Vì sao Ankara đình chỉ đàm phán gia nhập NATO với Thụy Điển và Phần Lan?

Đề nghị này đã được 28 quốc gia thành viên NATO chấp thuận, ngoại trừ hai quốc gia chưa thông qua quyết định cuối cùng là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ “chặn” đàm phán gia nhập NATO với Thụy Điển và Phần Lan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip EErdogan. Ảnh: AP

Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ đã hoãn vô thời hạn vòng đàm phán mới với Thụy Điển và Phần Lan về vấn đề gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của hai quốc gia này.

Ba quốc gia đã đạt được thỏa thuận về cách thức tiến hành đàm phán về việc gia nhập NATO tại Madrid vào tháng 6/2022, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói rằng Thụy Điển đã không giữ đúng cam kết trong thỏa thuận nói trên.

Trước đó, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ không ủng hộ việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO, chừng nào Stockholm còn “không tôn trọng tín ngưỡng Hồi giáo và tiếp tục ủng hộ các tổ chức khủng bố”.

Ankara nêu ra điều kiện đối với hai nước Bắc Âu là phải giao nộp các nhà hoạt động bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là có liên quan đến khủng bố, để đổi lấy sự chấp thuận của nước này trong việc gia nhập NATO.

Theo thỏa thuận đạt được ở Madrid, Phần Lan và Thụy Điển đã nhất trí nỗ lực chống khủng bố, bao gồm tăng cường công tác dẫn độ và trục xuất các chiến binh từ đảng Công nhân người Kurd (PKK) chống đối chính quyền Ankara. Tuy nhiên, các tòa án của Thụy Điển đã chặn một số vụ trục xuất các chiến binh có liên quan đến khủng bố.

Căng thẳng giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát trong những ngày qua sau vụ việc chính trị gia cánh hữu Rasmus Paludan đốt kinh Koran của người Hồi giáo trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia Arab, Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động này.

Chuyên gia Paul Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Stockholm, cho biết: "Thụy Điển đã giải quyết nhiều mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiếp tục thực hiện thỏa thuận ba bên đạt được ở Madrid. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại những nỗ lực của Stockholm rõ ràng là chưa đủ".

Thụy Điển và Phần Lan đã quyết định gia nhập NATO vào tháng 5/2022 trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đề nghị này đã được 28 quốc gia thành viên NATO chấp thuận, ngoại trừ hai quốc gia chưa thông qua quyết định cuối cùng là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà phân tích cho rằng, với những động thái mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan khó có triển vọng gia nhập NATO trước khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành bầu cử quốc hội và tổng thống vào tháng 5 tới.

Thậm chí, sau đó, tiến độ xem xét gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu có thể còn phải kéo dài lâu hơn. Việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Madrid có thể mất nhiều năm và Thụy Điển cho biết nước này khó có thể đáp ứng một số yêu cầu khác của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đang nhắm một mục tiêu khác?

Các chuyên gia chính trị nhận định rằng quyết định mới nhất của Tổng thống Erdogan liên quan đến việc xem xét gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan để cử tri tập trung vào vấn đề này thay cho những lo ngại về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Trong khi đó, một số nhà phân tích khác nói rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn đặt điều kiện về việc ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO phải đi kèm thỏa thuận với Mỹ. Mối quan hệ giữa Ankara và Washington đang căng thẳng do cuộc xung đột của Thổ Nhĩ Kỳ với các chiến binh người Kurd ở Syria, lực lượng được chính quyền Mỹ hỗ trợ trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn mua máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ, song đang vấp phải sự phản đối của một số thành viên Quốc hội.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-ankara-dinh-chi-dam-phan-gia-nhap-nato-voi-thuy-dien-va-phan-lan.html