Vì mục tiêu lâu dài trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Sau hơn hai tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 24/7), TP Hà Nội bước đầu kiểm soát được dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng người dân ra đường đi lại không có lý do chính đáng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch. Không ít doanh nghiệp “lỏng tay” trong cấp Giấy đi đường cho người lao động; có doanh nghiệp “lách quy định” bằng cách cấp “giấy đi tiêm vaccine” để người lao động có thể đi làm. Cá biệt, tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có trường hợp người lao động tự do xin giấy xác nhận đi lại do ở nhà... chán quá...

Trước thực tế này, ngày 7/8, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 2562/UBND-KT nhằm quản lý chặt việc cấp Giấy đi đường cho người dân. Thành phố yêu cầu người đi đường phải xuất trình các loại giấy tờ như: Giấy đi đường, căn cước công dân/ chứng minh nhân dân/ hộ chiếu, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công công việc của cơ quan, đơn vị.

Người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp được phép hoạt động phải có xác nhận của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, quá trình triển khai nảy sinh một số bất cập do nhiều người chưa chuẩn bị đủ giấy tờ cần thiết, lực lượng chức năng tại một số chốt cứng nhắc khi kiểm tra… dẫn đến nhiều điểm chốt bị ùn ứ, tập trung đông người. Bên cạnh đó, quy định phải xin chứng nhận ở cả nơi làm việc, lẫn chính quyền địa phương, khiến người dân phải đến trụ sở UBND xã, phường xin xác nhận, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Để khắc phục bất cập này, sáng 10/8, UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 577/TB-UBND, điều chỉnh quy định về việc cấp Giấy đi đường cho người tham gia giao thông. Người đi đường chỉ cần xuất trình giấy tờ tùy thân và Giấy đi đường theo mẫu thành phố ban hành. Đối với khối doanh nghiệp, người lao động không cần phải lấy xác nhận của chính quyền địa phương, song doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tổng hợp danh sách người lao động của đơn vị cần lưu thông kèm theo phương án sản xuất, kinh doanh, gửi UBND cấp phường, xã để xác nhận. Danh sách này dùng để phục vụ cho kiểm tra, giám sát và hậu kiểm việc chấp hành của các đơn vị này (người đi đường không cần mang theo danh sách này).

Việc thành phố điều chỉnh các quy định theo hướng giảm thủ tục gây phiền hà cho người dân, nhưng không có nghĩa là “nới lỏng” các quy định về việc đi lại trong thời gian giãn cách xã hội. Mọi người chỉ được phép ra ngoài với lý do chính đáng; các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường làm việc trực tuyến...

Cần hiểu rằng, nỗ lực của các lực lượng chức năng mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của cả cộng đồng, mà ưu tiên lớn nhất trong thời gian này là “ai ở đâu, ở yên đó”, chỉ đi ra ngoài khi có lý do chính đáng. Nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thì thời gian giãn cách sẽ bị kéo dài thêm, thiệt hại về kinh tế càng lớn. Vì vậy, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân… đều phải ý thức được rằng, phải chấp nhận thiệt hại trước mắt, chấp nhận những khó khăn khi phải “ở yên” thì mới có thể đạt được mục đích lâu dài.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/vi-muc-tieu-lau-dai-trong-cuoc-chien-chong-dich-covid-19-659256/