Vì sao bến xe to nhất Đông Nam Á lại vắng như 'chùa bà Đanh'?
Bến xe Miền Đông mới (TP.Thủ Đức, TP.HCM) sau gần 2 năm đi vào hoạt động vẫn vắng vẻ trong khi bên ngoài xe khách nhộn nhịp đón khách dọc đường.
Ngày 18/7, ghi nhận của PV tại bến xe Miền Đông mới (BXMĐ), khung cảnh xung quang đìu hiu vắng lặng không một hành khách. Quầy bán vé trống trải không có nhân viên, chỉ có bảo vệ ở hai đầu bến. Dưới hầm xe rộng lớn chỉ lác đác vài chiếc xe máy của nhân viên và ngay cạnh hầm là một bãi xe đầy ô tô khách nhưng trống không, bám bụi.
Trong vắng, ngoài đông
Theo một bảo vệ, bến xe vắng vẻ từ lúc khai trương chứ không phải mới đây. Các nhà xe được quy định đón khách tại bến xe mới đều làm thủ tục xuất phát tại bến mới và trung chuyển khách từ bến xe cũ nhưng ít có hành khách chịu đến bến mới mà hẹn đón khách bến cũ hoặc dọc đường.
Quan sát của PV bên ngoài bến xe chừng 30 phút có tới hàng chục xe khách chạy “qua mặt”. Đơn cử là nhà xe Trung Trần Hòa chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Nam; nhà xe Xuân Tuấn chạy tuyến Sài Gòn - Tuyên Quang… Trong đó, nhà xe Hoàng Long chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội đón khách ngay trước cổng bến xe chứ không chạy vào bến theo quy định.
Một điểm mà xe khách hay dừng chờ đón khách dọc đường là Suối Tiên, cách BXMĐ mới 2km. Lúc 10h PV ghi nhận nhà xe Kia Long có BS: 14F - 001.37 chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Ninh đậu xe cả nửa tiếng để chờ đón khách. Cũng khu vực này nhiều xe Limousine hãng xe Hoa Mai cũng dập dìu đón trả khách.
Không xa điểm này là điểm đón khách trước cổng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Đây là điểm đón quen thuộc của các bạn sinh viên ở làng đại học.
Bạn Nguyễn Minh Hải, sinh viên trường ĐH Nông Lâm cho biết : “Nhà xe thường hẹn chúng em đón tại đây vì tiện đường, không phải vòng ra bến xe Miền Đông mới. Trước khi đón, nhà xe điện trước để chuẩn bị đến đúng giờ, xe đến chỉ mất vài giây là leo lên. Nhà xe cũng chiều khách khi không tính phí hàng hóa, ngoại trừ những ngày lễ, Tết”.
Trái ngược với cảnh đìu hiu ở bến mới là cảnh đông đúc, nhộn nhịp ở bến cũ và các bến tự phát vẫn ngày đêm hoạt động. Đơn cử là bến không phép 391 đường Đinh Bộ Lĩnh đối diện bến xe Miền Đông cũ và bãi xe Đệ Nhất, trạm xăng dầu Huệ Thiên trên đường QL13, P.Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức... Những bến này cơ quan chức năng đã xử phạt nhiều lần, nhiều năm nhưng bến vẫn lén lút hoạt động.
Dùng dằng giữa bến cũ và mới
Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới có diện tích hơn 16 hecta, rộng gấp ba lần so với BXMĐ cũ, quận Bình Thạnh. Đây là bến xe có quy mô lớn nhất nước và được lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại.
Theo tính toán của nhà đầu tư, đầu năm 2021, khi người dân quen dần với việc đi đến bến xe mới thì lượng xe và khách tại đây sẽ ổn định. Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động nhưng bến mới vẫn đìu hiu khách.
Dù đã có quy định, các tuyến cố định đi từ BXMĐ cũ đến các bến xe từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc phải di dời sang BXMĐ mới (từ tháng 3/2021) nhưng hiện tại nhiều nhà xe vẫn hẹn và đón khách tại BXMĐ cũ.
Về vấn đề này, ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho biết, bến xe đã di dời 24 tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc sang BXMĐ mới. Hiện những tuyến này không còn hoạt động tại bến cũ trừ trường hợp xe trung chuyển. Lúc đầu bến xe có hỗ trợ một thời gian cho các xe thuộc tuyến này đón khách ở bến cũ để khách quen với việc đi lại. Tuy nhiên vẫn có một số nhà xe cố tình hẹn khách ở một vài điểm lân cận bến.
Theo các chuyên gia, sở dĩ BXMĐ mới vắng khách là do việc di dời bến xe cũ chưa hoàn thiện, người dân vẫn có thể đến BXMĐ cũ để đi lại. Đồng thời, hạ tầng, dịch vụ giao thông công cộng đến bến xe mới vẫn còn hạn chế. Hơn nữa, hiện xe dù, bến cóc, các bến xe tư nhân vẫn hoạt động nhộn nhịp, người dân đi lại được đưa đón tận nhà nên không có nhu cầu đến bến xe.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô TP.HCM cho rằng TP nên di dời hết các bến cũ sang bến mới chứ không phải chỉ có hơn 20 bến như hiện nay. Trước khi di dời BXMĐ mới phải chuẩn bị hết các dịch vụ đầy đủ để phục vụ hành khách. Đồng thời hệ thống trung chuyển phải tốt như xe buýt, vận tải công cộng và giá cước trung chuyển xem lại chi phí để hỗ trợ cho hành khách, tình trạng “xe dù, bến cóc” phải dẹp triệt để.
Không chờ kết nối giao thông hoàn chỉnh
Theo quy hoạch của thành phố, các tuyến đường lân cận kết nối với BXMĐ mới sẽ được mở rộng, hoàn thành cùng lúc đưa bến xe mới vào hoạt động. Đồng thời, hầm chui, cầu vượt trước bến và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đưa vào hoạt động sẽ tăng tính kết nối khu vực này. Tuy nhiên, hiện tại các công trình cầu vượt, hầm chui để qua lại hai bên đường vẫn chưa có.
Do đó, muốn đi từ cổng trước bến này về phía trung tâm TP, xe cộ buộc phải chạy đến nút giao Tân Vạn cách đó khoảng 2km để quay đầu hoặc phải vòng ra phía sau bến rồi đi đường Hoàng Hữu Nam cũng dài hơn 1km.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM thừa nhận, hiện nay BXMĐ trung bình một ngày chỉ có 65 hành khách, và khoảng 9 xe xuất bến giảm 95% so với trước khi có dịch (trước đó là 706 hành khách).
Theo ông Hưng, sắp tới Sở GTVT cùng với chủ đầu tư (công ty Samco) sắp xếp lại tăng cường kết nối xe buýt, có thêm tuyến xe buýt kết nối từ BXMĐ cũ sang bến mới, yêu cầu các tuyến phải đón trả tại sảnh bến để người dân đi lại thuận tiện. Đồng thời đề nghị các tuyến xe buýt này cho người dân kèm vận chuyển hàng hóa miễn phí (dưới 10 kg). Ngoài ra, Vinbus cũng có kế hoạch đưa thêm 2 tuyến xe buýt điện vào BXMĐ mới hoạt động.
Về tình trạng “xe dù bến cóc”, Sở có chỉ đạo thanh tra phải tăng cường xử lý. Thời gian qua đã xử 183 trường hợp vi phạm nhưng chưa đủ, Sở sẽ xử lý thêm bằng camera phạt nguội, lên kế hoạch đầu tư camera.
Bến xe Miền Đông mới nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức (quận 9 cũ), cách trung tâm TP.HCM khoảng 20km. Bến xe mới được đầu tư quy mô, hiện đại nhất nước và cũng thuộc vào loại tầm cỡ ở khu vực Đông Nam Á với vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm đi vào hoạt động vẫn vắng vẻ, khách đến bến thưa thớt trong khi bên ngoài xe khách nhộn nhịp đón khách dọc đường và tại các bến tự phát…