Về với Bình Yên

Hướng tới kỷ niệm 75 năm thành lập ngành cơ yếu quân đội và ngành cơ yếu Việt Nam (12-9-1945/12-9-2020), Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu mới đây đã tổ chức hoạt động hành quân về nguồn tại xã Bình Yên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, nhân viên, đặc biệt là thế hệ trẻ của Cục Cơ yếu.

Từ 6 giờ sáng, dưới tiết trời đầu thu thoáng đãng, se se lạnh, chiếc xe chở đoàn công tác bắt đầu chuyển bánh từ Thủ đô Hà Nội. Trên xe, những gương mặt cán bộ, nhân viên Cục Cơ yếu ai nấy đều chất chứa tâm trạng hứng khởi, xen lẫn cả hồi hộp, bởi lẽ đối với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ được “về nguồn”.

Thượng úy Lê Xuân Quyết, trợ lý Ban sửa chữa, Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật Mật mã 1 (Cục Cơ yếu) chia sẻ: “Ngay khi được thông báo về chương trình hành quân về nguồn, tôi đã lập tức đăng ký và may mắn được lựa chọn tham gia đoàn công tác. Đối với thế hệ trẻ chúng tôi, chuyến đi là cơ hội bổ ích để hiểu thêm về lịch sử phát triển của ngành cơ yếu quân đội nói riêng và ngành cơ yếu Việt Nam nói chung, từ đó vun đắp tình cảm, ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc xây dựng ngành, cơ quan ngày càng vững mạnh”.

 Cắt băng khánh thành tôn tạo Khu di tích lịch sử Bia kỷ niệm tại nơi đào tạo cán bộ, nhân viên cơ yếu giai đoạn từ năm 1948-1950.

Cắt băng khánh thành tôn tạo Khu di tích lịch sử Bia kỷ niệm tại nơi đào tạo cán bộ, nhân viên cơ yếu giai đoạn từ năm 1948-1950.

Trong hành trình ý nghĩa này, đoàn công tác đã tổ chức khánh thành tôn tạo Khu di tích lịch sử Bia kỷ niệm tại nơi đào tạo cán bộ, nhân viên cơ yếu giai đoạn từ năm 1948-1950 ở thôn Rèo Cái, xã Bình Yên (trước đây là thôn Bản Cọ, xã Yên Thông). Cùng đoàn công tác ôn lại lịch sử, chúng tôi được biết: Tại địa danh này, vào giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đáp ứng yêu cầu mở rộng mạng liên lạc mật mã, phục vụ cho cách mạng, Bộ Tổng Tham mưu đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện cán bộ, nhân viên cơ yếu, kịp thời biên chế cho Đảng, nhà nước và quân đội. Ngày 9-5-1950, trên đường đi công tác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm hỏi, động viên các học viên lớp cơ yếu Lê Hồng Phong và căn dặn: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang… Các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa”. Kể từ đó tới nay, lời huấn thị ấy của Bác đã trở thành phương châm công tác của ngành cơ yếu quân đội nói riêng và ngành cơ yếu Việt Nam nói chung, được lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cơ yếu khắc ghi trong lòng.

Bên cạnh niềm tự hào về truyền thống ngành, qua chuyến về nguồn này, điều in đậm trong tâm trí các thành viên đoàn công tác còn là tình cảm trân quý của người dân xã Bình Yên – mảnh đất đã che chở, đùm bọc cho những lớp cán bộ cơ yếu đầu tiên của quân đội và cả nước. Theo dõi những tiết mục giao lưu văn nghệ giữa cán bộ, nhân viên Cục Cơ yếu và người dân xã Bình Yên, chúng tôi cảm nhận được sự gắn kết của tình quân dân vẫn còn vẹn nguyên và chẳng hề bị mai một qua thời gian. Thượng úy Nguyễn Trọng Nhật, trợ lý Phòng Quản lý Kỹ thuật nghiệp vụ mật mã bộc bạch: “Trước tình cảm chân thành, gần gũi của đồng bào nơi đây, bản thân tôi thấy phải có nhiều trách nhiệm hơn nữa với mảnh đất, với cội nguồn thân thương này. Những hoạt động về nguồn cần được lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong đoàn viên, thanh niên Cục Cơ yếu, qua đó phát huy tinh thần nhiệt huyết, xung kích tiên phong trong mọi hoạt động chuyên môn cũng như hoạt động phong trào”.

Dịp này, cán bộ, nhân viên Cục Cơ yếu đã tiến hành dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Trong chương trình, đoàn công tác cũng trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngành Cơ yếu Việt Nam” tặng các lãnh đạo chủ chốt của xã Bình Yên; chuẩn bị nhiều phần quà ý nghĩa chuyển tới các em học sinh Trường Tiểu học Bình Yên.

Bài và ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/ve-voi-binh-yen-634242