Vị Đại tướng có tấm lòng nhân hậu

Là thế hệ hậu sinh, nghe những chia sẻ, câu chuyện, kỷ niệm của các thuộc cấp, những đồng chí có may mắn được làm việc, được tiếp xúc với ông, có thể hiểu được phần nào về những công lao to lớn của ông, tâm huyết mà ông đã gắn bó và 'rút ruột rút gan' để thực hiện…

Đúng như chia sẻ của Trung tướng Võ Viết Thanh: “Công lao và thành tích của ông rất lớn trong hai cuộc kháng chiến, trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ông là người kín tiếng, nói ít làm nhiều nhưng có rất nhiều điều để nói về ông...”. Đó là đồng chí Mai Chí Thọ, vị Đại tướng đầu tiên trong lực lượng Công an.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và đại biểu tại nhà riêng Đại tướng Mai Chí Thọ.

Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và đại biểu tại nhà riêng Đại tướng Mai Chí Thọ.

Những chiến công xuất sắc

Tại Hội thảo khoa học “Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng CAND Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh” do Bộ Công an và Thành ủy TP Hồ Chí Minh đồng chủ trì tổ chức ngày 12-7 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15-7-1922 / 15-7-2022), nhiều câu chuyện xúc động chia sẻ của các thuộc cấp của ông, những đồng chí, đồng đội, những người có may mắn được làm việc, được tiếp xúc với ông… đã thêm một lần nữa khẳng định và tôn vinh những đóng góp, cống hiến của Đại tướng Mai Chí Thọ trong những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, để giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Được làm việc trực tiếp, gần gũi với đồng chí Năm Xuân - Mai Chí Thọ trong khoảng thời gian 16 năm đã để lại trong ký ức Trung tướng Võ Viết Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Trung tướng Võ Viết Thanh cho biết sau khi thống nhất đất nước, ông mới có điều kiện được làm việc trực tiếp với đồng chí Mai Chí Thọ. Cuối năm 1987, ông được Trung ương bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Trong thời gian này, hàng ngày hoặc hàng tuần, ông trực tiếp làm việc với đồng chí Mai Chí Thọ. Lúc đó đồng chí Mai Chí Thọ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) được phong hàm Đại tướng đầu tiên.

Trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình vừa có chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam với bọn Khmer Đỏ diệt chủng, một lực lượng phản động khác được nước ngoài tài trợ xuất phát từ đảo Hải Nam bằng các loại tàu lưới cá, chở nhiều tấn vũ khí, bạc giả đồng Việt Nam cập bến tại Hòn Đá Bạc tỉnh Cà Mau để đưa vũ khí, bạc giả và người vào các khu rừng lập căn cứ. Bọn phản động xâm nhập bằng đường bộ, đường biển đều móc nối kết hợp với bọn phản động trong nước ngóc đầu dậy với mưu đồ dùng bạo lực lật đổ chính quyền cách mạng… Nhưng tất cả bọn chúng đều bị sa lưới hoặc bị Công an vô hiệu hóa bằng mọi biện pháp.

Bởi trong bối cảnh an ninh quốc gia vô cùng nguy cấp như vậy, Bộ Công an, đứng đầu là Đại tướng Mai Chí Thọ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân là phải giữ vững ổn định chính trị trong nước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí Mai Chí Thọ, Bộ Công an đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này trong thời kỳ đó.

Theo Trung tướng Võ Viết Thanh, trong sinh hoạt hàng ngày, đồng chí Mai Chí Thọ rất bình dân, tối kỵ với “bệnh” hình thức tốn kém vô nghĩa, hoặc tâng bốc lẫn nhau. Ngay khi đồng chí Mai Chí Thọ được Nhà nước phong hàm Đại tướng đầu tiên trong lực lượng Công an cũng không có tiệc tùng hoặc nhận quà cáp bất cứ của ai.

Đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn -Gia Định đọc diễn văn tại Lễ mít tinh đổi tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 2-7-1976).

Đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn -Gia Định đọc diễn văn tại Lễ mít tinh đổi tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 2-7-1976).

Liên quan đến việc này, đồng đội của ông vẫn còn nhớ những câu: “...Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Núi xương sông máu dựng cơ đồ. Đồng bào chiến sĩ hy sinh thế. Quan bé quan to nhớ nhớ cho”. Ấy là bài thơ “Phong tướng” có mượn lời người xưa mà ông viết khi được phong hàm Đại tướng, trước hết là để tự nhắc mình. “Chức vụ nào thì ăn thua cũng là ở giá trị, chất lượng công việc có xứng đáng hay không”, ông bảo vậy, và xuyên suốt công việc của mình, ông chứng minh vậy…

Nguyên là Thư ký đồng chí Mai Chí Thọ từ tháng 10-1971 đến tháng 11-1974, PGS.TS. Hà Công Tài (Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ, năm ấy 1971, sau 4 tháng vượt Trường Sơn vào đến Trung ương Cục miền Nam, người thanh niên Hà Công Tài là một trong những sinh viên Khoa Văn và Sử vừa qua lớp đào tạo lực lượng viết trẻ của Hội Nhà văn được điều đến chiến trường Sài Gòn - Gia Định và sau đó lần đầu tiên được gặp chú Năm Xuân. “Lúc đó, chú Năm nói chuyện thân mật, gần gũi, có pha chút hài hước rất vui. Toàn chuyện đời thường chứ không có chuyện chiến trường căng thẳng”, PGS.TS. Hà Công Tài kể lại.

Ở chiến trường, sống trong căn cứ rừng sâu nước độc đã cực, nhưng hành quân còn cực hơn rất nhiều, nhất là hành quân trên những con đường ngập nước đến đầu gối, bước đi mỏi mệt vô cùng. PGS.TS. Hà Công Tài nhớ có lần nhìn chú Năm đi trước, tay cầm cây gậy dò đường trong làn nước đục ngầu, vai đeo chiếc túi đựng tư trang, tài liệu. Chú Năm bước những bước dài, quay lại khích lệ chiến sĩ bằng nụ cười rạng rỡ.

Chiến sĩ Tài nhìn theo bước chân ông và nghĩ về người lính già qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lòng đầy cảm kích và xúc động. Bước chân ấy hẳn đã đi đến rất nhiều nơi trên đất nước này để có được cuộc sống độc lập, tự do cho nhân dân, cho toàn dân tộc. Bước chân ấy như chưa từng mỏi mệt, vẫn mạnh mẽ và bình dị trước mắt chiến sĩ Tài - một người lính vừa chập chững vào đời...

PGS.TS. Hà Công Tài kể có lần ông được chú Năm bảo đọc một tập về kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia 1971 - 1974 của chính quyền Sài Gòn. Đọc để nghiên cứu xem nó là thế nào? Sau khi giải phóng phải bắt tay vào làm kinh tế ngay, phải xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, cách mạng phải bắt đầu từ những việc rất cụ thể như thế. “Tấm lòng của nhà lãnh đạo cao cả và yêu thương nhân dân đến độ ngay cả trong chiến tranh, sống chết liền kề, vẫn để tâm lo cho cái ăn của người dân…”, PGS.TS. Hà Công Tài chia sẻ.

Một nhân cách lớn với tấm lòng yêu nước thương dân

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, làm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trong những năm đầu giải phóng, đồng chí Mai Chí Thọ được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” vì lo chạy gạo cho dân (bởi có lúc gạo dự trữ cho mấy triệu người thành phố chỉ còn độ một tuần). Ông phải tổ chức giao ban liên tục để chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, xử lý các vấn đề kiều hối, mua trước, trả sau... Và tới khi làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ông luôn là một nhà lãnh đạo toàn diện, không chỉ lo kinh tế mà quan tâm các vấn đề văn hóa, xã hội, lo cho người nghèo, luôn thương yêu lớp trẻ, cán bộ trẻ…

Với tấm lòng vì nước vì dân, đồng chí Mai Chí Thọ là người đi đầu và ươm mầm cho phong trào xóa đói giảm nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh.

Với tấm lòng vì nước vì dân, đồng chí Mai Chí Thọ là người đi đầu và ươm mầm cho phong trào xóa đói giảm nghèo ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay cả những năm cuối đời, sau khi về hưu từ năm 1991, ông luôn dành thời gian chăm lo cho người nghèo, cố vấn cho hoạt động xóa đói giảm nghèo. Ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

“Ông tự nhận con người mình hợp với tính cách người Nam bộ, bộc trực, thẳng thắn… Nhìn dáng vẻ bề ngoài của ông oai phong, nhưng từ trong sâu thẳm, ông là con người có tấm lòng nhân hậu và có nụ cười hiền…”, bà Phạm Phương Thảo bày tỏ.

Là một nhà báo, do cơ duyên, bà Nguyễn Thị Ngọc Hải may mắn là người chấp bút cho cuốn hồi ức (tập 3) của Đại tướng Mai Chí Thọ (sau khi chính ông đã viết xong hai cuốn hồi ức về hoạt động trong hai cuộc chiến).

Và trong cuốn hồi ức này, bà đã cùng với Đại tướng viết ra những câu chuyện chạm vào cảm xúc, trong đó có nỗi ân hận, day dứt của ông với mẹ mình sau 15 năm xa cách. Lần ấy, ông từ miền Nam được ra Bắc, đóng giả sĩ quan liên lạc đi máy bay địch ra Hà Nội làm việc với Trung ương, được ghé qua nhà. “Mẹ đang bệnh đau cột sống. Tôi mở mùng thấy mẹ ngồi nhìn thấy con, lặng lẽ khóc. Mình lại cố tỏ ra cứng rắn: “Mẹ đừng khóc. Con về là quý lắm rồi. Còn bao gia đình tan nát”.

“Giờ nghĩ lại, dù đúng nhưng không ổn. Với người mẹ cả cuộc đời như thế… Bà luôn thương đứa trai út là tôi. Bà bảo: Chỉ còn nó là chưa gặp. Gặp nó rồi chết cũng được”. Bà đã mất hai năm sau đó - mà cái tin mẹ mất cũng phải thêm hai năm nữa ông mới nhận được ở chiến trường Campuchia. Câu chuyện gia đình ông cho thấy những hy sinh, ly tán của người Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thật là vô bờ bến.

Hỏi về quê hương thì ông kể chuyện về mẹ. Một người mẹ Việt Nam sinh ra các con, có tới ba người trong Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng - những lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Và bởi vì ông theo kháng chiến, sống khắp nơi, nên quê hương ông trải ra khắp non sông này.

Trong cuốn hồi ức, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải với những câu chuyện do vị Đại tướng kể lại đã khắc họa vị Chủ tịch UBND, Bí thư Thành ủy thời nghèo khó, bao cấp, các câu chuyện của ông làm sống lại thời kỳ sáng tạo, mạnh bạo “phá rào” của thành phố, tìm con đường xuất nhập khẩu giao thương với bên ngoài, ủng hộ các xí nghiệp dám làm, thời kỳ dẫn đến “Hội nghị Đalat” có lãnh đạo cao nhất nước như các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn lắng nghe, góp vào tiền đề của các chính sách Đổi mới Việt Nam…

Cuối cùng, những tâm sự và nỗi lòng của bà Phan Thị Thanh Xuân (con gái Đại tướng Mai Chí Thọ, đại diện gia đình) nói về người cha của mình cũng giúp mọi người hiểu nhiều điều về con người, nhân cách sống, cách làm việc, cống hiến hết mình của vị lãnh đạo tài ba và nhân từ.

Bà Xuân xúc động: “Chúng tôi may mắn được sinh ra làm con của một người cha đặc biệt, người mà chúng tôi luôn rất tự hào, yêu quý. Đối với chúng tôi, ông là một người cha nhân từ, bao dung, đầy khí phách, sâu sắc mà bình dị, chan hòa tình cảm. Ông là một chứng nhân với những thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Dù đã trải qua cả thời tuổi trẻ trong các trại giam, lao tù đày ải, chịu đựng các di chứng bệnh tật nghiêm trọng tại các chiến trường trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, nhưng cha tôi vẫn luôn sống vô cùng lạc quan, tích cực…

Chúng tôi luôn nhớ đến cha, nhớ đến hình ảnh ông hoạt động và bỏ nhiều công sức giải quyết bộn bề công việc sau giải phóng, trong công cuộc cải cách đổi mới để vượt qua bao vây cấm vận, vượt qua nhiều khó khăn trong đối nội và đối ngoại, vượt qua nhiều trì trệ thời bao cấp…

Trong gia đình, cha tôi luôn nhắc nhở chúng tôi về bà nội và mẹ của chúng tôi. Hai người đàn bà mà ông dành nhiều tình cảm nhất, là chỗ dựa cho ông trong suốt cuộc đời mình.

Mỗi ngày chúng tôi đều chứng kiến cha sống hạnh phúc và tích cực; mỗi sáng thức dậy có một ngày mới để tận hưởng và làm các công việc ông cho là có ích. Ông tuân thủ và thực hiện đều đặn các hoạt động thường nhật từ tập luyện, đọc sách, nghiên cứu, tập thể dục dưỡng sinh hay giải trí… Tựu chung lại, các thước phim hình ảnh con người cha tôi luôn hiện ra sống động trong ký ức của mỗi chúng tôi. Ở cạnh ông, chúng tôi luôn cảm nhận một tinh thần cực kỳ tích cực, lạc quan nhiệt huyết, đầy tình yêu thương”.

Phú Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/vi-dai-tuong-co-tam-long-nhan-hau-i660801/