Về vùng đất lúa Hải Thượng

'Qua khỏi thị xã Quảng Trị là có thể rẽ về làng trên Quốc lộ số 1 cũ từ thời Pháp thuộc, có lẽ đây là đoạn đường duy nhất trên hành trình thiên lý Bắc - Nam còn lưu dấu vẻ đẹp nhỏ nhắn của con đường từ thuở đầu thế kỷ XX. Qua khỏi hàng cây cổ thụ hai bên đường, đến dòng kênh chạy song song soi bóng cánh đồng xanh ngút sắc lúa đương thì con gái, những mái ngói son tươi, con đường làng với hàng cau cao vút… Quê tôi đó, làng An Thái, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Miền đất tươi đẹp, trù phú của ngày hôm nay đã kinh qua nhiều giông bão của thời cuộc…', nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Hữu Thăng đã viết trong hồi ký 'Chuyện kể về một thời' về quê mình như thế.

 Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐT

Khu tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng - Ảnh: ĐT

Nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 (1975 - 2021), chúng tôi có chuyến hành hương “về nguồn”, nơi đến thăm đầu tiên là “địa chỉ đỏ” xã Hải Thượng, vùng đất nổi tiếng đánh giặc giỏi trong hai cuộc kháng chiến và làm ăn giỏi trong thời kỳ đổi mới. Hải Thượng là xã thuần nông thuộc vùng đồng bằng huyện Hải Lăng, một trong những địa bàn xung yếu, nằm giữa tỉnh lỵ Quảng Trị và huyện lỵ Hải Lăng, có Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam đi qua. Các bậc lão thành cách mạng ở địa phương cho biết, đầu năm 1930, một sự kiện có tính bước ngoặt trong phong trào yêu nước và đấu tranh cách mạng của Nhân dân Hải Thượng, đó là sự ra đời của các chi bộ đảng như Chi bộ Thượng Xá, tiếp đó Chi bộ Đại Nại, An Thái được thành lập. Từ đây, Đảng bộ xã Hải Thượng không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo Nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kiên cường đấu tranh, góp phần giành thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và xây dựng quê hương sau ngày hòa bình đến nay.

Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải Thượng là địa bàn rất khốc liệt nhưng cũng hết sức anh dũng, quật cường. 21 năm chống đế quốc Mỹ và tay sai, mặc dù nằm trong lòng địch, bị ruồng bố, kìm kẹp gắt gao, nhưng địa bàn xã Hải Thượng vẫn luôn có sự chỉ đạo sát sao, thông suốt của Huyện ủy Hải Lăng. Phong trào cách mạng luôn được khơi dậy mạnh mẽ từ trong mỗi xóm làng, họ mạc, đến từng người dân. Thời khắc ghi dấu ấn của xã Hải Thượng trong tiến trình giải phóng quê hương đó là vào những ngày đầu tháng 4/1972. Lúc bấy giờ dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Huyện ủy, Đảng bộ Hải Thượng đẩy mạnh xây dựng thực lực cách mạng, đưa phong trào chiến tranh nhân dân chuyển lên một bước cao hơn trước, lập kế hoạch chuẩn bị lực lượng phối hợp với cuộc tiến công đợt 2 của bộ đội chủ lực ta. 9 giờ ngày 27/4/1972 quân ta bắt đầu mở đợt công kích vào cụm phòng thủ trung tâm của địch từ Đông Hà đến thị xã Quảng Trị, La Vang. Trưa ngày 28/4/1972 bộ đội chủ lực của ta được sự phối hợp của du kích xã Hải Thượng tiến công cắt đứt tuyến Quốc lộ 1, đánh sập cầu Bốn Thước. Đặc biệt, việc chặn đánh, truy kích địch, đánh chiếm cầu Dài đã biến một đoạn Quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Trị đến cầu Dài trở thành “đại lộ kinh hoàng” đối với địch. Chúng thất bại tháo chạy vào phía Nam với sinh lực bị tiêu diệt rất lớn, bỏ lại hàng ngàn xe, pháo, phương tiện chiến tranh ngỗn ngang trên những bãi đất, bãi cát và cả trên dòng sông Nhùng. Đến ngày 1/5/1972 xã Hải Thượng được hoàn toàn giải phóng.

Trải qua chiến tranh, xã Hải Thượng có 437 liệt sĩ được ghi công, trong đó có Anh hùng lực lượng vũ trang Phan Thành Chung, Dũng sĩ diệt Mỹ Phan Thị Hồng. Hải Thượng là xã có số lượng Bà mẹ Việt Nam anh hùng đông nhất tỉnh Quảng Trị với 92 người, trên 300 người được hưởng chính sách thương binh, bệnh binh, hơn 1.800 người được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương các loại. Với công lao và sự hy sinh to lớn đó, ngày 20/12/1969 xã Hải Thượng được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng và năm 1982 được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hải Thượng đã đồng cam cộng khổ, phát huy sức sáng tạo và ý chí không cam chịu đói nghèo để tập trung xây dựng quê hương. Gần nửa thế kỷ nỗ lực vượt bậc, đến nay nền kinh tế- xã hội của xã Hải Thượng đã có nhiều khởi sắc. Nét nổi bật nhất nơi vùng đất lúa này là địa phương đã kiên trì đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện, xã về hỗ trợ một số cây trồng, con nuôi có hiệu quả, tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng bình quân của xã đạt 7%. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, sản phẩm sạch, hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích. Tập trung chỉ đạo việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống, thành lập tổ hợp tác, sản xuất lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ, sản xuất gạo mang thương hiệu Hải Lăng. Diện tích gieo trồng hằng năm toàn xã là 885 ha, trong đó cây lúa 608 ha, trong đó lúa chất lượng cao 460 ha, lúa giống 35 ha. Năng suất lúa bình quân đạt 53 tạ/ha, sản lượng thóc trên 3.000 tấn.

 Đường qua xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng hôm nay - Ảnh: ĐT

Đường qua xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng hôm nay - Ảnh: ĐT

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/ĐU ngày 30/8/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025, xã Hải Thượng đã thành lập tổ hợp tác sản xuất 9 ha lúa chất lượng cao gồm 10 thành viên tham gia; sản xuất 18 ha lúa ST24 theo phương pháp canh tác hữu cơ, giá trị thu nhập từ 88- 90 triệu đồng/ha. HTX Đại An Khê sản xuất gần 5 ha lúa để xây dựng thương hiệu gạo Hải Lăng. Địa phương cũng đã tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế phát triển với kinh phí hỗ trợ gần 900 triệu đồng, bao gồm 17 hộ nuôi lợn kết hợp xây hầm khí bioga, 3 hộ nuôi lợn thịt trên 100 con, 10 lợn nái lai, nái ngoại, 2 hộ trồng cỏ nuôi bò, 5 hộ trồng cây ăn quả, xây dựng cánh đồng lớn. Đã có 135 hộ được hỗ trợ để xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bơ, nuôi thỏ, bồ câu Pháp. Kịp thời hỗ trợ bù đắp giá trị thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi cho 29 hộ chăn nuôi. Đến nay, toàn xã có 75 mô hình kinh tế, trong đó có 4 mô hình kinh tế vùng cát với diện tích 1,12 ha trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi lợn, gà, cá…Thành lập 5 nhóm hộ thực hiện dự nâng cao thu nhập thuộc Chương trình Hạnh phúc Quảng Trị gồm 87 thành viên tham gia. Mở rộng diện tích trồng màu và cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó cây ngô 34 ha, lạc 20 ha, sen 41 ha, rau màu các loại 15,5 ha, sắn 139 ha. Có 63 hộ trồng cây cà phê tại xã Hướng Phùng, Hướng Hóa với diện tích 84 ha, thu nhập bình quân 32 triệu đồng/ha. Chăn nuôi có chuyển biến từ hình thức nhỏ lẻ sang trang trại gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Duy trì đàn bò trên 600 con, đàn lợn 9.500 con, gia cầm trên 135.000 con. Có 39 hộ chăn nuôi lợn đưa cơ sở chăn nuôi ra xa khu dân cư, 45 hộ nuôi lợn sử dụng hầm khí bioga, 18 hộ nuôi bò kết hợp trồng cỏ trên diện tích 4,5 ha. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 897 tấn. Công tác chăm sóc, bảo vệ, quản lý và phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm. Toàn xã đã khai thác 100 ha rừng trồng, sản lượng gỗ đạt 3.750 m3. Trồng 9.500 cây phân tán các loại, đầu tư theo hướng thâm canh, sử dụng giống keo dâm hom, keo lai, bón phân nên rừng phát triển tốt. Địa phương còn mở rộng diên tích nuôi cá nước ngọt, chú trọng tập huấn nuôi thâm canh và phòng trừ dịch bệnh để người nuôi áp dụng vào thực tế với diện tích nuôi cá 70 ha, sản lượng thu hoạch 100 tấn, ươm nuôi 70 vạn con cá giống các loại.

Trong phát triển kinh tế HTX, công tác điều hành sản xuất, kinh doanh dịch vụ và hoạt động của 2 HTX trên địa bàn xã triển khai thực hiện có hiệu quả. Tổng lãi bình quân của HTX Thượng Xá trên 138 triệu đồng/năm, HTX Đại An Khê trên 268 triệu đồng/năm. Xã cũng đã chỉ đạo thành lập 3 tổ hợp tác, đó là Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê, Tổ hợp tác sản xuất lúa tại xứ đồng Cừa, Tổ hợp tác sản xuất tại xứ đồng Dài Hạ. Xây dựng 2 cánh đồng lớn với diện tích 60 ha bước đầu mang lại hiệu quả. Đặc biệt, Hải Thượng là một trong 8 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020. Thời gian qua, xã đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, chỉnh trang nông thôn với việc người dân hiến đất mở rộng 2 km đường nông thôn, thắp sáng 14 km đường quê, tập trung cải tạo vườn tạp, sửa sang nhà cửa, nâng cấp chuồng trại…với tổng trị giá gần 48 tỉ đồng. Địa phương cũng đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa công trình trụ sở xã, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, nâng cấp trường học, hệ thống điện chiếu sáng… với tổng nguồn vốn trên 30,5 tỉ đồng. Đến nay xã đã đạt 12/12 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu…

Trong lộ trình phát triển, xã Hải Thượng chú trọng duy trì diện tích trồng lúa 600 - 604 ha, phấn đấu đạt năng suất bình quân hằng năm 54 tạ/ha; lúa chất lượng cao 460 - 470 ha, sản xuất lúa hữu cơ 140 - 150 ha nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, sản xuất lúa giống 35 ha. Đẩy mạnh chỉnh trang đồng ruộng, hoán đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, xây dựng 6 cánh đồng lớn quy mô từ 7-12 ha/cánh đồng gắn với các tổ hợp tác sản xuất theo hướng hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hải Thượng đang phấn đấu để giá trị sản xuất đất canh tác nông nghiệp đạt 85 - 90 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người đạt 70-72 triệu đồng, đến năm 2030 đạt trên 119 triệu đồng…

Đi trên những con đường thẳng tắp qua làng quê Hải Thượng hôm nay, đã thấy cuộc sống đổi thay vượt bậc. Mảnh đất anh hùng này đang phát triển mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới với nội lực mới, sức vươn mới, như cảm nhận của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Thăng, một người con của xã Hải Thượng: “ Có lẽ nhiều máu đã đổ ra để bảo vệ quê nhà, cho nên sắc màu bức tranh quê tôi trở nên sâu thẳm hơn, da diết hơn, và chính vì thế với bất cứ người Hải Thượng nào, dù xa quê hay ở ngay trên những ngõ làng, lối xóm thân thuộc, khi nghĩ về quê hương đều dậy lên một tình yêu mến khôn nguôi. Những yêu mến và tự hào đã trải qua hàng trăm năm lịch sử…”.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156106&title=ve-vung-dat-lua-hai-thuong