Vì sao giá cước vận tải không giảm theo giá xăng dầu?
Sau thời gian liên tục tăng cao, với sự điều chỉnh của các cơ quan quản lý Nhà nước, giá xăng dầu đã giảm mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn không giảm giá vé.
Án binh bất động
Sau 6 lần điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu hiện đã giảm tới hơn 20% so với cách đây hơn một tháng. Hàng loạt doanh nghiệp vận tải đã tăng giá cước lên 10-15% so với trước khi giá xăng tăng lên mức 30.000 - 32.000 đồng/lít để bù lỗ, song thời điểm này, giá xăng dầu giảm mạnh, các doanh nghiệp vẫn "án binh bất động" giá vé. Nhiều ý kiến người dân, khách hàng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải cần điều chỉnh giảm giá vé phù hợp với giá nhiên liệu trên thị trường.
Tại các bến xe của Hà Nội, giá vé một số tuyến xe khách cố định được các nhà xe niêm yết giữ nguyên như thời điểm trước đây hơn một tháng. Các tuyến Hà Nội – Lào Cai, giá vé giường nằm dao động từ 210.000 - 220.000 đồng/lượt; tuyến Hà Nội – Vinh giá vé giường nằm được các nhà xe niêm yết ở mức 270.000 – 290.000 đồng/lượt.
Các tuyến khác như: Hà Nội – Thanh Hóa, Hà Nội – Cao Bằng, Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Hà Giang... giá vé được các nhà xe giữ nguyên sau khi tăng từ đầu tháng 7/2022. Điều này có nghĩa, dù giá xăng dầu đã giảm tới hơn 20%, nhưng giá vé xe khách vẫn không hề giảm.
Theo đại diện các doanh nghiệp vận tải, mức giá vé đang niêm yết đã được đăng ký với các bến xe áp dụng từ đầu năm 2022. Sau nhiều lần biến động lớn về giá xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải vẫn giữ nguyên giá vé. Do đó, giá xăng dầu mặc dù đã giảm hơn 20%, các nhà xe giữ nguyên giá vé là phù hợp.
Anh Cao Hùng – nhà xe Đồng Lợi (Hà Nội) chạy tuyến Hà Nội - Quảng Ninh cho biết, giá xăng dầu tăng cao trùng với thời điểm các doanh nghiệp vận tải bắt đầu khôi phục hoạt động kinh doanh sau dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng nhiều tới đà phục hồi của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi giá xăng dầu liên tục tăng cao, các doanh nghiệp vận tải vẫn phải cố gắng cầm cự, cân đối thu – chi để duy trì hoạt động. Khi không thể bù lỗ giá nhiên liệu, nhân công, bến bãi... các nhà xe mới điều chỉnh tăng nhẹ giá vé.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, các thủ tục điều chỉnh giá vé phức tạp, nhưng các doanh nghiệp vận tải nên có các giải pháp điều chỉnh giá cước phù hợp theo thị trường, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Bình ổn giá xăng dầu
Bộ GTVT có văn bản đề nghị Sở GTVT các địa phương chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành phố tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của các doanh nghiệp vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá cước phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, nhất là chi phí xăng dầu.
Sở GTVT TP Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai và giảm giá cước khi giá xăng đã giảm sâu 6 đợt so với cách đây hơn một tháng. Cụ thể, các doanh nghiệp vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, doanh nghiệp taxi khẩn trương lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh; thực hiện nghiêm việc niêm yết giá đã kê khai theo quy định. Doanh nghiệp cố tình tăng giá cước vận chuyển hành khách sẽ bị đình chỉ tuyến chạy...
Qua tìm hiểu, doanh nghiệp vận tải hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải đăng ký với cơ quan chức năng. Sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận, mới niêm yết giá cước để hành khách biết. Tuy nhiên, do quy trình đăng ký điều chỉnh giá cước vận tải kéo dài khoảng 1 tháng, nên nhiều doanh nghiệp vận tải thường "chây ì" điều chỉnh nếu không phải trong tình huống bất khả kháng. Thêm vào đó, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh giá cước khá lâu, nên nhiều doanh nghiệp vận tải chưa kịp điều chỉnh giá, giá xăng dầu đã biến động tăng hoặc giảm mạnh, khiến việc điều chỉnh không theo sát được với diễn biến thực tế trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc giá xăng dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây là tín hiệu tốt không chỉ cho lĩnh vực vận tải, mà cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là giá xăng dầu phải giữ được sự ổn định, vì đây là mặt hàng có tác động lớn đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội.
"Không phải cứ xăng dầu tăng, giá cước vận tải phải tăng theo và ngược lại. Cách làm này chỉ mang tính đối phó, không mang lại hiệu quả lâu dài. Điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước phải bình ổn được giá xăng dầu, để doanh nghiệp vận tải yên tâm xây dựng kế hoạch kinh doanh, khách hàng được đảm bảo quyền lợi", PGS. TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho hay.