Vì sao khai báo y tế rất quan trọng và người gian dối phải bị phạt?

Việc người dân khai báo, cung cấp thông tin chính xác vào tờ khai là cơ sở quan trọng phục vụ công tác phân luồng, sàng lọc trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, sau khi hành khách khai báo nhập cảnh ở cổng an ninh sân bay, nhân viên cửa khẩu sẽ tiếp nhận thông tin, sau đó chuyển tờ khai đến hệ thống của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố mà hành khách sẽ di chuyển đến.

Khi tiếp nhận thông tin này, CDC các tỉnh, thành sẽ lưu trữ dữ liệu và thực hiện truy vết khi cần thiết.

Đồng thời, nếu người nhập cảnh vào các tỉnh, thành phố là những người có yếu tố dịch tễ và phải cách ly tập trung, CDC địa phương tiếp nhận và cập nhật thông tin về kết quả xét nghiệm cũng như thời gian hoàn thành cách ly trên tờ khai trực tuyến của từng cá nhân.

Ngoài ra, nếu người dân thực hiện khai báo online khi di chuyển đến địa phương khác, thông tin cũng được lưu trữ tại hệ thống quản lý khai báo y tế của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Khi cần truy vết các yếu tố dịch tễ, ngành y tế các địa phương có thể rà soát thông tin qua hệ thống này.

Theo Bộ Y tế, việc người dân khai báo và cung cấp thông tin chính xác vào tờ khai là cơ sở quan trọng hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát người dân khi đến và đi trong địa bàn tỉnh, trong phạm vi quản lý của các cơ quan đơn vị.

 Thông tin khai báo của người dân sẽ được lưu trữ để phục vụ công tác giám sát, truy vết của các địa phương. Ảnh: Thạch Thảo.

Thông tin khai báo của người dân sẽ được lưu trữ để phục vụ công tác giám sát, truy vết của các địa phương. Ảnh: Thạch Thảo.

Còn tại các bệnh viện, người dân đến khám và điều trị sẽ điền vào phiếu khai báo y tế các thông tin liên quan đến tỉnh, thành phố đã đi qua trong 14 ngày qua, tình trạng sức khỏe và yếu tố dịch tễ.

Phiếu khai này do bệnh viện quản lý nhằm phục vụ công tác phân luồng, sàng lọc người có nguy cơ mắc Covid-19 trước khi tiếp nhận khám và điều trị.

Theo điều 7 Nghị định 117 của Chính phủ, người khai báo y tế gian dối, không trung thực, sẽ bị phạt hành chính 10-20 triệu đồng.

Nếu người vi phạm biết rõ hiện trạng của bản thân hoặc người khác nhưng cố tình che giấu thông tin, hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho người thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật Nguyễn Anh), người về từ vùng dịch nhưng không khai báo y tế, khai báo không trung thực là hành vi cần bị xử nghiêm.

"Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời nếu có ca bệnh, từ đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng", ông Thơm nhìn nhận.

Luật sư cũng viện dẫn Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác. Theo đó, nếu khai báo gian dối và làm lây nhiễm bệnh cho người khác, bệnh nhân phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người vi phạm quy định của Điều 240 Bộ luật Hình sự có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, hoặc phạt tù lên đến 12 năm.

Theo đó, khi phát hiện vi phạm, nhà chức trách sẽ xác minh, làm rõ hành vi cụ thể của từng trường hợp. Sau đó, căn cứ lời khai của người vi phạm và mức độ hậu quả xảy ra để xác định hình thức xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mẫn Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-khai-bao-y-te-rat-quan-trong-va-nguoi-gian-doi-phai-bi-phat-post1215361.html