Về việc Trường Trung cấp nghề Á Châu chậm trả giấy phép lái xe cho học viên là bộ đội xuất ngũ

Sau khi nhận được thông tin phản ảnh về việc Trường Trung cấp nghề Á Châu (Trường nghề Á Châu), địa chỉ tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm (Hưng Yên) chậm trả giấy phép lái xe (GPLX) cho học viên là bộ đội xuất ngũ (BĐXN) học theo thẻ học nghề, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu sự việc.

Anh Hoàng Hữu Cương ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) phản ảnh: “Tôi đăng ký học lớp đào tạo lái xe ô tô hạng C, khóa 243 tại Trường nghề Á Châu, khai giảng ngày 28-11-2018, kết thúc ngày 20-4-2019. Sau khi tốt nghiệp và sát hạch, nhiều lần tôi quay lại trường lấy GPLX để đi xin việc. Tuy nhiên, nhà trường yêu cầu phải đặt cọc 2 triệu đồng thì mới trả GPLX nên tôi không đồng ý. Đến tháng 9-2020, sau khi có sự vào cuộc của Báo Quân đội nhân dân, tôi mới lấy được GPLX mà không phải đặt cọc”.

Theo Văn bản số 244/AC ngày 9-9-2020 của Trường nghề Á Châu và tại buổi làm việc ngày 15-9-2020 với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Duy Quang, Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính và bà Đặng Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng Tài chính kế toán (Trường nghề Á Châu) đều khẳng định có sự việc nêu trên. Từ năm 2018 đến đầu năm 2019, nhà trường tổ chức đào tạo được 50 học viên là BĐXN ở các tỉnh Hưng Yên, Nam Định và TP Hà Nội. Từ ngày 30-1-2018 trở về trước, việc thanh toán kinh phí đào tạo BĐXN theo thẻ học nghề của nhà trường được thực hiện thông qua Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm (Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên) bằng hợp đồng liên kết đào tạo được ký hằng năm giữa hai bên. Tuy nhiên, sau khi Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm giải thể, nhà trường không biết phải thanh toán ở đâu nên giữ lại GPLX để có cơ sở thanh toán; học viên muốn lấy GPLX thì phải đặt cọc 2 triệu đồng (có biên lai), sau khi thanh toán được sẽ trả lại.

 Trường Trung cấp nghề Á Châu chưa trả giấy phép lái xe cho 8 học viên là bộ đội xuất ngũ.

Trường Trung cấp nghề Á Châu chưa trả giấy phép lái xe cho 8 học viên là bộ đội xuất ngũ.

Tính đến nay, Trường nghề Á Châu đã trả GPLX, tiền đặt cọc cho 41 học viên thuộc tỉnh Hưng Yên sau khi được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Hưng Yên duyệt chi kinh phí đào tạo và trả GPLX cho anh Hoàng Hữu Cương. Hiện nay, nhà trường chưa biết cơ quan, tổ chức nào sẽ thanh toán kinh phí đào tạo của 9 học viên còn lại (trong đó có trường hợp anh Hoàng Hữu Cương) có quê quán tại TP Hà Nội và tỉnh Nam Định.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Hoàng Nguyễn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ,TB&XH tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28-12-2016 của Bộ LĐ,TB&XH và Quyết định số 1313/QĐ-UBND ngày 13-6-2019 của UBND tỉnh, chúng tôi chỉ có thể giải quyết thanh toán cho 41 học viên là người trong tỉnh; số học viên còn lại, nhà trường phải có trách nhiệm đến các địa phương khác để được hướng dẫn làm các thủ tục thanh toán”.

Về phía Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên, Thiếu tá Hoàng Ngọc Lương, Trưởng ban Tài chính thông tin: “Khi Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm còn hoạt động, trung tâm ký hợp đồng liên kết đào tạo với các trường nghề trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (trong đó có Trường nghề Á Châu) giúp BĐXN thuận tiện trong học nghề. Thẻ học nghề và bằng, chứng chỉ học nghề là chứng từ bắt buộc để trung tâm trình lên Bộ CHQS tỉnh, Bộ Quốc phòng bảo đảm kinh phí để thanh toán cho các trường liên kết đào tạo theo đúng quy định. Tuy nhiên, đầu năm 2018, Bộ Quốc phòng có chủ trương giải thể các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm nên Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm dừng tiếp nhận thẻ học nghề và hồ sơ học nghề của BĐXN, cũng như không ký kết hợp đồng liên kết đào tạo nghề với các trường nghề. Sau khi rà soát hồ sơ quản lý đối với Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm, Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên nhận thấy không có danh sách tên, thẻ học nghề, hồ sơ đăng ký học nghề của các đồng chí BĐXN có ý kiến phản ảnh đến Báo Quân đội nhân dân. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho BĐXN cũng như nhà trường, cần làm rõ đơn vị nào tiếp nhận thẻ học nghề, hồ sơ đăng ký học nghề của BĐXN... để có biện pháp giải quyết theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH”.

Mục 1, Điểm c, Khoản 5, Điều 3 Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Hằng năm, lập kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên gửi bộ, ngành, cơ quan Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định phê duyệt, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí. Cụ thể: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương trực tiếp quản lý gửi về bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc địa phương quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gửi qua sở LĐ,TB&XH.

Nhằm làm rõ việc Trường nghề Á Châu có thực hiện đúng các quy định nêu trên hay không, chúng tôi đã đề nghị trường cung cấp các tài liệu liên quan, nhưng ông Nguyễn Duy Quang, bà Đặng Thị Thanh Thủy lấy lý do cán bộ quản lý hồ sơ đi vắng, chưa cung cấp được và hứa sẽ cung cấp sau. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi đã nhiều lần liên hệ lại nhưng ông Nguyễn Duy Quang không trả lời và không cung cấp các tài liệu nêu trên.

Chúng tôi cho rằng, việc thanh toán kinh phí đào tạo và trả GPLX cho BĐXN là hai việc hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, với những trường hợp còn lại, Trường nghề Á Châu cần nhanh chóng trả GPLX để BĐXN sớm tìm được việc làm, góp phần thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội đối với BĐXN. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần làm rõ việc Trường nghề Á Châu tiếp nhận, đào tạo nghề cho BĐXN từ thời điểm năm 2018 có đúng quy định hay không, từ đó có biện pháp giải quyết phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của BĐXN cũng như của nhà trường.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN-ĐỨC THỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/ve-viec-truong-trung-cap-nghe-a-chau-cham-tra-giay-phep-lai-xe-cho-hoc-vien-la-bo-doi-xuat-ngu-644005