Vì sao cán bộ không dám nói?

Không khó để nhận ra: Hiện nay, một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ trẻ còn không dám nói, chứ huống hồ là dám nói thẳng, nói thật. Thậm chí, khi gặp cấp trên, không ít cán bộ thường có tâm lý sợ sệt, lảng tránh. Cũng vì sợ cấp trên nên không ít cán bộ ngại nói, rồi sợ nói, cuối cùng không nói.

Nguyên nhân khách quan của hiện tượng trên trước hết là do người đứng đầu, cán bộ cấp trên ở nơi ấy thường có biểu hiện độc đoán, gia trưởng, dọa dẫm, ức hiếp cấp dưới, nhân viên. Có nghĩa là trong cuộc sống, công tác, cấp trên thường nạt nộ, dọa dẫm cấp dưới và nhân viên, lại ứng xử theo kiểu “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, khiến cán bộ cấp dưới ngại tiếp xúc, ngại nói, không dám đề xuất.

 Lễ kết nạp Đảng viên. Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Lễ kết nạp Đảng viên. Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Thế nhưng, nguyên nhân chủ quan mới là yếu tố quyết định. Đó là tâm lý, bản lĩnh của cán bộ, đảng viên chưa kiên định, vững vàng. Họ sợ cấp trên bởi nhỡ đâu “phạm húy”, bị ghét bỏ, bị trù dập, ảnh hưởng đến công việc và sự nghiệp về sau. Bởi thế, một số cán bộ dù rất tốt nhưng vẫn phải dấm dúi, nịnh nọt; số khác chủ ý "giữ khoảng cách" với cấp trên; số khác nữa chọn phương án “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để yên thân, an phận.

Bởi thế mới có chuyện, ở một số địa phương, ai cũng biết nhà ông cán bộ nọ giàu có đến độ bất thường; con ông cán bộ kia hết học trong nước, thì được "tạo điều kiện" đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài; rồi nữa là chuyện cán bộ bổ nhiệm người thân, con cái một cách thần tốc, bất chấp các quy định trong công tác cán bộ... Những câu chuyện như thế trong đời sống xã hội ai cũng biết, cũng thấy, nhưng chính trong nội bộ lại không dám nói lên sự thật hoặc đấu tranh. Người “ranh mãnh” thì cổ xúy, “theo đóm ăn tàn”; người có tâm thì chỉ đành im lặng; số khác lại biểu quyết ủng hộ “chủ trương sáng suốt” của cấp trên, dù lòng dạ cũng không ít nỗi niềm trăn trở. Vậy nên mới sinh ra câu chuyện các quan lớn bị xử lý kỷ luật, bị đưa ra tòa, dính vào lao lý... không phải do nội bộ phát hiện, đấu tranh, mà chính là nhờ báo chí vào cuộc, quần chúng phát giác, tố giác, hoặc cơ quan kiểm tra, giám sát có thẩm quyền “sờ gáy”, phanh phui.

Thực tế trên rất đáng lo ngại, đang hằng ngày, hằng giờ kết thành môi trường thiếu sạch sẽ, giúp chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực nảy nở, sinh trưởng. Điều đó cũng làm suy yếu tổ chức, làm mục ruỗng nội bộ, dẫn đến nhiều nguy cơ và hệ lụy khôn lường. Vậy nên, việc Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Kết luận số 14-KL/TW là rất đúng đắn, hợp lòng dân.

Vì vậy, để Kết luật số 14-KL/TW thực sự đi vào cuộc sống, tới đây mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi cho rằng, trước hết Trung ương và mỗi cấp phải bằng mọi giá làm sao tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ dám nói, dám bày tỏ chính kiến của mình. Bởi, phải dám nói thì mới có chuyện dám nói thẳng và có nói thẳng thì mới có làm thật!

Thương binh NGUYỄN TẤN TỚI

(68 tuổi, cán bộ hưu trí ở xã Long Hiệp, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/vi-sao-can-bo-khong-dam-noi-673346