Vì một TP. HCM công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Đại diện Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 Malaysia, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc và Saigontel trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. HCM ngày 25/9.

Hợp tác cùng thắng

Ông Adrian Marcellus, Tổng giám đốc điều hành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) Malaysia kỳ vọng Trung tâm C4IR của hai nước có thể hợp tác trên nhiều phương diện. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Ông Adrian Marcellus, Tổng giám đốc điều hành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) Malaysia kỳ vọng Trung tâm C4IR của hai nước có thể hợp tác trên nhiều phương diện. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Ông Adrian Marcellus, Tổng Giám đốc điều hành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) Malaysia nhấn mạnh, trong thời gian đầu thực hiện chương trình chuyển đổi quốc gia, C4IR Malaysia tập trung vào việc mang lại lợi ích cho người dân, trong đó triển khai chương trình mang tên “AI for IA”. Trong vòng bốn tháng, hơn một triệu người đã đăng ký và hoàn thành chương trình.

Trung tâm hiện triển khai các mảng bổ sung trong chương trình trên, với sản phẩm thứ hai là "Cyber Safe for the Rakyat", có nghĩa là "An toàn mạng cho người dân". Trung tâm hướng mục tiêu tạo ra nhận thức trong cộng đồng về cách họ sẽ sống trong thế giới kỹ thuật số mới này.

“Lĩnh vực thứ hai mà chúng tôi đang tập trung là thúc đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số, mở rộng các cụm công nghiệp truyền thống trong Malaysia, trong đó hệ sinh thái doanh nghiệp có thể hưởng lợi từ sự phối hợp giữa chính phủ, ngành công nghiệp, viện nghiên cứu và xã hội’”, ông Adrian Marcellus cho biết.

C4IR Malaysia còn quan tâm việc thúc đẩy chương trình chuyển đổi năng lượng để trở nên xanh và sạch hơn, tạo ra hệ sinh thái mới trong đất nước, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế song song với giải quyết biến đổi khí hậu.

Lĩnh vực tiếp theo mà C4IR Malaysia đầu tư là tư duy lãnh đạo với hai chủ đề trọng tâm là ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh lên xã hội và mô hình kinh tế Gig. Việc giới trẻ thích làm nhiều hơn một công việc đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Gig. Do đó, Trung tâm đã sản xuất nhiều bài viết đề xuất chính phủ áp dụng tư duy lãnh đạo để quản lý nền kinh tế Gig. Mô hình kinh tế này tạo điều kiện cho người dân linh hoạt làm việc, song nhược điểm là thiếu mạng lưới an toàn cho nhóm lao động tự do.

Ông Adrian Marcellus kỳ vọng Trung tâm C4IR của hai nước có thể hợp tác trên nhiều phương diện, gồm mở rộng phạm vi và lợi ích của các khu công nghiệp. Nếu hai Trung tâm cùng làm việc, chia sẻ kinh nghiệm và ứng phó thách thức, hai nước sẽ đạt được nhiều lợi ích kinh tế và cải thiện công ăn việc làm cho người dân.

“Tôi không coi đây là cạnh tranh, mà là hợp tác để cùng phát triển. Một lần nữa, tôi rất mong chờ sự hợp tác giữa hai nước và xin mời các đồng nghiệp từ Trung tâm C4IR TP. HCM đến thăm Malaysia”, Tổng giám đốc điều hành C4IR Malaysia khẳng định.

"Còn rất nhiều việc phải làm"

Ông Alessandro Flammini, Cố vấn cao cấp về khí hậu và năng lượng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng TP.HCM sẽ đối mặt thách thức trong đảm bảo cung cấp thực phẩm cho toàn bộ dân số. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Ông Alessandro Flammini, Cố vấn cao cấp về khí hậu và năng lượng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng TP.HCM sẽ đối mặt thách thức trong đảm bảo cung cấp thực phẩm cho toàn bộ dân số. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Trong khi đó, ông Alessandro Flammini, Cố vấn cao cấp về khí hậu và năng lượng, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đánh giá tiềm năng hợp tác giữa FAO và các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng phó biến đổi khí hậu.

FAO là cơ quan hàng đầu của LHQ thúc đẩy hệ thống thực phẩm bền vững. TP.HCM sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn để đảm bảo cung cấp thực phẩm bền vững và dinh dưỡng cho toàn bộ dân số. Theo ước tính, đến năm 2030, TP. HCM sẽ đạt 18 triệu dân với mức tăng trưởng khoảng 2-3% mỗi năm.

Vì vậy, FAO đang làm việc để đảm bảo tính bền vững của hệ thống nông lương thực, bao gồm việc tiêu thụ năng lượng sinh học để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu và máy móc liên quan, đồng thời tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trong quá trình chế biến thực phẩm, đóng góp và tiêu thụ sản phẩm. “Còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện hiệu quả năng lượng của các quy trình này, cũng như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Alessandro Flammini cho hay.

Hệ thống thực phẩm cũng có thể sản xuất năng lượng thông qua năng lượng sinh học, chẳng hạn như biogas, chất thải rắn hoặc nhiên liệu sinh học lỏng, vốn có thể được sử dụng thay thế nhiên liệu hóa thạch. Điều này rất quan trọng đối với TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Ngoài ra, FAO đang thúc đẩy ứng dụng các công nghệ quan trọng như canh tác theo chiều dọc và thủy canh, đây là điều cần thiết đối với các thành phố lớn như TP. HCM. Công nghệ này đã đi vào thực tiễn tại các nơi như Seoul hay Singapore và đang trở nên phổ biến ở Anh, Mỹ, Hà Lan, Canada, và Nhật Bản.

Nguồn lực toàn cầu

Ông Harry Huhges, Phó Chủ tịch hội đồng chiến lược Saigontel khẳng định sẽ tìm cách tạo điều kiện cho các tập đoàn đa quốc gia có tư duy toàn cầu có thể đặt chân đến Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Ông Harry Huhges, Phó Chủ tịch hội đồng chiến lược Saigontel khẳng định sẽ tìm cách tạo điều kiện cho các tập đoàn đa quốc gia có tư duy toàn cầu có thể đặt chân đến Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Bình)

Chia sẻ về kế hoạch của Saigontel nhằm giúp TP. HCM trở thành trung tâm đổi mới công nghệ thông tin, ông Harry Huhges, Phó Chủ tịch Hội đồng chiến lược Saigontel cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư đáng kể vào các khu công nghiệp xanh nhằm thu hút đầu tư toàn cầu vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao.

Ông Harry Huhges nhấn mạnh: “Chúng tôi tìm cách tạo điều kiện cho các tập đoàn đa quốc gia có tư duy toàn cầu có thể đặt chân đến Việt Nam, với một môi trường tuân thủ tiêu chuẩn ESG, có nguồn nhân lực và nhà máy. Chúng tôi đang xem xét phát triển khu công nghiệp ở các khu vực như Long An, vốn rất gần TP. HCM”. Saigontel hy vọng việc này sẽ dần củng cố năng lực cho TP. HCM và khu vực đô thị lân cận trong vai trò một trung tâm sản xuất công nghệ tiên tiến.

Theo Phó Chủ tịch hội đồng chiến lược Saigontel, giai đoạn thực hiện chiến lược trung hòa carbon và giảm phát thải của chính phủ trung ương là rất quan trọng. Việt Nam cần có những bước tiến đáng kể trong giải quyết vấn đề này từ góc độ công nghiệp nhằm đảm bảo tuân thủ các thỏa thuận quốc gia và quốc tế.

Đánh giá về triển vọng hợp tác giữa SaigonTel với các địa phương khác và với TP. HCM, ông Harry Huhges khẳng định coi trọng việc hợp tác với chính quyền trung ương và cấp tỉnh. SaigonTel là nhà phát triển công nghiệp lớn nhất trong cả nước và đóng góp 38% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. “Thông qua hợp tác chặt chẽ với chính phủ, chúng tôi có thể tạo ra nền tảng và điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, đại diện Saigontel cho hay.

Vĩnh Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vi-mot-tp-hcm-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-288477.html