Vì sao cải cách lương hưu ở Pháp gây tranh cãi ?

Chính phủ Pháp vừa sử dụng quyền hiến pháp đặc biệt để thúc đẩy dự luật cải cách hệ thống hưu trí mới, qtrong đó có điểm gây tranh cãi nhất là nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện. Cuộc đại tu hưu trí đã vấp phải các cuộc biểu tình và đình công lan rộng trên khắp quốc gia châu Âu có 68 triệu dân này.

Chiến thuật “49.3”

Theo dự luật, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng dần lên từ ngày 1.9.2023 với tỷ lệ tăng là 3 tháng cho mỗi năm tuổi. Tới năm 2027, tuổi nghỉ hưu sẽ là 63 và ở mức 64 tuổi vào năm 2030. Để được hưởng chế độ hưu trí đầy đủ, kể từ năm 2027, người lao động Pháp sẽ phải có thời gian làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đủ 43 năm hoặc 44 năm đối với những người lao động trước tuổi 15, nghĩa là đều tăng hơn 2 năm so với quy định hiện nay. Những trường hợp không đủ thâm niên công tác sẽ phải làm việc đến năm 67 tuổi.

Dự luật cũng chấm dứt các chế độ nghỉ hưu sớm đối với người lao động trong một số lĩnh vực và tổ chức như ngành đường sắt, điện, khí đốt, Ngân hàng Trung ương Pháp... Những người từng làm việc ở “những vị trí nguy hiểm” - như cảnh sát và lính cứu hỏa sẽ được nghỉ hưu sớm hơn ở độ tuổi 62. Chính phủ tin rằng, hệ thống hưu trí đang thâm hụt khoảng 17 tỷ euro của Pháp có thể cân bằng trở lại vào năm 2030.

Trước đó, dự luật dễ dàng được thông qua tại Thượng viện Pháp, nhưng lúc đó không ai dám chắc nó sẽ được bật đèn xanh tại Hạ viện. Chính vì thế, sau khi tham khảo ý kiến với Tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Elyseé, Thủ tướng Elisabeth Borne đã thông báo trước Hạ viện hôm 16.7 rằng, Chính phủ Pháp sẽ căn cứ vào Điều 49.3 trong Hiến pháp (Điều 49, mục 3), cho phép thông qua dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Hạ viện, trừ khi Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ để phủ quyết động thái này. Theo bà, “đây là cải cách cần thiết” và “chúng ta không thể đặt cược tương lai vào lương hưu của mình”.

Một số nhóm đối lập, bao gồm cả đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc của bà Marine Le Pen, cho biết đang chuẩn bị cho kiến nghị đòi bỏ phiếu bất tín nghiệm Chính phủ. Trên Twitter, bà viết “sau cái tát mà Thủ tướng vừa dành cho người dân Pháp, bằng cách áp đặt một cuộc cải cách mà họ không muốn, tôi nghĩ rằng bà Elisabeth Borne nên ra đi” và đây cũng là “thất bại toàn tập” của Tổng thống Macron. Nếu kiến nghị do phe đối lập khởi động nhận được đa số ủng hộ, Chính phủ sẽ sụp đổ và dự luật không được thông qua. Tuy nhiên, theo ông Renaud Foucart- giảng viên cao cấp về kinh tế tại Đại học Lancaster, các nhà lập pháp khó có thể bỏ phiếu theo đa số để giải tán Hạ viện và tổ chức bầu cử sớm. Dự luật sau đó sẽ được đưa ra Tòa án Hiến pháp và rất có thể sẽ trở thành luật. Thực tế, Chính phủ của Thủ tướng Borne từng sống sót sau nhiều cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vì các đảng đối lập không đủ đoàn kết để đạt được đa số.

Ngay sau thông báo của Thủ tướng, các lãnh đạo liên đoàn lao động Pháp kêu gọi những cuộc biểu tình mới ở Quảng trường Concorde tại Thủ đô Paris và một số thành phố khác của Pháp. Họ cho rằng, việc thay đổi ngưỡng tuổi nghỉ hưu gây bất công cho phụ nữ và những người kém may mắn nhất, đặc biệt là những người bắt đầu đi làm sớm mà không học đại học, làm việc chân tay và thu nhập thấp. Những người phản đối thậm chí cho rằng, Tổng thống Macron đang tấn công quyền nghỉ hưu.

Ông Laurent Berger, người đứng đầu CFDT, một trong những công đoàn dẫn đầu các cuộc biểu tình, viết lên Twitter rằng, “bằng cách viện dẫn Điều 49.3, Chính phủ chứng tỏ họ không thể kiếm đủ phiếu để thông qua việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp pháp”. Ông Philippe Martinez, người đứng đầu công đoàn CGT, thậm chí còn đánh giá, động thái mới của Chính phủ sẽ đồng nghĩa với việc “trao chìa khóa Điện Elyseé” cho bà Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2027.

Thực tế, nhiều cuộc biểu tình lớn được tổ chức thường xuyên trên khắp nước Pháp kể từ giữa tháng 1, với hàng triệu người lên tiếng phản đối kế hoạch cải cách hưu trí. Các cuộc đình công hàng loạt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các phương tiện giao thông, trường học, nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân, khu vực công…, trong khi ở nhiều khu vực thuộc Thủ đô Paris, rác thải không được thu gom chất đống trên đường phố.

Cải cách khó khăn

Cải cách hệ thống hưu trí ở Pháp, nơi quyền được nghỉ hưu với lương hưu đầy đủ ở tuổi 62 được trân trọng sâu sắc, luôn là vấn đề rất nhạy cảm, nhất là trong tình hình hiện nay, khi mà bất mãn xã hội gia tăng do chi phí sinh hoạt phi mã.

Là một trong những quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong thế giới công nghiệp hóa, Pháp cũng chi nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác cho lương hưu, ở mức gần 14% sản lượng kinh tế, theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Năm 2021, ngân sách hưu trí chiếm 13,8% GDP của Pháp, mức khá cao trong Liên minh châu Âu (EU) và cao hơn nhiều so với mức 11,67% GDP năm 2002.

Ông Macron thúc đẩy thay đổi đối với hệ thống hưu trí kể từ khi được bầu làm tổng thống vào năm 2017, như một cách để củng cố vị thế tài chính của một xã hội đang già đi và giữ cho nước Pháp có tính cạnh tranh. Theo OECD, tuổi thọ trung bình ở Pháp đã tăng khoảng ba năm trong hai thập kỷ qua. Vì thế, Tổng thống Macron và các đồng minh lập luận, tuổi nghỉ hưu ở Pháp cần phải phản ánh sự gia tăng đó nếu đất nước muốn duy trì hệ thống phúc lợi dựa trên cơ sở đủ lớn những người đóng góp trong độ tuổi lao động. Thay đổi sẽ đưa Pháp phù hợp với các nước láng giềng châu Âu, hầu hết trong số đó đã tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi trở lên. Theo Chính phủ Pháp, năm 2000, cứ một người về hưu ở nước này thì có 2,1 người lao động đóng tiền vào quỹ lương, song đến năm 2020, tỷ lệ đó giảm xuống còn 1,7. Và vào năm 2070, tỷ lệ này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,2, theo các dự báo chính thức. Hơn nữa, tăng tuổi hưu là để “cân bằng các tài khoản mà không tăng thuế hoặc cắt giảm lương hưu”, theo lời phát ngôn viên chính phủ Olivier Veran.

Đảng Phục hưng của Tổng thống Macron khẳng định, cải cách hệ thống lương hưu là cần thiết để duy trì nó lâu dài trong tương lai, nếu không thâm hụt sẽ tăng lên khi dân số già đi. Theo CNBC, Hội đồng Tư vấn hưu trí của Pháp cho hay, quỹ lương hưu nước này có mức thâm hụt hàng năm dự kiến là 10 tỷ euro (10,73 tỷ USD) mỗi năm từ năm 2022 đến năm 2032. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, phần lớn công chúng (chiếm tới 3/4) phản đối nâng tuổi nghỉ hưu. Họ tin rằng có nhiều cách để cân bằng tài chính cho quỹ lương hưu, chẳng hạn như đánh thuế nhiều hơn đối với người giàu.

Liên minh trung dung của Tổng thống Macron mất thế đa số tại Hạ viện trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 6.2022. Kể từ đó, Chính phủ của ông sống sót sau một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và từng phải sử dụng quyền Hiến pháp đặc biệt “49.3” để thông qua ngân sách năm 2023.

Những khó khăn trong cải cách hưu trí là dấu hiệu cho thấy, chương trình nghị sự nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Macron đã trở nên phức tạp như thế nào. Liên minh trung dung của ông có 250 nghị sĩ nên liên minh này cần phải giành được sự ủng thêm từ các chính trị gia đối lập để đạt được 289 phiếu bầu, hoặc thuyết phục một số người bỏ phiếu trắng để bảo đảm đa số.

Việc thông qua dự luật cải cách hưu trí mà phải vận dụng điều 49.3 là đòn giáng mạnh vào tổng thống. Nó đặt ra câu hỏi về khả năng giành được sự ủng hộ từ các đảng khác cho những cải cách tiếp theo mà ông từng cam kết, từ nhập cư đến chống biến đổi khí hậu.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/vi-sao-cai-cach-luong-huu-o-phap-gay-tranh-cai--i319074/