Vì sao khi xưa hiếm có dung mạo vua Việt được ghi lại?
Vua là một biểu tượng tối cao, triều đình cũng không vẽ tranh chân dung nhà vua ban bố cho toàn quốc để nhân dân biết 'mặt rồng'.
Thời xưa, dân thường tuyệt tối không được phép nhìn mặt vua. Khi xa giá của nhà vua đi ra ngoài, dân chúng đều phải quỳ rạp bên đường, đầu cúi sát đất, ai dám ngẩng đầu lên nhìn “long nhan” đều bị khép vào trọng tội là khi quân, phạm thượng.
Vua là một biểu tượng tối cao, triều đình cũng không vẽ tranh chân dung nhà vua ban bố cho toàn quốc để nhân dân biết “mặt rồng”. Tuy nhiên, sau khi các vị vua Việt băng hà, triều đình vẫn vẽ tranh, đúc tượng để thờ.
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, đời Vua Lê Thái Tông, ngày 22 tháng 8 năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), triều đình đúc xong tượng vàng của vua Lê Thái Tổ và Quốc Thái mẫu đã sai nhà sư làm phép điểm nhãn rồi rước vào Thái miếu để thờ. Như vậy, việc đúc tượng tiên vương để thờ đã có từ thời Lê. Chỉ tiếc rằng sau đó, do những biến thiên của lịch sử, hầu hết tượng thờ như vậy đều không còn.
Hiện nay, chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng tranh thờ vua Lê Hoàn, tượng thờ các vua Ngô Quyền, Lê Hoàn, các vua Trần, hay tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được thờ ở Tháp Huệ Quang, chùa Hoa Yên, trên núi Yên Tử (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Nhưng bức tượng Phật hoàng bằng đá độc đáo này cũng tược tạo tác vào thời Lê trung hưng, sau khi Phật hoàng viên tịch đã vài trăm năm.
Ở triều tại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, gần chúng ta nhất là triều Nguyễn cũng rất khó thấy được dung nhan của các vị vua, mãi đến khi người Pháp sang mới ghi lại chân dung các vua từ Đồng Khánh, Hàm Nghi trở về sau qua ảnh chụp. Còn các vua đầu triều Nguyễn, đời sau chỉ hình dung về diện mạo các vị qua nét vẽ của các họa sĩ người Pháp mà thôi.
Dù vậy, người Việt chúng ta đã có cơ hội rất hiếm hoi được biết “long nhan” của một vị vua trong lịch sử. Đó là khi lăng mộ vua Lê Dụ Tông ở Thọ Xuân, Thanh Hóa bị xâm phạm, chính quyền quyết định khai quật để giữ gìn, bảo vệ thi hài nhà vua.
Từ di hài được bảo quản khá nguyên vẹn sau mấy trăm năm, có thể thấy vua Lê Dụ Tông là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, có tóc hoa râm được cắt ngắn theo kiểu nhà tu, cằm có chòm râu thưa màu đen có vài sợi đã điểm bạc, răng bị rụng vài chiếc. Nhưng do thi hài đã tược táng quá lâu, phần da thịt đã bị khô quắt, nên đời sau cũng không thể diện kiến chân dung chính xác của vị vua từng trị vì nước ta từ năm 1705 tến năm 1729.
Về dung mạo vua Lê Dụ Tông, sử cũ có ghi lại vài dòng để chúng ta tham khảo, qua mô tả về chân dung cháu nội ngài là vua Lê Hiển Tông, với những tính từ rất... tiêu chuẩn: Duy Diêu râu rồng, mắt phượng (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Còn trước khi Lê Hiển Tông làm vua, chú của ông là hoàng tử Duy Thận, người gọi mẹ chúa Trịnh Giang là Vũ Thái phi bằng cô, được Thái phi nuôi trong phủ chúa từ bé nên được chúa đưa lên ngôi (tức Lê Ý Tông), với lý do Duy Thận có diện mạo giống tiên đế (vua Lê Dụ Tông).
Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-khi-xua-hiem-co-dung-mao-vua-viet-duoc-ghi-lai-post1505951.html