Vì sao chúng ta nên thay mới đồ lót nhiều nhất là 6 tháng/ lần?
Xu hướng 'bền vững' đang lấn sân ở khắp các lĩnh vực, đặc biệt là thời trang, nhưng có một thực tế là không phải sản phẩm thời trang nào cũng có thể dễ dàng đi theo xu hướng này, đặc biệt với đồ lót. Lý do đơn giản, đây là loại trang phục được khuyến cáo thay mới nhiều nhất là 6 tháng/lần.
Món đồ không thể dùng từ mùa này sang mùa khác
Với quy luật xoay vòng của thời trang, bạn có thể mặc lại chiếc áo khoác, áo len, hoặc chiếc quần jeans mua từ 5 năm trước, nếu bạn vẫn giữ được nó không quá cũ… nhưng đồ lót thì không thể.
Vì lý do vệ sinh cá nhân, các chuyên gia y tế và chuyên gia thời trang khuyên chúng ta nên thay mới đồ lót từ 4 - 6 tháng/ lần. Và cũng không giống như những chiếc áo khoác hay đồ thời trang khác, bạn có thể cho đi khi không mặc nữa, nhưng đồ lót thì đương nhiên bỏ là bỏ, vứt đi luôn, chẳng ai lại đi mặc lại đồ lót của người khác cả.
Thế nên, “hạn sử dụng” của đồ lót cho dù không được ghi trên nhãn mác thì cũng luôn cực kỳ ngắn. Chúng nhanh chóng trở thành rác thải khi bị vứt đi. Hãy tưởng tượng 7 tỉ người trên Trái Đất mỗi 6 tháng lại thay đồ lót một lần, lượng đồ lót bị thải ra nhiều khủng khiếp như thế nào?
Vậy có thể làm sản phẩm đồ lót bền vững không?
Hoàn toàn có thể, theo nghiên cứu thị trường năm 2019 của Edited, thị trường đồ lót bền vững chiếm khoảng 2,4% tổng sản phẩm may mặc bền vững. Sử dụng đồ lót bền vững không có nghĩa là bạn sẽ dùng lại đồ lót cũ, hoặc mua lại đồ lót cũ, bạn vẫn mua sắm được đồ lót mới nhưng được may bằng nguyên liệu tái chế (có thể từ chính đồ lót cũ của bạn), hoặc sử dụng sợi vải thân thiện với môi trường.
Tiến sĩ Timo Rissanen, Phó Giám đốc của Trung tâm thiết kế và môi trường Tishman thuộc Parsons - trường Nghệ thuật của New York, chuyên gia về thời trang bền vững, cho rằng: "Hầu hết đồ lót là hỗn hợp của sợi tự nhiên và sợi tổng hợp, việc tái chế sẽ không đơn giản. Các hãng thời trang sẽ phải đưa ra lựa chọn, nên dùng công nghệ tái chế, hay chọn sợi vải có khả năng phân hủy tốt nhất có thể.”
Đây thực sự là một thách thức, vì tái chế không đơn giản, mất rất nhiều chi phí, còn dùng sợi vải có khả năng phân hủy nhanh thì đồ lại nhanh hỏng và nhanh cũ, có thể sẽ khiến khách hàng không hài lòng. Chưa kể tâm lý của người tiêu dùng với những món đồ cá nhân này thường rất khắt khe, họ thường có cảm giác không an toàn với sản phẩm đồ cá nhân tái chế.
Một số thương hiệu thời trang như Reformation và Everlane đã đưa ra các dòng đồ lót của riêng họ, ưu tiên sử dụng các chất liệu như tencel - một loại sợi có nguồn gốc từ thực vật được sử dụng trong rất nhiều trang phục, giúp tăng cường khả năng thoáng khí của quần áo, và họ cũng sử dụng cả ren tái chế và lưới sinh thái vào các sản phẩm đồ lót. Tức là các hãng này chọn kết hợp cả hai phương pháp để sản xuất đồ lót bền vững.
Trong khi đó, một loạt các thương hiệu đồ chíp và đồ mặc nhà, đồ basic mặc sát cơ thể đã tăng gấp đôi cam kết của họ đối với sự bền vững. Hanky Panky, một thương hiệu Mỹ đã tồn tại từ năm 1977, đã sử dụng sợi bông được chính họ trồng hữu cơ để sản xuất đồ lót và quần áo ngủ, giảm thiểu được chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu.
Năm 2018, công ty đã triển khai chương trình lingeriecycle thu gom các sản phẩm đồ lót để tái chế. Parade, công ty khởi nghiệp đồ lót do Cami Téllez, 22 tuổi, đồng sáng lập vào năm 2019, cũng sử dụng các loại sợi tái chế khác nhau để sản xuất nylon nguyên chất cho đồ lót của họ, kể cả bao bì cũng có thể phân hủy thông thường và phân hủy sinh học trong vòng chưa đầy một năm.
Đồ lót bền vững có đắt không?
Câu trả lời là hoàn toàn không, ví dụ như Reformation và Everlane là hai hãng thời trang có sản phẩm với giá cả rất bình dân, rất nổi tiếng với các sản phẩm bền vững, hai hãng này cũng được nhóm stylist của phim Hạ Cánh Nơi Anh chọn sử dụng nhiều sản phẩm cho trang phục của các diễn viên trong phim. Chúng ta cũng nên bỏ qua suy nghĩ đồ tái chế là đồ kém chất lượng, hoặc đồ cũ, vì cho dù là sản phẩm tái chế, nó cũng đã được xử lý và làm mới rất kỹ, thậm chí bạn sẽ không thể nhận ra đó là đồ tái chế nếu không đọc nhãn mác hoặc được người bán hàng giới cho biết.
Chúng ta cũng không nên xem việc dùng đồ lót bền vững là một xu hướng nhất thời, mà nên biến nó thành một thói quen mua sắm, không chỉ đồ lót mà còn với tất cả các món đồ thời trang khác. Những hành động nhỏ từ ý thức của từng người sẽ tạo nên tác động lớn với môi trường trong tương lai, hãy luôn lựa chọn cách sống bảo vệ môi trường bạn nhé, ngay từ việc lựa chọn đồ lót.