Về ngôi làng cổ bên dòng Ô Lâu

An Thơ là ngôi làng cổ, cách thị trấn Hải Lăng khoảng 15 km về phía Đông-Nam. Một số người cao tuổi trong làng cho biết, làng được hình thành vào giữa thế kỉ thứ XIV, cho đến nay cũng đã hơn 600 năm xây dựng và phát triển. Lúc đầu làng chỉ có 7 dòng họ đến đây khai canh, sinh cơ lập nghiệp, gọi là 'thất tộc', nay đã có tới 32 dòng họ, với 424 hộ và 2.015 nhân khẩu.

 Nhà thờ họ Nguyễn Công được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: H.N.B

Nhà thờ họ Nguyễn Công được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: H.N.B

Vì sao làng An Thơ lại có sức hấp dẫn, làm cho nhiều người tới đây lập nghiệp? Nguyên nhân chủ yếu là do làng có vị trí đẹp, thuận lợi cho sản xuất và đời sống. Hầu hết các ngôi nhà trong làng đều xây dựng hướng ra mặt sông Ô Lâu. Đây là dòng sông nhỏ, quanh năm nước chảy hiền hòa, thêm nữa vào thời kì đó xung quanh làng có nhiều ruộng đất thẳng cánh cò bay cho thế hệ mai sau. Bên kia sông Ô Lâu là xã Phong Bình, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, hai địa phương chỉ cách nhau một dòng sông, tiếng gà gáy trưa bên này, bên kia cũng nghe rõ. Làng An Thơ được chia làm 4 phường là: Phú Tự, Trung Đình, Thanh Hà, Đông An và có một xóm càng. Địa hình của làng tạo nên “ngòi bút”, “dĩa nghiên”, có phải thế chăng mà ở đây có nhiều người ăn học thành tài. Trong số 46 tiến sĩ của triều Nguyễn thì làng An Thơ có 2 vị tiến sĩ. Đó là ông Nguyễn Đức Hoan, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ, khoa Ất Mùi, năm Minh Mạng thứ 6 (1825), ông làm đến chức Tuần phủ Khánh Hòa. Người thứ hai là ông Nguyễn Đức Tư, tiến sĩ, khoa Đinh Mùi, năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), làm quan Tri phủ. Ngoài ra còn có nhiều người đỗ cử nhân cũng được bổ nhiệm làm quan như các ông Nguyễn Đức Hoạt, Nguyễn Đức Đàn, Nguyễn Quang Huy…

Người dân làng An Thơ cũng có nhiều công lao trong công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi. Sách Ô Châu Cận Lục có ghi: Làng An Thơ có ông Nguyễn Quân thời Hồng Đức, triều Lê 1460- 1490 đã theo vua đi đánh Chiêm Thành lập được nhiều công lao, sau làm Đô Binh Sứ ở Quảng Nam. Cũng theo sách này, làng An Thơ có luật lệ rõ ràng và được triều đình ưu ái giảm thuế khóa, tạp dịch: “Giao tiếp có lễ, thân ái ân tình, tất cả đều an mục, thuế khóa được khoan, tạp dịch được giảm, mọi việc đều an thư”.

Ấn tượng lớn nhất khi đến làng An Thơ là các cơ sở thờ tự đều được đầu tư xây dựng khang trang với kinh phí khá lớn. Ông Nguyễn Công An, Bí thư chi bộ thôn cho biết: Tất cả các dòng họ đều có nhà thờ được xây dựng ít nhất cũng một tỉ đồng, có nhà thờ được xây dựng vài tỉ đồng, đều do người dân trong làng đóng góp.

Phía đầu làng có đình làng thờ thần, có miếu bà (thờ nữ thần), ở giữa làng là miếu thờ “Thất tộc khai canh” cùng với hàng chục nhà thờ họ tộc. Điều đó cho thấy tín ngưỡng thờ cúng là rất quan trọng với người dân làng An Thơ. Một điều cũng rất đặc biệt là trong số 32 nhà thờ họ thì có hai nhà thờ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đó là nhà thờ họ Nguyễn Đức và nhà thờ họ Nguyễn Công. Nếu như nhà thờ họ Nguyễn Công được xây dựng sau này rất khang trang, bề thế thì nhà thờ họ Nguyễn Đức lại đơn sơ theo kiểu nhà thờ cũ. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng họ Nguyễn Đức cho biết, nhà thờ được xây dựng cách đây đã 190 năm, được gìn giữ hầu như nguyên vẹn, trải qua bao năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng nhà thờ không bị hư hỏng. Nhà thờ được kết cấu 6 gian, 4 vài, 2 mái, 2 chái, phía trước có mái hiên, làm bằng gỗ, lợp ngói. Nét đặc biệt khi khám phá nhà thờ cổ này là có 15 bài thơ chữ Hán được khắc lên gỗ, đặt ở bên trong nhà, trên mái, phía trước, gần với mái ngói. Ông Thắng cho biết đây là những bài thơ được các tác giả tặng khi xây dựng nhà thờ, nội dung khuyên mọi người sống hiền hòa, lương thiện, đề cao sức lao động của bản thân. Trong quan hệ xã hội phải giữ gìn sự đoàn kết, hòa thuận, kính già, yêu trẻ, không làm những điều có lợi cho mình mà hại người khác. Trong nhà thờ còn có bài vị tiến sĩ Nguyễn Đức Hoan và lời răn của ông được khắc trên tấm bia đá, trong đó có câu: “Yêu dân là đức tốt của đấng làm vua. Mà cho dân ăn dùng thừa thãi càng là chính sách của vương giả nên làm trước”. Trong những ngày mùng 8, mùng 9, tháng 6 âm lịch và ngày 12-13 tháng 10 âm lịch hằng năm, nhà thờ tiến hành giỗ tổ trang trọng, con cháu tề tựu đông đủ. Trong ngày đầu năm, đầu giờ, đầu tháng (mùng 1 tết) mọi người trang phục lịch sự tập trung đến nhà thờ họ để dâng hương, nghe trưởng họ đọc lời chúc đầu năm, sau đó quyết toán thu chi, liên hoan bằng đồ ăn chay và không quên làm nhiệm vụ ủng hộ cho quỹ khuyến học và quỹ lễ tế của dòng họ tùy theo điều kiện kinh tế và lòng hảo tâm của mỗi người.

Phát huy truyền thống yêu nước, trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người dân trong làng lên đường tham gia cách mạng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo số liệu, làng có 23 liệt sĩ, nhiều gia đình có công với cách mạng được tặng thưởng các huân, huy chương kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay dân làng An Thơ hăng say lao động, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no. Hầu hết con em trong độ tuổi được đến trường, hằng năm có 5-7 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và nhiều người đã trở thành bác sĩ, kĩ sư, nhà giáo, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ cần cù, chịu khó mà đời sống người dân được nâng cao, tỉ lệ nhà xây kiên cố chiếm tới 98%, số hộ nghèo chỉ còn 2,5%, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2018 đạt 35 triệu đồng, đó là con số khá cao so với một xã thuần nông ở vùng trũng. Các nghi lễ, phong tục tập quán tốt đẹp được người dân trong làng giữ gìn, phát huy; các cơ sở thờ tự được chăm lo, gìn giữ. Theo Bí thư chi bộ Nguyễn Công An, hằng năm làng đều tổ chức ngày giỗ Ngài khai canh, người có công xây dựng, lập nên làng An Thơ. Bên cạnh đó làng cũng thường xuyên tổ chức đua thuyền, thi đấu bóng chuyền, kéo co và các trò chơi dân gian khác vào các dịp lễ hội trong năm.

Tuy có nhiều dòng họ, người dân từ nhiều địa phương đến đây sinh sống nhưng bà con trong làng sống đoàn kết, thương yêu, hòa thuận. Một cán bộ lãnh đạo UBND xã Hải Hòa nhận xét về người dân làng An Thơ nói riêng, người dân xã Hải Hòa nói chung: “Là những người dân quê hào hiệp, có truyền thống hiếu khách, khoan dung, độ lượng; biết gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần bồi đắp cho các thế hệ mai sau”.

Đó chính là những nét đáng quý của một ngôi làng cổ bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa.

Hoàng Nam Bằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=145642