Vì sao Bất động sản CRV chưa lên sàn?
CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV vừa công bố BCTC kiểm toán bán niên, ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Trong bối cảnh sở hữu của TCH và HHS đã được pha loãng đáng kể, CRV được kỳ vọng sẽ là nhân tố mới trên sàn chứng khoán của hệ sinh thái Hoàng Huy.
Trong 6 tháng đầu năm tài chính 2023 – 2024, CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV ghi nhận doanh thu bán hàng 331 tỷ đồng, cao gần gấp 5 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế của CRV tăng 39% lên 206 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán bán niên, niên độ tài chính 2023-2024, ghi nhận doanh thu bán hàng 331 tỷ đồng, cao gần gấp 5 lần so với cùng kỳ. Khấu trừ thuế phí, lợi nhuận sau thuế của CRV tăng 39% lên 206 tỷ đồng.
Trong bối cảnh bất động sản gặp nhiều khó khăn những năm vừa qua, CRV là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành liên tục tăng trưởng và báo lãi lớn. Bên cạnh đó, CRV còn được biết đến là một trong những doanh nghiệp với sức khỏe tài chính tốt khi hầu như không ghi nhận nợ vay.
Tính đến ngày 30/9/2023, CRV vay 83 tỷ đồng, chiếm chưa tới 1% cơ cấu nguồn vốn. Ở chiều ngược lại, công ty này có 478 tỷ đồng tiền và tương đương với tiền, cùng với 4.085 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, được hạch toán dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn.
Bất động sản CRV có tiền thân là CTCP Thương mại Hưng Việt, được thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Tới năm 2007, công ty tăng vốn lên 160 tỷ đồng với sự tham gia của Tập đoàn Hoàng Huy và sớm có dự án nghìn tỷ đồng đầu tiên vào năm 2009, khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Golden Land Building tại 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Đơn vị này chính thức đổi tên thành CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV vào năm 2021 và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất đăng ký công ty đại chúng vào ngày 7/1/2022. Tới ngày 8/6/2022, Sở Chứng khoán TP HCM thông báo nhận hồ sơ niêm yết 672,4 triệu cổ phiếu CRV của doanh nghiệp này.
Điều 111 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký niêm yết như sau: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết đầy đủ và hợp lệ, sở giao dịch chứng khoán có quyết định chấp thuận niêm yết; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
Tuy vậy, đã hơn 17 tháng kể từ khi CRV nộp hồ sơ niêm yết lên HoSE, vẫn chưa có thêm bất cứ thông tin chính thức nào từ công ty này về việc cổ phiếu CRV có được chấp thuận hay không. Việc CRV nộp hồ sơ niêm yết là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn với giới đầu tư, khi Hoàng Huy là một trong những hệ sinh thái lớn trên thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại.
Tăng vốn phi mã
Trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu của HHS và TCH đã được pha loãng đáng kể, CRV được định hướng để trở thành nhân tố chủ lực trong mảng bất động sản của Hoàng Huy Group, bản thân giới chủ tập đoàn gốc Hải Phòng cũng bày tỏ kỳ vọng lớn vào công ty này.
Tính tới thời điểm hiện tại, CRV có vốn điều lệ 6.724 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn sở hữu gần 82% gồm CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH), CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) và CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang.
TCH là công ty mẹ nắm giữ hơn 51% vốn của HHS, trong khi Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang là công ty con của HHS với quyền biểu quyết gần 100%. CRV hiện được hạch toán là công ty con của TCH với tỷ lệ lợi ích 60,33%.
Trong quá trình hoạt động, Bất động sản CRV trải qua 10 lần tăng vốn. Trong đó tính từ 3/2020 - 12/2020, CRV có tổng cộng 6 lần chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 6.592 tỷ đồng.
Trong thời gian ngắn, CRV thu về gần 5.600 tỷ đồng vốn góp. Toàn bộ số tiền được sử dụng để đặt cọc, ứng trước quyền mua dự án Hoàng Huy - Sở Dầu, Hoàng Huy Commerce, Hoàng Huy Green River và Hoàng Huy New City của TCH.
Sau quá trình tăng vốn mạnh mẽ, lượng tiền mặt của CRV tăng lên rõ nét. Tại cuối năm tài chính 2020-2021, công ty có 141 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền và 3.251 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn. Đáng chú ý, trong năm 2020, CRV cho TCH vay 3.031 tỷ đồng. Tại ngày 31/3/3021, CRV cũng ghi nhận 2.860 tỷ đồng phải thu về cho vay từ TCH. Con số này giảm về còn 487 tỷ đồng 1 năm sau đó.
Giai đoạn 2021 – 2022 cũng là thời điểm TCH liên tục có những động thái chuyển giao tài sản cho CRV.
Vào tháng 10/2021, TCH chào bán thành công 200 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.800 đồng/CP, thu về gần 2.555 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, TCH sẽ dùng số tiền này để đầu tư vào 2 dự án trọng điểm ở thành phố Hải Phòng là Hoàng Huy Commerce (1.800 tỷ đồng) và Hoàng Huy Sở Dầu (755 tỷ đồng).
Sau nhiều lần thay đổi phương án sử dụng vốn, vào cuối tháng 11/2021, HĐQT TCH quyết định chuyển hướng sang góp vốn bổ sung vào CTCP Phát triển Nhà Đại Lộc (1.800 tỷ đồng) và CTCP Xây dựng Đại Thịnh Vượng (755 tỷ đồng).
Trước đó, TCH ngày 27/10/2021 đã thông qua hợp chuyển nhượng dự án Hoàng Huy Sở Dầu cho Đại Thịnh Vượng. Tới ngày 13/12/2021, TCH tiếp tục ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng một phần dự án Hoàng Huy Commerce (chung cư H1) cho Nhà Đại Lộc.
Ngày 28/12/2021, HĐQT TCH có nghị quyết về việc bán toàn bộ gần 106,5 triệu cổ phần, tương đương 99,99% vốn Đại Thịnh Vượng cho CRV với giá 1.270 tỷ đồng. Đến ngày 25/8/2022, HĐQT TCH tiếp tục có nghị quyết chuyển nhượng gần 182 triệu cổ phần, tương đương 99,99% vốn Đại Thịnh Lộc cho CRV, với mức giá 2.462 tỷ đồng, tương ứng 13.500 đồng/CP.
Việc sang tay 2 dự án tiềm năng ở trung tâm thành phố Hải Phòng cho CRV được ban lãnh đạo TCH lý giải là để nâng cao hiệu quả phát triển các dự án.
"TCH có định hướng tổ chức việc đầu tư dự án thông qua việc chuyển nhượng các dự án bất động sản (hoặc công ty dự án) cho công ty con là CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV để tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu bất động sản", Chủ tịch HĐQT TCH Đỗ Hữu Hạ cho biết trong biên bản các nghị quyết ngày 27/12/2021 và 25/8/2022.
Sau khi chi ra xấp xỉ 3.700 tỷ đồng mua lại 2 dự án lớn của TCH, Bất động sản CRV mạnh tay chi tiền trả cổ tức cho cổ đông.
Trong năm tài chính 2022-2023, công ty này chi 1.015 tỷ đồng trả cổ tức, cao gấp 2,3 lần lợi nhuận sau thuế cả năm, trong đó, TCH nhận về 386,7 tỷ đồng, HHS nhận 357 tỷ đồng, Hoàng Giang nhận 85,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm tài chính 2023-2024, CRV cũng chi ra 403 tỷ đồng trả cổ tức, cao gần gấp đôi so với khoản lãi 206 tỷ đồng đạt được.
Tập đoàn Hoàng Huy khởi đầu là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Huy, được thành lập từ năm 1995, chuyên về sản xuất lắp ráp và phân phối xe đạp, sau đó mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh ô tô, xe tải và bất động sản.
Năm 2012, Hoàng Huy đưa cổ phiếu HHS lên sàn. Sau khi thắng lớn giai đoạn 2014 - 2016 khi đón đầu chính sách siết tải trọng cũng như ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe tải từ Trung Quốc, HHS chính thức lọt vào rổ VN30 vào tháng 7/2015 và trụ lại ở đây gần 1 năm.
Cơ cấu sở hữu của HHS chứng kiến nhiều biến động sau 1 năm có mặt ở nhóm VN30. ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 (25/6/2015) ghi nhận gần 84% cổ đông tham dự, con số này giảm về 55,28% ở ĐHĐCĐ bất thường 2016 (22/7/2016).
Thời điểm cổ phiếu HHS rơi ra khỏi rổ VN30 cũng là lúc mà TCH rục rịch niêm yết. Ngày 5/10/2016, 330 triệu cổ phiếu TCH chính thức chào sàn, giúp Chủ tịch Đỗ Hữu Hạ khi đó lọt vào Top 10 người giàu nhất TTCK với khối tài sản 2.500 tỷ đồng, định giá qua HHS và TCH.
TCH mất gần 4 năm để gia nhập VN30 từ tháng 8/2020 và rơi ra khỏi nhóm này vào 8/2021. Như đã nhắc tới ở phần đầu bài viết, cùng với giai đoạn bùng nổ của thị trường chứng khoán, TCH tiến hành chào bán 200 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn lên 6.187 tỷ đồng vào tháng 10/2021.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ cấu sở hữu của cả HHS và TCH đã được pha loãng đáng kể. Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 3/2023, HHS ghi nhận 33 cổ đông tham dự trong số 17.747 cổ đông có quyền dự họp, đại diện cho 51,632% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi ĐHĐCĐ thường niên của TCH tổ chức hồi tháng 7/2023 vừa qua có sự tham dự của 81/38.320 cổ đông, đại diện cho 53,31% vốn điều lệ công ty.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vi-sao-bat-dong-san-crv-chua-len-san-post29573.html