Về thăm căn cứ địa cách mạng Xứ ủy Nam Bộ
Những năm tuổi còn trẻ ở trong quân ngũ, khi nước nhà còn chia thành hai miền Nam Bắc, chúng tôi đã được học tập về tấm gương hy sinh của những Anh hùng trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước. Đến nay, khi đất nước đã thống nhất hơn 44 năm, chúng tôi mới có điều kiện từ miền Bắc vào miền Nam thăm các di tích lịch sử và địa danh như hằng mong ước.
Vào đến tỉnh Long An, chúng tôi được đại diện Hội Cựu chiến binh huyện Tân Thạnh đưa đi tham quan căn cứ Xứ ủy Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến. Lãnh đạo xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh cho biết: Trong những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám, nơi đây dù cách Sài Gòn vài chục ki-lô-mét nhưng cây cối rậm rạp, kênh rạch chằng chịt, dân cư thưa thớt, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, đời sống của cán bộ vô cùng thiếu thốn nhưng bù lại luôn được nhân dân quý mến, đùm bọc.
Từ lời giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo xã Nhơn Hòa Lập, chúng tôi được ôn lại những câu chuyện lịch sử về đồng chí Tôn Đức Thắng sau Cách mạng Tháng Tám từ nhà tù Côn Đảo trở về được Đảng bộ Nam Bộ bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và nhiều đồng chí, như: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… trong Xứ ủy, sau này giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Xứ ủy Nam Bộ đã đề ra nhiều chủ trương và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, xây dựng chiến lược lãnh đạo nhân dân Nam Bộ, xây dựng củng cố tổ chức Đảng, chính quyền và các căn cứ kháng chiến, thành lập các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích bảo vệ cơ sở cách mạng, hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy, thực hiện ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận). Theo thời gian, lực lượng vũ trang của ta ngày càng lớn mạnh, đánh cho quân địch nhiều đòn đau. Từ thành thị đến nông thôn đều có cơ sở cách mạng, vùng giải phóng ngày càng mở rộng dù cho giặc tàn phá nhưng không hủy diệt được cơ sở của ta.
Trong chuyến đi này, chúng tôi được đến dâng hương mộ ông Nguyễn Văn Siêu và bà Trần Thị Én (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An). Thời kỳ kháng chiến, ông Nguyễn Văn Siêu và vợ là bà Trần Thị Én cùng gia đình đã nhường căn nhà đang ở cho đồng chí Lê Duẩn làm nơi nghỉ ngơi, làm việc và làm một ngôi nhà khác phía sau để gia đình ở. Trong suốt những năm 1946-1949, gia đình đã tận tình chăm lo, góp phần bảo vệ an toàn cho đến ngày đồng chí Lê Duẩn rời về căn cứ U Minh. Ngôi nhà này hiện nằm trong Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ.