Vì sao bóng bay nổ lại khiến nhiều học sinh ở Thanh Hóa bị bỏng?

Chùm bóng bay phát nổ tại buổi lễ khai giảng tại một trường tiểu học ở Thanh Hóa đã làm 10 học sinh bị bỏng phần tay, vùng mặt. Theo Ths.Bs Dương Trung Hiếu, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh...

Ảnh minh họa: SK&ĐS

Ảnh minh họa: SK&ĐS

Theo ông Trịnh Hữu Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Yên Phú (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trong số 10 học sinh (gồm 7 nữ, 3 nam) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định, chiều 5/9 có 1 em được xuất viện về nhà.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Yên Phú cho biết thêm, lễ khai giảng sáng cùng ngày, trường chuẩn bị hai chùm bóng bay để trang trí ở hai bên cánh gà. Tuy nhiên, cuối buổi lễ, có nhiều học sinh chạy lại phía khán đài tháo bóng bay để chơi. Lúc này, thầy giáo L.H.C đi qua, tay cầm điếu thuốc lá không may quệt phải làm chùm bóng bay phát nổ.

Trước đó, nhiều vụ tai nạn tương tự đã xảy ra, nguyên nhân gây bỏng là những chùm bóng bay bơm khí hydro đầy màu sắc phát nổ.

Không ít nạn nhân được đưa vào viện trong tình trạng hốt hoảng, sợ hãi, bỏng ở mặt, cổ, tay, khuôn mặt trợt đỏ, mùi khét lẹt do tóc và lông mi bị cháy... Thậm chí, có vụ việc bóng bay trong ô tô phát nổ khiến gương kính của chiếc xe vỡ vụn.

Điển hình như trường hợp cháu Đ.N.M.C (9 tuổi, địa chỉ ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang) nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang hồi cuối tháng 2/2023, trong tình trạng hốt hoảng, sợ hãi, bỏng ở mặt, cổ và một phần bàn tay phải, khuôn mặt trợt đỏ, mùi khét lẹt do tóc và lông mi bị cháy.

Theo lời mẹ C kể lại, cháu được người thân mua cho bóng bay được bơm khí Hydro tại cổng trường và khi chơi nghịch quả bóng ở nhà thì đột nhiên quả bóng phát nổ khiến cháu bị thương. Ngay sau đó, C được mẹ đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu và điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực–Chỉnh hình-Bỏng.

Theo Ths.Bs Dương Trung Hiếu, Khoa Ngoại lồng ngực Chỉnh hình-Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn nhiệt hoặc cọ xát nhiều cũng khiến nó phát nổ.

Đặc biệt, khí hydro bị nén trong bóng bay khi phát nổ sẽ tỏa nhiệt rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay.

Ngọc Nga (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/vi-sao-bong-bay-no-lai-khien-nhieu-hoc-sinh-o-thanh-hoa-bi-bong-post486978.html