Vì sao giá cổ phiếu MPC thấp, bao giờ chia cổ tức?

Theo ông Lê Văn Quang, thực chất cổ phiếu MPC không có thanh khoản, hầu hết cổ phiếu của doanh nghiệp đều do nội bộ nắm giữ, bên ngoài chỉ chiếm khoảng 2%.

Ngày 24/6, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MCK: MPC) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022. Tại đại hội, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc trả lời toàn bộ câu hỏi mà cổ đông đặt ra.

Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn Minh Phú - Nguồn: Kỳ Hoa

Bài liên quan

Chuẩn bị họp ĐHĐCĐ thường niên, SCG dự kiến tăng vốn trong năm nay

ĐHĐCĐ Cen Land 2022: Tự tin với kế hoạch doanh thu 2022 đạt 8.500 tỷ đồng

SHB tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 20/4, đặt mục tiêu năm 2022 tăng trưởng 87% lợi nhuận

ĐHĐCĐ Eximbank: Lộ diện nhân sự mới, cổ tức 2022 dự kiến 2 con số

Ông Quang cho biết, trong 5 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp tương đối thuận lợi. Song, sẽ khó khăn hơn vào cuối năm do thời tiết mưa nhiều, phát sinh nhiều dịch bệnh. Cùng với đó, 6 tháng đầu năm lạm phát cao khiến 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn.

Bên cạnh đó, đại diện Minh Phú cũng chỉ ra nhiều thuận lợi trong năm nay. Cụ thể, vùng nuôi tôm ở Lộc An đã chấn chỉnh lại, cải tiến bộ máy; Minh Phú Kiên Giang đã đầu tư hệ thống nước biển hơn 2 năm, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới. Theo ông Quang, nếu vùng nuôi, đường nước biển tới vùng nuôi tôm xong sớm sẽ có thể đạt lợi nhuận kế hoạch đặt ra tại Minh Phú Kiên Giang.

Về việc nguyên liệu đầu vào có cung cấp đủ đảm bảo xuất khẩu không, ông Quang cho biết vấn đề mà doanh nghiệp đang đối mặt là thiếu công nhân. "Công ty có đủ nguyên liệu cho các nhà máy, song chúng tôi đang hoạt động dưới công suất vì thiếu nguồn lao động, việc tuyển dụng rất khó khăn. Minh Phú đã ứng dụng máy móc để tiết giảm 20% nguồn nhân sự, chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đưa robot vào làm việc để có thể thay thế 50-60% nhân công", ông Quang nêu.

Giảm thị phần tiêu thụ tại Mỹ

Trả lời câu hỏi của cổ đông đặt ra vì sao giá cổ phiếu MPC thấp so với các cổ phiếu ngành thủy sản trên thị trường, ông Quang cho rằng thực chất cổ phiếu này không thanh khoản. Hầu hết cổ phiếu của doanh nghiệp đều do nội bộ nắm giữ, bên ngoài chỉ chiếm khoảng 2%.

"Giá cổ phiếu Minh phú 100.000 đồng/cổ phiếu vẫn thấp, công ty có 1.200 ha đất vùng nuôi, có lúc mua 10.000 đồng, 20.000 đồng, 40.000 đồng/m2. Nếu chỉ tính riêng tiền đất, giá trị Minh Phú phải tăng gấp 10 đến 20 lần", ông Quang nêu.

Về lý do doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông hàng năm chậm hơn so với các công ty niêm yết khác, Tổng giám đốc Minh Phú cho biết có đối tác bán hàng và phân phối tại Mỹ là MC Food. Do công ty này thường xuyên báo cáo chậm nên dẫn đến tình trạng trên. Hiện, Minh Phú đang đề nghị chuyển MC Food sang công ty liên kết thay vì công ty con.

Bà Chu Thị Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: Kỳ Hoa

Liên quan tới công ty con tại Mỹ, Minh Phú cũng cho biết khi đưa hàng hóa sang cho công ty này bán, doanh nghiệp phải đưa hàng sang trước. Tuy nhiên, đưa hàng sang trước bị loại trừ doanh thu do chưa đưa hàng bán cho người mua cuối cùng, còn phải dự phòng giảm giá tồn kho hàng đã bán. Chính vì vậy, lợi nhuận công ty bị ảnh hưởng do quy định kế toán. "Thực tế, công bố hay không công bố tiền vẫn nằm trong túi, nhưng đối với cổ đông thì cần", ông Quang chỉ ra.

Tại đại hội, các cổ đông cũng quan tâm lý do doanh nghiệp giảm thị phần tại Mỹ. Theo ông Quang, dù thuế thấp nhưng chi phí ở Mỹ tăng nhiều, lại vướng nhiều thủ tục. Chính vì vậy, công ty sẽ không tập trung vào thị trường không mang đến lợi nhuận cao.

Cụ thể, về thị phần tiêu thụ của doanh nghiệp, năm 2021 Mỹ chiếm 24,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; Nhật Bản chiếm 19,52% tổng kim ngạch xuất khẩu; EU chiếm 11,42% tổng kim ngạch xuất khẩu; Canada chiếm 10,35% tổng kim ngạch xuất khẩu; Úc và New Zealand chiếm 10,66% tổng kim ngạch xuất khẩu …

Bước sang 5 tháng đầu năm, thị phần tiêu thụ có thay đổi. Trong đó, Nhật Bản chiếm 23,02% tổng kim ngạch xuất khẩu; ÚC và New Zealand chiếm 17,23% tổng kim ngạch xuất khẩu; EU chiếm 15,9% tổng Kim ngạch xuất khẩu; Mỹ chiếm 15,41% tổng kim ngạch xuất khẩu; Canada chiếm 14,91% tổng kim ngạch xuất khẩu…

Trong năm 2022, Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu 18.963,2 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.266,5 tỷ đồng - tăng 92,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về cổ tức, năm 2021, công ty thông qua kế hoạch cổ tức 23% trên mệnh giá, tương đương 2.300 đồng/cổ phiếu và dự kiến thực hiện trong năm 2022. Ngoài ra, Minh Phú cũng thông qua kế hoạch giảm vốn điều lệ khi thực hiện mua lại 56.350 cổ phiếu quỹ từ người lao động để giảm vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng về chỉ còn 1.999,4 tỷ đồng.

Công ty cũng thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới.

Như vậy, nếu tính sau khi điều chỉnh mua lại cổ phiếu quỹ từ nhân viên, nếu phát hành thành công vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 1.999,4 tỷ đồng lên 3.998,9 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2022 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.

Đồng thời, Minh Phú cũng thông qua kế hoạch miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi và đồng thời đề cử bổ sung hai thành viên thay thế là ông Sasaki Takahiro và ông Hamaya Harutoshi, đại diện cho nhóm cổ đông MPM Investments Pte. Ltd sở hữu 70,2 triệu cổ phiếu, chiếm 35,1% vốn điều lệ.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, Minh Phú đạt doanh thu thuần 13.575 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận của doanh nghiệp cũng suy giảm nhẹ 2% còn 659 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty tính đến cuối năm ngoái tăng lên gần 9.600 tỷ đồng.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-gia-co-phieu-mpc-thap-bao-gio-chia-co-tuc-post200810.html