Về nơi ươm cây gỗ quý
Cây dổi phát triển tốt tại khu vực Trại Tôn (xã Phú Mỡ). Ảnh: NHẬT HUY
Nhìn hình ảnh nông dân tất bật xuống giống các loại cây giáng hương, dổi, dó gạch, dó bầu, người yêu rừng cảm thấy ấm lòng và tin rằng một thời gian nữa, những cây gỗ quý, cây bản địa sẽ từng bước phủ xanh các cánh rừng ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân.
Vượt khoảng 20km đoạn đường đất đá lởm chởm để đến với khu vực Suối Mun, Suối Lạnh, Trại Tôn… (xã Phú Mỡ), những mệt nhọc của chúng tôi dường như tan biến khi thấy các loại cây cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt có ý nghĩa trong việc tạo giá trị môi trường sinh thái, đang phát triển tốt. Có thể gọi đó là nơi ươm hy vọng cây gỗ quý ở huyện Đồng Xuân.
Nỗ lực giúp cây phát triển
Hiện nay, những ngọn đồi trọc ở một số tiểu khu thuộc xã Phú Mỡ đã được thay thế bằng những loại gỗ quý. Cách đó không xa là các vườn ươm xanh tốt với nhiều giống cây gỗ lớn, có giá trị kinh tế. Tại khu vực Trại Tôn, trước mắt chúng tôi là 30ha cây dổi và bơ được trồng xen nhau thành hàng thẳng tắp. Cây dổi lá tươi xanh, thân cao khoảng 2m, sau gần 3 năm trồng, một số cây phải trồng dặm lại, nhưng vẫn bắt kịp tốc độ sinh trưởng chung. Trong khi đó, cây bơ được trồng xen cũng bén đất và bắt đầu tạo tán, hứa hẹn những mùa vụ tốt tươi trong thời gian tới.
Qua khỏi đoạn đường đất đến khu vực Suối Lạnh, nơi có hơn 60ha trồng cây dó bầu và dó gạch đang đà phát triển tốt. Tại đây, những người công nhân dùng kỹ thuật ức chế cho cây dó gạch ra hoa, tạo hạt, từ đó ươm nên hàng ngàn cây con, phục vụ cho việc nhân giống mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn tại xã Phú Mỡ.
Anh Ngô Xuân Quang, nhân viên Công ty TNHH Cây Xanh cho biết: “Qua theo dõi mô hình trồng rừng cây dổi và trồng xen cây bơ cũng như mô hình trồng dó gạch và dó bầu tại tiểu khu 65, chúng tôi nhận thấy cây sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, đây là những loại cây có đặc tính sinh trưởng phức tạp, tùy vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên đòi hỏi người trồng phải có kiến thức, kinh nghiệm và sự kiên trì mới thành công”.
Theo anh Quang, anh là người bản địa và hiểu những giá trị của cây dó gạch, dó bầu đối với những ngọn núi ở xã Phú Mỡ. “Đây là những loại cây gỗ lớn và tạo trầm, có giá trị kinh tế cao, cần được bảo tồn và phát triển. Dù khó khăn nhưng với sự nỗ lực của những người tham gia trồng, chúng tôi hy vọng khu vực miền núi huyện Đồng Xuân sẽ giữ lại được các loại cây bản địa có giá trị môi trường”, anh Quang cho biết thêm.
Kỳ vọng cây cho giá trị kinh tế cao
Ngoài diện tích rừng trồng phối hợp với Công ty TNHH Cây Xanh, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân còn chuẩn bị các giống cây có giá trị kinh tế, môi trường để phủ những vùng đồi ở khu vực Trạm Bảo vệ và quản lý rừng Chín Bếp và các khu vực xung quanh. Cụ thể, trong kế hoạch phát triển rừng năm 2022, đơn vị này trồng 9.500 cây dổi, 40.000 cây quế thuộc dự án SFM (4ha), tại tiểu khu 78; đến năm 2023, mở rộng diện tích 17ha tại khoảnh 9, 10, tiểu khu 60 và khoảnh 2, tiểu khu 71 (xã Phú Mỡ). Tại các tiểu khu 68 và 73, cây giáng hương cũng phát triển tốt trên diện tích 24,24ha. Đây là những loại cây vừa có giá trị kinh tế cao vừa tăng cường bảo vệ môi trường cho các khu vực quan trọng của xã Phú Mỡ.
Theo báo cáo tiến độ sinh trưởng các loại cây được trồng tại lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, diện tích trồng rừng cây gỗ bản địa (cây giáng hương) phát triển tốt; cây trồng năm 2020 chiều cao bình quân 1,5m; diện tích trồng cây quế cũng khá ấn tượng khi tỉ lệ sống đạt hơn 95%. Cây dổi trồng năm 2018, tỉ lệ sống đạt 90%, đường kính bình quân 4cm. Cây dó bầu đạt đường kính bình quân 16cm, chiều cao bình quân 10m, dự kiến năm 2023 sẽ tạo trầm. Cây dó gạch cũng phát triển tốt, đường kính bình quân 6cm, chiều cao bình quân 3m, hiện đã cho trái và đây là nguồn giống để duy trì nguồn gen loài cây có nguy cơ tuyệt chủng.
Anh Phan Ngọc Sĩ, Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm Bảo vệ và quản lý rừng Chín Bếp cho biết: Cây dổi có nguồn gốc ở miền Bắc, nhưng khi đưa vào trồng, chúng tôi thấy phù hợp với khu vực vùng núi cao tại xã Phú Mỡ và theo nhận định sẽ cho hạt sau 7-8 năm trồng, thời gian khai thác gỗ khoảng 15 năm. Với cây dó gạch, dó bầu, hiện nay, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu cách tạo trầm. Đây là những loại cây có giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường cần được mở rộng diện tích, đặc biệt phù hợp với những vùng đồi núi ở khu vực Suối Lạnh, Trại Tôn… với biên độ nhiệt, lượng mưa lớn và có độ cao khoảng 600m so mực nước biển.
Lâm phần do ban quản lý có đặc điểm và vị trí tạo nên một khu rừng liền vùng, liền khoảnh rộng lớn, có giá trị cao về phòng hộ, bảo vệ môi trường, môi sinh cho toàn bộ khu vực phía tây của huyện Đồng Xuân. Vì vậy, trong những năm qua, chúng tôi luôn nghiên cứu, nỗ lực trồng các loại cây có giá trị về kinh tế, môi trường để từng bước tái cơ cấu các loại cây nông nghiệp, hướng đến giá trị bền vững.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/290605/ve-noi-uom-cay-go-quy.html