Vì sao Bắc Bộ tuyết rơi trắng đỉnh Fansipan, Nam Bộ vẫn nắng nóng đỉnh điểm?
Các chuyên gia khí tượng lý giải 2 hình thái thời tiết đối nghịch khi tuyết rơi giữa mùa xuân ở miền Bắc và nắng nóng gay gắt đe dọa sức khỏe người dân miền Nam.
Những ngày qua, thời tiết các khu vực trên cả nước liên tục có những diễn biến bất thường, khắc nghiệt.
Bắc Bộ vừa trải qua đợt mưa dông diện rộng dù mới là thời điểm đầu mùa xuân, cùng với đó, hiện tượng mưa tuyết bất ngờ xuất hiện trên đỉnh Fansipan (Lào Cai) sáng 18/2, khi nhiệt độ toàn miền đang ở mức cao.
Còn ở Nam Bộ, nắng nóng gay gắt tấn công khu vực này nhiều ngày qua khiến sinh hoạt và đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
Lý giải về hiện tượng thời tiết đối lập giữa 2 miền Nam, Bắc, các chuyên gia khí tượng cho biết, nguyên nhân là do 2 miền chịu ảnh hưởng bởi 2 xu thế thời tiết khác nhau. Mưa tuyết ở Fansipan do gió thổi từ Trung Quốc về, trong khi đó Nam Bộ chịu tác động của các rãnh áp thấp nóng cũng như áp cao cận nhiệt đới gây nắng nóng diện rộng.
Về hiện tượng tuyết rơi bất thường trên đỉnh Fansipan sáng 18/2, ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân đợt tuyết rơi bất thường ở Fansipan không phải do nhiệt độ thấp ở khu vực này gây nên.
“Nhiệt độ đo được ở trạm khí tượng Lào Cai lúc 7h ngày 18/2 thấp nhất là 10,8 độ C, như vậy theo tính toán, nhiệt độ trên đỉnh Fansipan chỉ rơi vào khoảng 1 đến 1,5 độ C nên không thể gây ra tuyết rơi.
Nguyên nhân của đợt mưa tuyết lần này là do mưa tuyết xuất hiện ở Trung Quốc, bị gió thổi xuống Việt Nam, gặp dãy Hoàng Liên Sơn bị ma sát khiến tốc độ giảm xuống làm tuyết rơi ở Fansipan. Hiện tượng này cũng giống như hiện tượng tuyết rơi trên sa mạc mà thế giới đã ghi nhận”, ông Hải cho biết.
Còn về diễn biến bất thường của đợt mưa đá, dông lốc ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, ông Trần Quang Năng – Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục 24 - 26 độ Vĩ Bắc bị đẩy dịch về phía Nam bởi một khối không khí lạnh từ phía Bắc kết hợp với hội tụ trong rãnh gió Tây trên cao.
Bên cạnh đó, nền nhiệt độ chung ở các tỉnh Bắc Bộ thời gian qua khá cao, độ ẩm lớn trong khí quyển đã tạo điều kiện thuận lợi cho mưa dông phát triển mạnh.
Trong khi đó, lý giải nguyên nhân của đợt nắng nóng đỉnh điểm ở Nam Bộ, ông Lê Đình Quyết – Phó Trưởng phòng Dự báo – Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ cho biết, từ ngày 16/2, vùng áp thấp phía Tây có xu hướng mở rộng dần ra phía Đông thiết lập rãnh áp thấp có trục ở khoảng 4 – 27 độ vĩ Bắc.
Từ đêm 16 đến 18/2, rãnh áp thấp này bị nén về phía Nam vắt qua Bắc Bộ do áp cao lạnh lục địa tăng cường yếu lệch đông nén rãnh áp thấp nối với áp thấp nóng phía Tây về phía Bắc Bộ.
Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục vắt qua Trung và nam Trung Bộ suy yếu rút ra nhưng vẫn tác động chính đến thời tiết của Nam Bộ. Vì vậy, nắng nóng vẫn xuất hiện ở một số nơi trên khu vực các tỉnh miền Đông và TP.HCM trong những ngày qua, với nhiệt độ cao nhất dao động trong khoảng 35 – 36 độ C.
Trước những diễn biến thời tiết bất thường trong những ngày qua, các chuyên gia khí tượng dự báo mùa thiên tai năm nay sẽ diễn ra khó lường, phức tạp.