Vì sao lừa đảo 'khoác áo' hội thảo vẫn còn đất sống?

ĐBP - Thời gian qua, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng lừa đảo bán thực phẩm chức năng, hàng hóa, thông qua các cuộc hội thảo giới thiệu sản phẩm. Ðây không phải là hình thức lừa đảo mới, song lại đang có xu hướng 'nở rộ', với chiêu trò và quy mô hoạt động ngày càng đa dạng, tinh vi. Thực trạng này đặt ra một câu hỏi lớn, vì sao lừa đảo 'khoác áo' hội thảo vẫn còn đất sống?

Người dân xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) phản ánh với phóng viên số thực phẩm chức năng bị lừa mua.

Tiền mất, bệnh mang

Nhìn những hộp thực phẩm chức năng mà mình đã “trót dại” mua sau khi tham gia buổi thăm khám, tư vấn sức khỏe miễn phí mới được tổ chức vừa qua trên địa bàn, bà Bế Thị Loan, đội 3, xã Thanh Chăn, huyện Ðiện Biên không khỏi bức xúc. Theo chia sẻ của bà Loan thì gia đình bà chính là địa điểm được các đối tượng này mượn để đặt máy móc, trang thiết bị tổ chức siêu âm, khám bệnh, bán thuốc cho người dân. Vì có cán bộ xã trực tiếp dẫn xuống nên bà hoàn toàn tin tưởng. Bản thân bà Loan là người được siêu âm cuối cùng, với kết luận bị gan nhiễm mỡ, bệnh lý về khớp. Sau đó, bà Loan được tư vấn mua một liệu trình thuốc mà họ đã mang sẵn, kèm theo lời cảnh báo: “Nếu không uống thuốc, để bệnh sang giai đoạn 2 thì sẽ phải mất rất nhiều tiền mới chữa khỏi. Còn sang giai đoạn 3 thì dù có mất nhiều tiền cũng không chữa được, bà hết tiền là bà cũng chết”.

Lo sợ trước những cảnh báo bệnh tật, bà Loan không ngần ngại bỏ ra 2,8 triệu đồng để mua 4 hộp có tên “Viên uống xương khớp An Bình” và 6 hộp “Viên uống An Can SHB”, kèm theo lời dặn: “Ðáng lẽ số tiền bà phải trả nhiều hơn gấp đôi, nhưng vì chúng cháu đang có chương trình hỗ trợ cho người cao tuổi nên được giảm 50%. Hướng dẫn sử dụng cháu đã ghi rất rõ trên vỏ hộp rồi nên bà đừng đi hỏi con cháu hay ai khác”. Tuy nhiên, sau vài hôm uống thuốc, bà Loan thấy có biểu hiện chướng bụng, khó chịu trong người nên mới dừng lại và thông báo với con cháu.

Không chỉ bà Loan, ở xã Thanh Chăn, có hàng trăm người cao tuổi cũng đã bị nhóm người này mời chào với chiêu thức tương tự. Ông Tòng Văn Yên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Chăn cho biết: Nhóm người kể trên tự xưng là nhân viên của Công ty Cổ phần tư vấn và thiết bị y tế Sài Gòn Hà Nội SHB. Họ được Chủ tịch UBND xã giới thiệu sang phối hợp cùng chúng tôi với mục đích là rà soát, khám bệnh và tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi trên toàn địa bàn. Tôi là người trực tiếp dẫn họ đi các bản. Người nào cũng được siêu âm, bắt bệnh. Chủ yếu là 2 bệnh sỏi thận và máu nhiễm mỡ. Song họ tư vấn bán thuốc luôn; bản thân tôi cũng mua hết hơn 2 triệu đồng tiền thuốc. Về nghĩ thấy tiếc tiền, tôi có mang trả lại, nhưng họ không cho trả. Sau khi họ đi rồi tôi ngẫm ra mới biết bị lừa.

Bức xúc nhất là trường hợp ông Nguyễn Ngọc Thành, đội 3, xã Thanh Chăn. Hoàn cảnh nhà neo người lại khó khăn về kinh tế, song vì tin tưởng vào sự giới thiệu của các cấp về một chương trình đầy nhân văn dành cho người cao tuổi, ông Thành đã dùng toàn bộ số lương hưu ít ỏi để mua thuốc. Ðiều khiến ông bức xúc hơn cả là mặc dù được chẩn đoán bị nang thận, nhưng họ lại bán cho thuốc có chỉ định hỗ trợ điều trị sỏi thận. Sau khi thắc mắc, ông được đổi thuốc, song hóa ra họ chỉ thay vỏ hộp mà bên trong vẫn là thuốc cũ. Uống được vài ngày, ông Thành cảm thấy bị tức ngực, khó thở nên dừng lại và được người quen cho biết đây là thực phẩm chức năng, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

“Lập lờ đánh lận con đen”

Băn khoăn về tính pháp lý liên quan đến các hoạt động khám, chữa bệnh của nhóm người nêu trên, với cuộc trao đổi cùng bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðiện Biên thì nhiều sai phạm của Công ty này đã được làm rõ. Theo đó, Công ty Cổ phần tư vấn và thiết bị y tế Sài Gòn Hà Nội SHB có làm việc với UBND huyện Ðiện Biên và Trung tâm Y tế huyện về việc xin phép tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng. Việc Công ty tự ý tổ chức các hoạt động khám bệnh, kê đơn bán thực phẩm chức năng là đã vượt quá thẩm quyền. Khẳng định việc làm trên của Công ty là trái phép, bởi hoạt động hội thảo giới thiệu sản phẩm được thực hiện theo luật thương mại, song tổ chức khám bệnh, bán thuốc là phải được sự cho phép của ngành Y tế địa phương. Lý giải nguyên nhân nhiều người dân vẫn sập bẫy lừa đảo của công ty này, theo bác sĩ Minh là do Công ty đã cố tình thực hiện theo kiểu mập mờ, tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng như đơn thuốc, khiến người dân lầm tưởng đó là thuốc chữa bệnh mà bỏ tiền mua với kỳ vọng sẽ khỏi bệnh.

Bác sĩ Minh cũng cho biết thêm, sau khi nắm được thông tin về hoạt động lừa đảo của Công ty này, vừa qua Trung tâm Y tế huyện đã giám sát và ngăn chặn kịp thời một buổi hội thảo do họ tổ chức tại xã Mường Lói. Ngay sau đó, đơn vị đã yêu cầu Công ty thực hiện theo đúng cam kết. Tuy nhiên, cũng kể từ đó họ không phối hợp thông báo lịch trình cho đơn vị nữa.

Không chỉ có Công ty Cổ phần tư vấn và thiết bị y tế Sài Gòn Hà Nội SHB, thời gian qua người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng liên tiếp có phản ánh về các cuộc hội thảo khác nhau và đều có cách thức hoạt động tương tự. Họ thu hút người dân bằng giấy mời, thông qua các tổ chức đoàn thể ở địa phương và thông báo có quà tặng miễn phí.

Bà Vũ Thị Hoa, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ thừa nhận, bản thân bà và nhiều người cao tuổi trong khu vực đã vài lần được mời tham gia các hội thảo, tặng quà. Tuy nhiên, trên thực tế, khi đến tham gia hội thảo, các bà lại được giới thiệu mua những sản phẩm về sức khỏe, như: Sữa bổ sung can xi, tăng cường thể lực, hạn chế bệnh tật; máy massage; chiếu điều hòa; vòng điều hòa huyết áp; sâm Hàn Quốc… Hầu hết các sản phẩm đều có giá thành cao, lên đến tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng cho 1 sản phẩm, mà chưa ai thẩm định chất lượng.

Không chỉ “khoác áo” hội thảo, điểm chung của các hoạt động lừa đảo này là đều hướng tới đối tượng người cao tuổi. Lợi dụng tâm lý tuổi cao, thường lo sợ bệnh tật nên các đối tượng lừa đảo đã quảng cáo “thổi phồng” về công dụng vượt trội của các sản phẩm, thậm chí đưa ra các cảnh báo về sức khỏe; thông qua đó lừa bán sản phẩm.

Cần quản lý chặt chẽ

Nhà nước ta không cấm các hoạt động hội thảo, giới thiệu sản phẩm và được đảm bảo bằng những quy định tại Luật Thương mại. Tuy nhiên, hoạt động khám bệnh, bán thuốc thì phải được sự nhất trí và quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Vậy lý do vì sao những cuộc hội thảo “rởm” diễn ra công khai, với hệ thống máy móc siêu âm, thực phẩm chức năng đồ sộ, hoạt động trong phạm vi không chỉ một, mà hàng loạt địa bàn dân cư trong thời gian dài như vậy lại không bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời? Ai sẽ là người đứng ra bảo vệ và cùng cộng đồng trách nhiệm với những người dân nhẹ dạ, cả tin?

Từ thực tế diễn ra ở Ðiện Biên, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thời gian gần đây đã bộc lộ nhiều điểm bất cập trong việc cấp phép, quản lý, giám sát các hoạt động “hội thảo”, khám bệnh và bán thực phẩm chức năng. Theo quy định hiện hành, một đơn vị, tổ chức khi muốn tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng phải làm thủ tục xin cấp phép. Hồ sơ xin cấp phép sẽ được nộp tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian 10 ngày, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có trách nhiệm xem xét thẩm định hồ sơ và cấp phép nếu đủ điều kiện.

Tuy nhiên, với trường hợp của Công ty Cổ phần tư vấn và thiết bị y tế Sài Gòn Hà Nội SHB thì chỉ trong 1 ngày, ngay khi tiếp nhận hồ sơ của công ty này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành văn bản gửi đến hàng loạt cơ quan hữu quan, chính quyền các địa phương, với nội dung không chỉ rõ có đồng ý hay không, mà chỉ mang tính chất thông báo có hoạt động hội thảo của công ty này và đề nghị giám sát. Văn bản này được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xem như một bước “bàn giao” trách nhiệm cho lực lượng y tế, công an và chính quyền các địa phương.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là từ việc đề nghị giám sát, khi công văn xuống đến cấp huyện thì lại được hiểu là cho phép tổ chức hội thảo quảng cáo sản phẩm. Chưa dừng lại, hàm ý công văn từ huyện xuống xã lại tiếp tục “tam sao thất bản” thành tổ chức khám bệnh, kê đơn, bán thuốc. Không những vậy, tại chính văn bản cấp phép mà UBND cấp huyện gửi xuống xã lại không ấn định cụ thể về thời gian, địa điểm tổ chức hội thảo…. Ðây chính là lỗ hổng khiến công tác phối hợp giám sát của lực lượng chuyên môn trở nên khó khăn khi các đối tượng lừa đảo cố tình không phối hợp.

Những tờ công văn, giấy giới thiệu hay chữ ký xác nhận, qua nhiều bước đã trở thành “tấm vé” thông hành cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng để tạo niềm tin với người dân, qua đó dễ dàng thực hiện các hành vi lừa đảo một cách “hợp pháp”. Trong khi đó, những người có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, giám sát lại hết sức mờ nhạt khi thể hiện vai trò của mình đã vô tình tạo ra lỗ hổng để các đối tượng lừa đảo “luồn lách” hoành hành ở nhiều địa phương. Thiết nghĩ, cho đến khi nào công tác quản lý chưa được thắt chặt, thì những cuộc hội thảo vẫn là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng lừa đảo khai thác trục lợi.

Bài, ảnh: Hà Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/172975/vi-sao-lua-dao-%E2%80%9Ckhoac-ao%E2%80%9D-hoi-thao-van-con-dat-song