Về nơi tuổi 20 hóa thành bất tử
Hang Hỏa Tiễn (TX Hoàng Mai, Nghệ An) là nơi hàng trăm bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong (TNXP)… dưới mưa bom bão đạn đã đem hết nhiệt huyết tuổi trẻ, hy sinh thân mình để thông đường, thông xe ra tiền tuyến. Ở tọa độ khốc liệt này, 33 TNXP đã ngã xuống khi đang phơi phới tuổi xuân.
Ngày định mệnh
Những ngày đầu tháng Tư, chúng tôi băng qua con đường độc đạo tìm về Khu di tích lịch sử quốc gia hang Hỏa Tiễn thuộc phường Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai (Nghệ An). Ông Đặng Ngọc Kim (72 tuổi, khối Tân Hùng, phường Quỳnh Thiện), người tình nguyện chăm sóc hương khói cho các liệt sĩ tại hang Hỏa Tiễn nói: “Đó là một câu chuyện đầy bi tráng về sự hy sinh của 33 thanh niên xung phong thuộc Tổ 4, đơn vị C271, đội 27 khi đang làm nhiệm vụ vá lại tuyến đường sắt từ Hàm Rồng vào thị xã Vinh (nay TP Vinh, Nghệ An). Ngày 28/4 này là ngày giỗ của các anh chị”.
Là một trong những người chứng kiến sự kiện ngày 28/4/1966 và chạy về thôn kêu người ra ứng cứu, ông Kim nhớ lại: “9h sáng ngày 28/4/1966, lúc Tổ 4, đơn vị C271 đang vận chuyển những khối đá cuối cùng để hoàn thành đoạn đường ray còn lại, bất ngờ tiếng kẻng báo động vang lên, mọi người lập tức rút vào hang trú ẩn. Lúc này, máy bay địch nhào tới ném một loạt bom làm rung chuyển cả vùng. Cửa hang bị đánh sập hoàn toàn, đá rơi ngổn ngang che kín lối vào. Tiếng bom vừa dứt, toàn bộ khu vực hang chìm trong khói bom dày đặc, bụi bay mù mịt. Lực lượng chi viện và công nhân mỏ đá nỗ lực tìm kiếm, đào bới. Lúc này máy bay địch tiếp tục quay lại ném bom, lực lượng tìm kiếm phải rút về nơi an toàn. Đến chiều tối, các đơn vị tập trung về cửa hang dùng cuốc, xẻng, xà beng đào bới với quyết tâm tìm kiếm hy vọng còn đồng đội nào sống sót. Nhưng khi bước vào hang, tất cả như chết lặng khi thấy cảnh tượng 32 TNXP nằm ngổn ngang, bất động. Chỉ có chị Trần Thị Loan sống sót. Khi được đưa ra Hà Nội để cứu chữa, nhưng do vết thương quá nặng chị đã hy sinh”.
Theo lời kể của ông Kim, thời điểm đó, trong hang có người còn sống nhưng không cứu được bởi chỉ có thể dùng xà beng đào thủ công. Đến nay, hài cốt của anh Nguyễn Ngọc Lâm vẫn bị kẹt lại trong hang. Lúc bị tảng đá lớn đè lên người, anh kêu: “Các bác ơi cứu cháu với”. Tiếng kêu thảng thốt, vọng vào vách đá, buốt nhói cho đến bây giờ. Đến nửa đêm thì anh mất. Sau này, bạn bè làm lễ thắp hương, để anh nằm nguyên trạng dưới tảng đá lớn ngay trước cửa hang. Các anh chị tuy mỗi người đến từ một vùng quê khác nhau, người ở Thừa Thiên Huế, Hà Nam, người Thanh Hóa, Nghệ An,... nhưng đều chung một lòng nhiệt huyết, quả cảm. Ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, các anh chị đã tình nguyện về nơi hiểm nguy, san lấp những con đường cho những đoàn xe ra trận và đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. “Người trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Trọng Chiến mới tròn 17 tuổi, người nhiều tuổi nhất là anh Trần Đình Thắm 31 tuổi”, ông Kim đôi mắt đỏ hoe.
Hang Hỏa Tiễn là hang động tự nhiên, nằm trong dãy núi Eo Kín thuộc TX Hoàng Mai. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, hang đá này được Tổ 4, đơn vị C271 đội 27 TNXP chọn làm nơi trú ẩn trong thời gian phục vụ bảo vệ huyết mạch giao thông tại khu vực Hoàng Mai. Ngày 28/4/1966, trong khi tổ 4 đang trú ẩn tại hang thì bị máy bay Mỹ ném bom làm 33 chiến sỹ TNXP hy sinh. Từ đó, công nhân mỏ đá và người dân địa phương gọi nơi này là hang Hỏa Tiễn.
Uống nước nhớ nguồn
Dẫn chúng tôi thăm Nghĩa trang liệt sĩ Đường sắt, cách hang Hỏa Tiễn chừng 1km, ông Kim nói, trong 33 phần mộ tại Nghĩa trang, có 7 ngôi mộ có tên tuổi trên bia nhưng trong mộ không có hài cốt. Hàng năm, cứ đến ngày định mệnh ấy, thân nhân của các liệt sĩ lại cùng con cháu về đây để thắp hương, tưởng vọng người thân của mình đã ngã xuống. Các trường học trên địa bàn cũng đã có nhiều hoạt động rất ý nghĩa và nhân văn với di tích lịch sử này như đưa học sinh đến không gian này để học tập ngoại khóa và tổ chức các lễ kết nạp đoàn viên tại khu di tích, phân các nhóm trực nhật của trường thường xuyên ra chăm nom, hương khói,... “Những việc làm có ý nghĩa trên đã giúp các thế hệ học sinh hiểu rõ hơn về sự hy sinh xương máu của cha ông trong chiến tranh vệ quốc và phần nào giúp các cháu biết trân trọng giá trị của hòa bình”, ông Kim chia sẻ.
Tấm gương về các TNXP với tinh thần: “Đường chưa thông không tiếc máu xương”, “Địch phá đường, ta đắp ta đi”, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc đến nay vẫn được người dân tưởng nhớ, khắc ghi. Để tôn vinh những đóng góp to lớn của các TNXP trong quá trình bảo vệ huyết mạch giao thông quốc gia và nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thị xã Hoàng Mai đã có kế hoạch đầu tư, nâng cấp cụm di tích lịch sử quốc gia hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường sắt. Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng văn hóa thị xã Hoàng Mai cho biết: “Thị xã xác định hang Hỏa Tiễn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, rất có ý nghĩa, gắn liền với các cụm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Để ghi nhận công lao và tôn vinh những đóng góp to lớn của các TNXP trong quá trình bảo vệ huyết mạch giao thông quốc gia và nhằm bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thị xã đã ban hành kế hoạch để thực hiện quy hoạch toàn bộ di tích. Khi triển khai quy hoạch, hang Hỏa Tiễn sẽ trở thành quần thể di tích lịch sử văn hóa du lịch tâm linh, kết nối cùng các cụm di tích khác để Hoàng Mai trở thành địa phương ngoài phát triển kinh tế còn chứa đựng nét văn hóa độc đáo, hướng tới phát triển du lịch văn hóa tâm linh và danh lam thắng cảnh”.
Cùng với những “tọa độ lửa” như cầu Cấm, Truông Bồn, Bến Thủy… bị bom Mỹ đánh phá ác liệt trong thời kỳ chiến tranh, hang Hỏa Tiễn - nơi in dấu sự hy sinh anh dũng của 33 TNXP đã trở thành địa chỉ để giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ. Ngày 27/4/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1410/ QĐ - BVHTTDL công nhận hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sỹ Đường sắt (thuộc thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, nay là TX Hoàng Mai) là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ve-noi-tuoi-20-hoa-thanh-bat-tu-post1434260.tpo