Vẽ tranh Việt trên tường thế giới

Nghỉ ngang chương trình của Trường Đại học Kiến trúc ngành Thiết kế nội thất, Võ Đức Dự bắt đầu với đam mê của mình khi mới 19 tuổi. Anh xin việc ở một cơ sở vẽ tranh tường, bắt đầu với nhiệm vụ phụ lăn tường, rửa cọ...

Bộ màu họa sĩ Võ Đức Dự tự nghiên cứu để thể hiện hình ảnh hoa trái Việt Nam trên tường

Bộ màu họa sĩ Võ Đức Dự tự nghiên cứu để thể hiện hình ảnh hoa trái Việt Nam trên tường

Tự làm khó mình để tiến bộ

Kể về những ngày bắt đầu quá trình tự học, anh Dự nói: “Lúc đó tôi trắng tay, không có ai cầm tay chỉ việc, nhưng tôi không hoang mang, cứ nghĩ là mình cố tâm đi thì sẽ đến. Bắt đầu từ những mảng dễ, được anh em sửa cho, mình tập trung học từ từ, đi làm về tập thêm ở nhà, càng học càng mở ra nhiều cái mới. Môn vẽ này có rất ít tài liệu, chủ yếu là chúng tôi học từ thực tế, nhiều cái bị vướng lại, tìm tòi không ra thì đành để đó, mãi sau mới dần tìm ra cách giải quyết”.

Làm thuê khoảng 3 năm, Võ Đức Dự tách ra, tự tạo thương hiệu riêng. Yêu và đam mê với nghề, Dự không chấp nhận kiểu làm cho có mà luôn tự làm khó mình để nâng cao trình độ, chất lượng sản phẩm. Hoạt động hơn 10 năm, trung bình mỗi tháng, công ty của Dự thực hiện từ 7-10 bức tranh tường, nhưng không bức nào trùng bức nào. “Đó là cách tôi ép mình để tiến bộ, sao chép một lần sẽ dễ tự ru ngủ mình để rồi có lần 2, 3… chỉ có vượt qua khó khăn mới có thể tiến lên. Ví dụ như vẽ hoa giấy, có vẻ cây nào cũng như nhau nhưng mỗi bức, tôi tự đặt cho mình ý nghĩa, câu chuyện của bức tranh ngay từ đầu, vậy nên ánh sáng, phối cảnh các lớp, bố cục đều khác nhau. Thực ra, nhiều khi khách hàng cũng không để ý đâu, chỉ là tự mình thử thách mình, tranh sau luôn phải đẹp hơn tranh trước. Tôi thích như vậy và cảm thấy rất hào hứng”, Võ Đức Dự chia sẻ.

Nội dung trong tranh của Võ Đức Dự thường là cảnh làng quê Bắc, Trung, Nam, các món ăn truyền thống, người lao động dân dã hay cô gái Việt với tà áo dài… Mỗi đề tài có những sắc thái tình cảm đòi hỏi những bảng màu đặc trưng rất đa dạng. Ở đây, Dự lại tự làm khó mình một lần nữa khi không sử dụng màu có sẵn mà mày mò nghiên cứu những màu sắc riêng, phù hợp nhất với bức tranh, không chỉ ở tính thẩm mỹ mà còn ở độ bền cần thiết cho một sản phẩm tranh tường trang trí.

Sáng kiến cho người Việt xa quê

Với tinh thần luôn tìm tòi cái mới, Dự phát hiện nhiều người Việt xa quê rất mong muốn có những bức tranh tường mang đậm hương vị quê hương. Nếu thuê họa sĩ nước ngoài thì chi phí rất cao, lại khó thể hiện được chất văn hóa đặc trưng Việt Nam, thế là Dự nảy ra sáng kiến vẽ tranh lên vải khổ lớn, gửi đến nhà cho khách tự căng, đóng lên tường.

Sáng kiến là một chuyện, nhưng để thực hiện lại không dễ do ít người làm. Ngay khâu đầu tiên là chất liệu vải vẽ tranh đã là cả vấn đề. Vải vẽ bình thường không có khổ lớn như thế, vải có khổ lớn lại không phù hợp để vẽ, vải phù hợp để vẽ, có khổ lớn lại không đảm bảo độ bền theo thời gian... Cứ thế, Dự mày mò tìm kiếm khắp nơi, thử nghiệm đủ loại vải. Mãi sau này, anh mới tình cờ tìm được một loại vải ưng ý của Nga, liền đặt hàng đưa về. Tranh tường dạng vải này tuy có giá cao do chỉ riêng giá vải đã lên đến hàng chục triệu đồng, nhưng lại có nhiều ưu điểm như dễ bố trí, ít bị tác động bởi môi trường như tranh vẽ tường (tường nứt, sơn nước bị oxy hóa…) nên rất được ưa chuộng. Hiện các bức tranh tường dạng vải này của Dự đã được xuất đi 18 quốc gia, được nhiều người Việt xa xứ yêu thích, ủng hộ.

Những tác phẩm của Dự dần được nhiều người Việt ở nước ngoài biết đến, đặt hàng để trang trí nhà riêng, nhà hàng, khách sạn… Chị Quỳnh Hoa, chủ một nhà hàng ở Florida, Mỹ, đã đặt Dự vẽ 3 bức để trang trí cho nhà hàng rộng hơn 370m2 của chị. “Thực ra, trước đây tôi mong muốn có những bức tranh trang trí thế này, nhưng họa sĩ phần lớn không thể hiện được cảnh sắc, văn hóa Việt Nam. Thông qua một người bạn, tôi biết đến Dự và đặt bạn thực hiện 3 bức tranh: 1 bức thể hiện cảnh đẹp Việt Nam, vừa để nhắc nhớ quê hương, giới thiệu để khách hàng biết mình là người Việt; 1 bức là hình ảnh cô gái Việt Nam bước về phía trước, thể hiện nỗ lực và ước mơ của tôi; bức thứ 3 là một rừng hoa bằng sơn dạ quang, khi giảm sáng, bức tranh hiện lên như một cánh đồng hoa rực rỡ, muôn sắc màu. Khách đến nhà hàng ai cũng trầm trồ. Tôi giới thiệu với họ đây là tranh của người trẻ Việt Nam vẽ, được gửi từ Việt Nam sang. Họ nghe qua, tỏ vẻ khá bất ngờ và nhiều người ngợi khen. Là người con xa xứ, ngắm những bức tranh để cảm nhận một phần cuộc sống quê hương, được thực hiện từ bàn tay của người Việt, tôi thấy rất vui và hãnh diện”, chị Quỳnh Hoa chia sẻ.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ve-tranh-viet-tren-tuong-the-gioi-post764315.html