Vì sao Copenhagen là thành phố của người đi xe đạp?

Những năm gần đây, Copenhagen (Đan Mạch) luôn nằm trong top 5 thành phố tốt nhất thế giới dành cho người đi xe đạp. Người dân ở đây rất tự hào về việc di chuyển bằng xe hai bánh của họ.

Đi xe đạp là một cách sống

Các thành phố trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tác động của hàng thập kỷ quy hoạch thành phố theo định hướng xe hơi: tắc nghẽn, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ít hoạt động thể chất, khí thải CO2 và không gian công cộng kém hấp dẫn. Đi xe đạp là một cách thức quan trọng góp phần giải quyết những thách thức này.

Một làn đường xe đạp ở Copenhagen vào một buổi trưa tháng 4/2022. Ảnh: Lê Lam

Một làn đường xe đạp ở Copenhagen vào một buổi trưa tháng 4/2022. Ảnh: Lê Lam

Những năm gần đây, Copenhagen luôn nằm trong top 5 thành phố tốt nhất thế giới dành cho người đi xe đạp và người dân ở đây rất tự hào về việc di chuyển bằng xe hai bánh của họ. Bà Sophie Hæstorp Andersen, nữ Thị trưởng Copenhagen tâm sự: “Đối với người dân Copenhagen, đi xe đạp là một cách sống và chúng tôi tự hào được gọi là thành phố đi xe đạp tốt nhất thế giới (2019).”

Với dân số khoảng 644 ngàn người (2021), Copenhagen có 675.000 xe đạp, trong khi chỉ có 120.000 ô tô, tức số xe đạp nhiều hơn gấp 5 số ô tô. Gần 1/3 (29%) các cuộc hành trình trên khắp Copenhagen và 41% số chặng đường đi làm hoặc đi học được thực hiện bằng xe đạp. Còn với những người sống và làm việc hay học tập tại Copenhagen, tỷ lệ đó thậm chí tới 62%, với ước tính khoảng 1,44 triệu km mỗi ngày.

Sự gia tăng của việc đi xe đạp trong thập kỷ qua ở Copenhagen là kết quả của sự đầu tư liên tục vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp, với hơn 40€ bình quân theo đầu người. Sự đầu tư đáng kể đó không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người dân khi ngày càng có nhiều người sử dụng xe đạp, một hình thức tập thể dục tuyệt vời, ít chịu tác động, tăng cơ bắp, chắc xương và tăng cường sức khỏe tim mạch. Mặt khác nó còn đem đến những lợi ích lớn về kinh tế.

Số liệu cho thấy mỗi khi ai đó đạp xe 1 km ở Copenhagen, thành phố thu được 4,80 krone (tương đương khoảng 0,75 USD). Nếu chuyến đi đó thay thế cho một hành trình bằng ô tô, mức lợi tăng lên 10,09 krone/km (khoảng 1,55 USD). Và với 1,4 triệu km được đạp xe mỗi ngày, thành phố được lợi từ 1,05 triệu USD đến 2,17 triệu USD ngày.

Những lợi ích này đến từ nhiều nguồn, bao gồm thời gian đi làm ngắn hơn do giảm - hoặc thậm chí loại bỏ - tắc nghẽn giao thông và giảm thời gian nghỉ ốm. Theo Hiệp hội Xe đạp Đan Mạch, chi tiêu bán lẻ cũng tăng lên. Khoảng 1/3 tổng chi tiêu ở các phố cao cấp và siêu thị đến từ những người đã đến cửa hàng bằng xe đạp.

Cùng với những lợi ích kinh tế và xã hội kéo theo, sự hấp dẫn của thành phố xe đạp Copenhagen cũng đã tạo nên nguồn cảm hứng cho các thành phố khác trên thế giới khuyến khích người dân đi xe đạp nhiều hơn.

Ở Paris, các kế hoạch đang được hình thành để khuyến khích nhiều người hơn đi xe hai bánh. Hiện tại, xe đạp chỉ chiếm 3% tổng số hành trình của người dân Paris, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ được thấy ở Bắc Âu. Thủ đô Helsinki của Phần Lan cũng đang noi gương Copenhagen trong việc thiết kế làn đường cho xe đạp ở thành phố này.

Trung Quốc cũng đang tìm cách hồi sinh việc đi xe đạp. Thành phố Hạ Môn đã xây dựng một con đường trên cao dài 7,6 km dành cho xe đạp. Đây là con đường đạp xe trên cao dài nhất thế giới - được một kiến trúc sư Đan Mạch từng khai sinh nhiều đường đạp xe mang tính biểu tượng của Copenhagen, thiết kế.

Cơ sở hạ tầng đơn giản, an toàn

Điều gì khiến người dân Copenhagen thích đi xe đạp hàng ngày, bất chấp điều kiện thời tiết? Đó chính là nhờ vào cơ sở hạ tầng giao thông đơn giản, an toàn và kết nối cao. Đạp xe qua Copenhagen (và xa hơn nữa) bạn sẽ nhận thấy rằng, dù trong bất kể hoàn cảnh nào, đi xe đạp khá dễ dàng vì tính đơn giản của nó.

Hạ tầng dành cho xe đạp xuất hiện theo bốn kiểu cơ bản: đường phố an toàn, làn đường dành cho xe đạp được sơn kẻ, đường dành cho xe đạp riêng biệt và các tuyến đường xanh giúp bạn đến nơi cần đến. Tất cả dễ nhận biết mà không yêu cầu hướng dẫn.

Tại các giao lộ đông đúc hơn, một loạt các chi tiết thiết kế khác nhau giúp việc đi xe đạp trở nên an toàn hơn. Giống như ô tô và người đi bộ, người đi xe đạp có tín hiệu giao thông riêng cho họ với ba màu: đỏ, vàng và xanh lục. Các tín hiệu xe đạp thường khởi động trước tín hiệu cho ô tô vài giây. Chi tiết đơn giản này giúp người đi xe đạp vào giao lộ trước và ra khỏi điểm mù của ô tô.

Để bảo vệ người đi xe đạp khỏi va chạm bên phải, nhiều giao lộ đông đúc hơn có vạch dừng dành cho ô tô. Thiết kế vạch dừng lùi khiến người đi xe đạp dừng trước người điều khiển ô tô 5 mét. Và cũng giống như tín hiệu báo trước màu xanh lá cây, thiết kế này giúp người đi xe đạp vượt lên phía trước, thoát khỏi điểm mù của ô tô.

Và một chi tiết nữa được thấy ở các ngã tư đông đúc hơn là lan can hoặc bậc dành cho xe đạp. Chi tiết đơn giản này trên đường phố là một thiết kế thông minh vừa cho người đi xe đạp thấy rằng họ được đánh giá cao, vừa tạo ra nhiều tương tác dễ đoán hơn. Với những lan can này được đặt ở đèn đỏ, người đạp xe có thể ngồi thoải mái trên yên xe đạp của mình trong khi chờ tín hiệu đèn giao thông thay đổi. Và khi có màu xanh lá cây, lan can đóng vai trò là bàn đạp, cho phép người đi xe đạp có lực để khởi động.

Những lan can này còn có một giá trị tâm lý là khi ngồi thoải mái ở tín hiệu đèn đỏ, người đi xe đạp ít có khả năng mất kiên nhẫn và vượt đèn đỏ. Và những người xếp sau trong hàng đợi, ít có khả năng phá vỡ các quy tắc trước một người kiên nhẫn chờ đợi trước mình. Như vậy, lan can vừa như là động lực, vừa như những vật cản đối với người đi xe đạp, tạo cho các giao lộ trở nên dễ đoán hơn.

Hạ tầng đi xe đạp được kết nối

Cơ sở hạ tầng đơn giản và an toàn là một khởi đầu tuyệt vời đối với việc đi xe đạp, nhưng để thực sự gắn kết các nơi trong thành phố với nhau, cơ sở hạ tầng đi xe đạp phải được kết nối.

Kết nối các làn đường dành cho xe đạp dọc theo mạng lưới đường phố hiện có là một chuyện, nhưng để nối thành phố lại với nhau hơn nữa, các khoảng trống lớn hơn phải được bắc cầu. Là một thành phố bị chia cắt bởi một bến cảng và những con kênh nhỏ hơn, các cây cầu rất quan trọng đối với Copenhagen.

Lấy ví dụ như Cầu Quay (Bryggebroen) nối Havneholmen với Quần đảo Brygge. Được hoàn thành vào năm 2006, Bryggebroen là tuyến đầu tiên trong số nhiều tuyến kết nối mới được xây dựng qua cảng Copenhagen trong nhiều thế kỷ. Khi lần đầu tiên được đề xuất, các chuyên gia ước tính có 3.300 lượt xe đạp qua cầu mỗi ngày. Nhưng trong vòng vài tháng sau khi khai trương, hơn 9.000 người đã đạp xe qua cầu mỗi ngày, trong đó 1/3 là người trước đó thường lái ô tô.

Xe đạp ở Đan Mạch và Copenhagen - Những con số:

Mỗi người Đan Mạch đạp xe 1,4km/ngày, còn mỗi người Copenhagen đạp xe 3km/ngày.
44% học sinh Đan Mạch đi xe đạp đến trường, 65% nếu nhà cách xa trường từ 1-3km.
Nhờ đi xe đạp, người dân vùng thủ đô Copenhagen tiết kiệm được mỗi năm 1 tỉ euro và 1 triệu ngày nghỉ ốm.
Đường dành cho xe đạp ở Đan Mạch rộng từ 1,7-2,2m.
9/10 người Đan Mạch sở hữu một chiếc xe đạp. Ở Copenhagen số xe đạp nhiều gấp 5 lần số ô tô cá nhân.
Cứ 4 gia đình 2 con ở Copenhagen thì có 1 gia đình sở hữu một chiếc xe đạp thùng.

Lê Lam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vi-sao-copenhagen-la-thanh-pho-cua-nguoi-di-xe-dap.html