triệu đồng/người năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giảm còn 2,29%, hộ cận nghèo 3,06%. Từ tổng nguồn vốn huy động trong suốt 8 năm xây dựng NTM đạt hơn 162 tỷ đồng; trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước chiếm 33%, vốn tín dụng chiếm 19% và nguồn do nhân dân đóng góp chiếm 48%, xã Hoằng Minh đã tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng: 18,85 km đường giao thông các loại; xây mới công sở, trường mầm non tại Cự Đà, cầu dân sinh vào trạm y tế, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư theo mặt bằng phê duyệt; chỉnh trang và xây mới 3 nhà văn hóa thôn...
Nhớ lại chặng đường nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM đầy khó khăn, thử thách của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong xã, ông Vũ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Hoằng Minh chia sẻ: “Cháu con Cự Đà nói riêng và xã Hoằng Minh nói chung luôn khắc ghi trong tim niềm tự hào về truyền thống quý báu của thế hệ cha ông. Chiến tranh đã lùi xa, công cuộc cách mạng ngày hôm nay đang trông chờ vào khối óc, bàn tay của những con người thời đại mới. Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, bám sát yêu cầu thực tiễn, gắn với nguồn lực nội tại và kết hợp tranh thủ nguồn lực bên ngoài nhằm tạo nên nguồn sức mạnh mới, xã Hoằng Minh đang chuyển mình từng ngày trong bức tranh toàn cảnh NTM của tỉnh nhà.