Vì sao giá vàng thế giới dễ dàng vượt 2.700 USD/ounce?

Các nhà giao dịch kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và căng thẳng địa chính trị là nguyên nhân kéo giá vàng tăng cao.

 Giá vàng thế giới kết thúc tuần này ở mức đỉnh lịch sử 2.721 USD/ounce. Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới kết thúc tuần này ở mức đỉnh lịch sử 2.721 USD/ounce. Ảnh: Bloomberg.

Tháng 8/2020, giá vàng thế giới đã có lần đầu tiên vượt mốc 2.000 USD/ounce. Đà tăng giá đáng chú ý của vàng khi đó chủ yếu tới từ đại dịch Covid-19 và các gói tài chính do chính phủ các nước thực hiện để kích cầu nền kinh tế.

Các biện pháp này đã bơm một lượng tiền mặt đáng kể vào thị trường tài chính, thúc đẩy sự gia tăng ở một loạt thị trường tài sản, bao gồm cả kim quý.

Liên tục vượt đỉnh

Tuy nhiên, giá vàng thế giới đã giảm vào những tháng cuối năm 2020 khi tác động của đại dịch bắt đầu lắng xuống. Tới năm 2021, giá vàng thế giới vẫn tương đối ổn định, chủ yếu ở mức dưới 1.900 USD/ounce.

Năm 2022, giá vàng thế giới lại quay đầu tăng mạnh, chủ yếu do cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Giá kim quý một lần nữa vượt mốc 2.000 USD/ounce, cùng thời điểm giá trị đồng USD suy yếu.

Để giải quyết những lo ngại về lạm phát và ổn định đồng USD, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có bước đi quan trọng vào tháng 3/2022 bằng chính sách tăng lãi suất.

Tính tới tháng 9 năm nay, cơ quan này đã nâng lãi suất tổng cộng 11 lần để kiềm chế lạm phát, kéo lãi suất tham chiếu quỹ liên bang lên cao nhất 5,25-5,5%/năm. Động thái này đã khiến đồng USD mạnh lên trong khoảng thời gian dài và khiến giá vàng suy yếu.

Tuy nhiên, đến năm 2023, giá vàng lại tiếp tục tăng mạnh. Lần này là do động thái mua vào của các ngân hàng trung ương lớn, nhiều sự kiện địa chính trị leo thang và việc các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn phải chịu áp lực sau đại dịch.

Ngoài ra, các cuộc xung đột tại Trung Đông đã làm gia tăng nỗi sợ trong tâm lý các nhà giao dịch và điều này khiến dòng tiền tìm đến kim loại quý như một tài sản bảo vệ an toàn cho khoản đầu tư của họ. Giá vàng thế giới theo đó đã vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce nhiều lần trong năm ngoái.

 Giá vàng thế giới liên tục leo cao giai đoạn 2020-2024, hiện ở vùng cao nhất mọi thời đại trên 2.700 USD/ounce. Ảnh: TradingView.

Giá vàng thế giới liên tục leo cao giai đoạn 2020-2024, hiện ở vùng cao nhất mọi thời đại trên 2.700 USD/ounce. Ảnh: TradingView.

Từ đầu năm nay, giá vàng giữ xu hướng đi ngang trong các tháng đầu năm nhưng bắt đầu tăng mạnh từ quý II. Đến nay, giá kim quý giao ngay trên thị trường thế giới đã có lần đầu tiên vượt mốc 2.700 USD/ounce trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần này (18/10).

Không dừng lại ở đó, đà tăng của vàng còn tiếp diễn để đóng cửa tuần ở mức 2.721 USD/ounce, mức giá cao nhất mọi thời đại. Chỉ tính trong tuần này, giá vàng thế giới đã tăng gần 1%. Còn nếu tính từ đầu năm, kim quý đã tăng ròng 31%.

Nhà phân tích Rhona O'Connell của StoneX nhận định nguyên nhân tăng giá của vàng thời điểm này chủ yếu tới từ tâm lý của các nhà giao dịch kỳ vọng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục được nới lỏng.

Thêm vào đó là nhu cầu trú ẩn của dòng vốn tới kênh đầu tư an toàn tăng lên do lo ngại về sự không chắc chắn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ làm thay đổi chính sách điều hành kinh tế và cả những xung đột chính trị đang leo thang ở Trung Đông.

Có thể đạt 3.000 USD/ounce trong một năm tới?

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng JP Morgan đưa dự báo giá vàng sẽ đạt trung bình 2.500 USD/ounce trong quý IV và 2.600 USD/ounce vào năm 2025 do căng thẳng địa chính trị, kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất, lạm phát của các nền kinh tế lớn và hoạt động mua vào của ngân hàng trung ương.

Lực mua vào của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Trung Quốc và khả năng tăng nắm giữ vàng của các quỹ ETF sẽ là những yếu tố chính góp phần vào triển vọng tăng giá cho vàng.

Ngân hàng HSBC cũng cập nhật dự báo giá vàng với dự báo mặt hàng này sẽ giảm 12% vào năm 2025. Đồng thời ngân hàng này điều chỉnh dự báo giá trung bình trong năm 2024 lên 2.305 USD/ounce nhưng hạ ước tính giá bình quân năm 2025 xuống 1.980 USD/ounce.

Các nhà phân tích dự báo giá vàng sẽ phục hồi vào năm 2026 tại vùng 2.025 USD/ounce.

 Các chuyên gia tỏ rõ tâm lý lạc quan vào triển vọng tăng giá của vàng trong dài hạn. Ảnh: SCMP.

Các chuyên gia tỏ rõ tâm lý lạc quan vào triển vọng tăng giá của vàng trong dài hạn. Ảnh: SCMP.

Chiến lược gia hàng hóa Michael Widmer của Bank of America thì đặt mục tiêu mới cho giá vàng ở mốc 3.000 USD/ounce trong vòng 12-18 tháng tới.

Tương tự, Ngân hàng UBS cũng đã tăng dự báo giá vàng. Cơ quan này kỳ vọng giá kim quý sẽ đạt mức 2.600 USD/ounce vào cuối năm 2024 và 2.700 USD/ounce vào giữa năm 2025.

Chiến lược gia hàng hóa cấp cao Mike McGlone của Bloomberg Intelligence có góc nhìn lạc quan hơn rất nhiều với dự báo giá vàng có khả năng đạt 3.000 USD/ounce vào năm nay và đạt 7.000 USD/ounce vào năm 2025.

McGlone cho rằng tiềm năng tăng giá của vàng là do các ngân hàng trung ương vẫn tăng mua vào và dự kiến chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ trở lại rộng rãi. Điều này sẽ có lợi cho vàng thay vì đồng USD hay thị trường chứng khoán.

Citi Global Research cũng duy trì quan điểm lạc quan về giá vàng với dự báo giá sẽ đạt 2.500 USD/ounce trong ngắn hạn và 3.000 USD/ounce trong vòng 12 tháng tới.

Triển vọng này được thúc đẩy bởi các giao dịch mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương, nhu cầu trên thị trường phi tập trung (OTC) tăng đột biến và sự đảo ngược của dòng tiền chảy ra khỏi ETF.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-gia-vang-the-gioi-de-dang-vuot-2700-usdounce-post1505260.html