Vì sao 5 tuyến cao tốc của VEC chưa hoàn thành thu phí không dừng?
Dù được giao quản lý 5 tuyến cao tốc trọng điểm, có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, thế nhưng đến nay Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn chưa thể triển khai lắp đặt thiết bị theo yêu cầu. Ngay cả dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện mới chỉ có 15/40 làn hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí không dừng.
Việc trích doanh thu còn chậm
Theo thông tin từ Bộ GTVT, hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 dự án. Dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cùng 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đến nay, đã lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.
Riêng với 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý, chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị. 4 tuyến còn lại gồm cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TPHCM - Trung Lương chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Qua tìm hiểu, hệ thống thu phí tự động không dừng tại 5 tuyến cao tốc này lên đến 34 trạm/242 làn, được thực hiện theo phương án VEC tự đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm (Frond - end), kết nối trung tâm dữ liệu (Back - end) của Công ty TNHH Thu phí tự động - VETC.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng nêu rõ: Với 5 dự án, số làn thu phí không dừng VEC phải thực hiện chiếm 30% tổng số làn của tất cả các trạm trong cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai của VEC đang chậm so với yêu cầu, đến nay mới chỉ có 15/40 làn thuộc dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành lắp đặt thiết bị.
Với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT cho biết có tổng số 33 trạm, bao gồm: 10 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác. Hiện nay, nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Đề cập đến những vướng mắc của dự án, Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân do nguồn vốn để đầu tư ETC tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết. Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai ETC. Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất của các dự án giai đoạn 1 là doanh thu hoàn vốn cho dự án thu phí tự động ETC không như dự kiến ban đầu, do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm.
Giải thích về lý do chậm triển khai, lãnh đạo Tổng Công ty VEC cho biết, hiện VEC đã lắp đặt thử nghiệm 15 làn trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Muốn đưa 15 làn này vào vận hành thương mại, giữa VEC và VETC phải ký hợp đồng chính thức thì VETC mới được thu tiền. Tuy nhiên, muốn ký được hợp đồng, phải xác định được tỷ lệ trích phí tổ chức thu giữa hai bên. Thêm nữa, phải phê duyệt được dự toán và có quyết định chỉ định thầu cho VETC.
Trong khi đó, đại diện VETC cho biết, hiện mới có 12/44 trạm đã ký được phụ lục hợp đồng, hợp đồng dịch vụ. Các trạm còn lại chưa ký được hợp đồng có nguyên nhân chủ yếu là chưa đồng ý với mức trích doanh thu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT. Phía VETC nhấn mạnh rằng cần điều chỉnh phương án tài chính của các dự án BOT như: Bổ sung chi phí giám sát, hậu kiểm và chi phí thu phí không dừng.
Quá nhiều rào chắn
Bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, ngành trong việc thiết lập các hệ thống thu phí tự động không dừng, sự thành bại của ETC còn phụ thuộc rất nhiều vào các chủ xe - những người về lý thuyết được hưởng lợi nhiều nhất.
Mặc dù công tác tuyên truyền đã được làm thường xuyên, nhà đầu tư dự án đã quan tâm hỗ trợ chủ phương tiện dán thẻ miễn phí, nhưng đến hết năm 2019, số lượng phương tiện dán thẻ (e-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng trên cả nước mới đạt 900.000 thẻ/3,5 triệu xe ô tô - chủ yếu là chủ xe vận tải hàng hóa và hành khách.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia giao thông La Văn Thái chia sẻ: "Để triển khai hệ thống thu phí theo hình thức tự động không dừng đối với tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước trước hết cần quản lý chặt chẽ, minh bạch nguồn thu phí hoàn vốn cho các dự án BOT. Đồng thời, lực lượng chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác thu phí của nhà đầu tư, xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện các hành vi gian lận trong thu phí...".
Về ý kiến của một số chủ doanh nghiệp cho rằng, họ đã phải nộp trước tiền không nhỏ vào tài khoản giao thông nhưng không được tính lãi suất, ông La Văn Thái đề xuất cơ quan quản lý xem xét, sử dụng chính tài khoản giao dịch ngân hàng của chủ phương tiện để trừ phí giao thông. Làm được như vậy, tiền sẽ đi thẳng từ tài khoản ngân hàng của chủ phương tiện vào tài khoản của chủ đầu tư BOT. Việc này vừa có lợi cho khách hàng, vừa có lợi cho chủ đầu tư. Khi muốn kiểm tra, chỉ cần in sao kê ngân hàng là biết được nguồn thu như thế nào.
Ông La Văn Thái nhấn mạnh: "Cái thấy rõ ở đây là thói quen áp đặt sự lựa chọn của chủ đầu tư đối với người sử dụng dịch vụ. Tất cả khiếm khuyết đó đã tạo nên những rào chắn, khiến việc triển khai thu phí không dừng trong thời gian qua không nhanh, không tốt như kỳ vọng, đòi hỏi phải sớm có biện pháp tháo gỡ. Khi người dân nhận thức được lợi ích của thu phí không dừng cùng với chế tài xử phạt, tỉ lệ người sử dụng sẽ tăng".
Bộ GTVT đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trong đó quy định hành vi điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 1-3 tháng.