Vì sao khó kiểm tra độ tuổi theo phân loại phim?
Mặc dù Luật Điện ảnh đã quy định rõ về phân loại phim, độ tuổi xem phim, nhưng quy định này đôi khi vẫn bị 'phớt lờ' từ phía người xem lẫn phía rạp.
Theo Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022, phim ra rạp gồm 5 loại: P: Phim được phép phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng khán giả; K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kiểm tra độ tuổi phù hợp với phân loại phim chưa thực sự được tuân thủ nghiêm ngặt cả ở trong lẫn ngoài rạp chiếu.
Nhiều rạp chưa chú trọng kiểm tra độ tuổi khán giả
Thời gian qua, khi bộ phim “Mai” gắn nhãn 18+ của Trấn Thành đang “hot” từ trên mạng đến rạp chiếu, thì một số khán giả đã phản ánh về tình trạng nhiều học sinh “vô tư” vào xem phim mà không bị kiểm soát độ tuổi.
Trước thông tin này, Thanh tra Bộ VH,TT&DL đã gửi công văn cho các sở văn hóa địa phương, yêu cầu tăng cường kiểm soát việc chấp hành luật về điện ảnh tại rạp chiếu phim, không để khán giả dưới tuổi được vào phòng chiếu các phim dán nhãn. Các vi phạm phải được xử lý nghiêm.
Ngày 22/2, Đoàn Thanh tra bất ngờ khảo sát tại một số đơn vị chiếu phim tại Hà Nội, kiểm tra hoạt động bán vé, hướng dẫn khách mua vé, kiểm soát độ tuổi khán giả tại quầy vé, phòng chiếu phim, cảnh báo dán nhãn trên vé phim và bảng thông báo các suất chiếu. Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 24/2, cơ quan chức năng cũng bất ngờ kiểm tra độ tuổi khách xem phim tại một rạp phim ở khu vực quận 1.
Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong văn hóa quảng cáo, trường hợp để khán giả vào xem phim không phù hợp độ tuổi, các rạp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Rạp còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi nêu trên.
Theo các đơn vị rạp, thời gian qua, khi các khán giả nhỏ tuổi đến rạp xem phim “Mai”, nhân viên bán vé sẽ hỏi độ tuổi, yêu cầu cho xem giấy tờ tùy thân và giải thích, từ chối khi khách không đủ tuổi. Tuy nhiên, thực tế phần lớn việc này chỉ dựa vào cảm quan của nhân viên và hoạt động này cũng chưa được chú trọng. K.L., nhân viên bán vé tại một hệ thống rạp có tiếng, trực quầy vé tại rạp phim tọa lạc ở quận 1 TP HCM cho biết: “Trước đến nay nhân viên bán vé tụi em thi thoảng sẽ được nhắc nhở về kiểm tra độ tuổi khách xem phim, đặc biệt là các phim dán nhãn 16+ trở xuống. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra cũng không thường xuyên, đặc biệt là những phim “hot”, mùa lễ, Tết khách đông xếp hàng dài, không đủ nhân sự để kiểm tra. Cũng có không ít trường hợp phản ứng khi được yêu cầu cho xem giấy tờ. Cạnh đó, hiện các em học sinh cũng không mặc đồ học sinh đi xem phim, các em ăn mặc, có dáng dấp như người lớn, cũng không thể biết đã đủ độ tuổi hay chưa để yêu cầu cho xem giấy tờ tùy thân, nên chỉ có thể dựa sơ bộ vào ngoại hình để phán đoán”.
Thời gian tới, một số cụm rạp lớn tại TP HCM cho biết sẽ đặt bảng thông báo rõ ràng tại quầy bán vé và bố trí thêm nhân sự để tăng cường kiểm tra thông tin khách vào xem phim “Mai” và các phim có dán nhãn độ tuổi nói chung, nhằm tránh trường hợp xem phim không đúng “nhãn”.
Ngoài rạp: Khó kiểm soát
Việc giám sát độ tuổi khán giả xem phim ngoài rạp còn khó hơn. Như phim “Mai” hoặc một số phim 16+, 13+... khi rời rạp và được chiếu trên một số nền tảng điện ảnh trả tiền trên mạng, thì càng khó kiểm soát độ tuổi xem phim. Lúc này, vấn đề kiểm soát sẽ được “trao quyền” cho các bậc phụ huynh.
Ngoài ra, Luật Ðiện ảnh mới 2022 ra đời đã bổ sung thêm loại K, phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Ðây là lần đầu tiên văn bản luật của Việt Nam đề cập trực tiếp đến trách nhiệm của cha mẹ trong việc xem phim cùng con, giám sát và hướng dẫn con thưởng thức tác phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, việc cha mẹ có theo sát, hỗ trợ, hướng dẫn con xem phim hay không thì còn tùy vào thực tế mỗi nhà.
Vì thế, mặc dù Luật đã có quy định rất chi tiết nhưng để thực sự được tuân thủ, triển khai trong thực tế thì cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên: Từ sự kiểm soát, nghiêm túc xử lý vi phạm của cơ quan quản lý, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền về phân loại phim và độ tuổi cho các đối tượng trong xã hội, cho đến trách nhiệm giám sát, hỗ trợ của cha mẹ với con cái trong các sản phẩm giải trí con thụ hưởng. Có như vậy, Luật mới thực sự đi vào cuộc sống, quyền của trẻ em mới thực sự được bảo đảm.