Vệ tinh nặng hơn 2 tấn đã rơi xuống Trái đất sau 29 năm hoạt động
Vệ tinh ERS-2 nặng hơn 2 tấn đã vỡ và rơi xuống Trái đất sau gần 3 thập kỷ bay trên quỹ đạo. Phần lớn vệ tinh bốc cháy trong bầu khí quyển trong khi một số mảnh vỡ .
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), vệ tinh ERS-2 được phóng vào năm 1995 để quan sát Trái đất và kết thúc sứ mệnh cách đây 13 năm - rất lâu sau thời gian tồn tại dự kiến 3 năm - đã quay trở lại hành tinh của chúng ta vào thứ Tư (21/2).
ESA cho biết các mảnh vỡ từ vệ tinh đã rơi xuống bắc Thái Bình Dương vào khoảng 17h17 UTC (0h17 ngày 22/1 giờ Việt Nam). Độ cao của vệ tinh đã giảm dần kể từ khi ESA quyết định chấm dứt hoạt động của nó vào năm 2011.
Theo ESA, khi vệ tinh đạt đến độ cao khoảng 80 km so với bề mặt Trái đất, sức mạnh của lực cản khí quyển đã khiến phần lớn vệ tinh bốc cháy, vỡ thành nhiều mảnh và rơi xuống biển ở bắc Thái Bình Dương.
Vệ tinh nặng hơn 2 tấn này đã được đưa xuống dần dần một cách có chủ ý nhằm tránh tạo thêm rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất - điều gây ra mối đe dọa cho các vệ tinh đang hoạt động và Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Vệ tinh được ước tính có khối lượng khoảng 2.294 kg sau khi cạn kiệt nhiên liệu. "Trung bình, cứ sau một hoặc hai tuần, sẽ có một vật thể có khối lượng tương tự quay trở lại bầu khí quyển Trái đất", ESA thông tin.
Các chuyên gia của ESA cho hay khả năng các mảnh vỡ rơi xuống khu vực dân cư là cực kỳ thấp. Trong tuyên bố sau khi vệ tinh lao vào bầu khí quyển Trái đất, họ đã xác nhận không có thiệt hại về người.
Trước khi vệ tinh rơi xuống bầu khí quyển, kỹ sư hệ thống mảnh vỡ không gian Benjamin Bastida Virgili của ESA từng nói: "Khả năng một mảnh vệ tinh rơi trúng đầu ai đó ước tính là một phần một tỷ".
Vệ tinh quan sát Trái đất ERS-2, hay vệ tinh Viễn thám châu Âu, được phóng lần đầu tiên vào ngày 21 tháng 4 năm 1995. Đây là vệ tinh phức tạp nhất thuộc loại này được châu Âu phát triển và phóng vào thời điểm đó.
Tiếp nối vệ tinh song sinh ERS-1, vệ tinh ERS-2 đã thu thập dữ liệu mang lại hiểu biết sâu sắc về biến đổi khí hậu, cung cấp thông tin có giá trị về tình trạng băng ở các chỏm cực, đại dương và bề mặt đất liền đang biến đổi của Trái đất, đồng thời quan sát các thảm họa như lũ lụt và động đất ở những vùng sâu vùng xa trên thế giới, cũng như tìm hiểu thành phần hóa học trong khí quyển.
Theo ESA, dữ liệu do ERS-2 thu thập trong suốt 16 năm hoạt động vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Ngọc Ánh (theo DW)