Vì sao mua điện mặt trời mái nhà với giá... 0 đồng?

Các chuyên gia đánh giá việc người dân đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng chỉ được bán lên lưới với giá 0 đồng, không được bán cho tổ chức, cá nhân khác thì rất khó thu hút người dân, doanh nghiệp hưởng ứng.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo đó, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (tự sử dụng) là điện mặt trời mái nhà được sản xuất để tiêu thụ tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Trong dự thảo đưa ra hai loại hình phát triển điện mặt trời mái nhà. Một loại không nối lưới điện quốc gia sẽ được phát triển không giới hạn. Tổ chức, cá nhân được khuyến khích lắp hệ thống lưu trữ để chủ động dùng trong sản xuất, kinh doanh.

Loại hình còn lại người dân có thể lựa chọn phát sản lượng điện dư thừa lên lưới điện quốc gia, Nhà nước ghi nhận sản lượng nhưng với giá 0 đồng, không được thanh toán. Công suất loại hình này có giới hạn, không được vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, không gây quá tải lưới điện khu vực. Với dự án công suất đặt từ 500kWp trở lên phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.

Khó khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, bày tỏ: "Việc quy định người dân được làm hệ thống điện mặt trời, nối với lưới điện quốc gia để bán sản lượng điện nhưng với giá 0 đồng rõ ràng sẽ hạn chế việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.”

 Điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại nhà dân ở Hà Nội. Ảnh: AH

Điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại nhà dân ở Hà Nội. Ảnh: AH

TS. Tô Văn Trường-chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường cũng cho rằng việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà nhưng không được bán lên lưới hoặc bán lên lưới với giá “0” đồng hoàn toàn không thể thu hút người dân cũng như doanh nghiệp hưởng ứng.

Đặc thù điện mặt trời là phát điện vào thời gian ban ngày và thay đổi theo bức xạ từng thời điểm. Điều này dẫn đến việc thừa hoặc thiếu điện trong quá trình sử dụng năng lượng mặt trời. Việc không thể bán điện dư thừa hoặc khấu trừ vào tổng sản lượng sử dụng dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.

“Với các cơ sở sản xuất, để có thể xuất khẩu hàng hóa đòi hỏi sử dụng năng lượng sạch với tỉ lệ nhất định. Trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng, năng lực đầu tư, vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, cần có đối tác thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định hiện không cho phép phát sinh quan hệ thương mại trong việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phát triển loại hình năng lượng sạch này, đặc biệt tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, vốn là những khu vực có phụ tải lớn, hoạt động liên tục” - ông Trường nêu ý kiến.

Vì sao cấm bán điện cho tổ chức, cá nhân khác?

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, hiện nay chúng ta vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu điện nên việc khuyến khích phát triển điện mặt trời là chủ trương đúng đắn.

Các đề xuất mà Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo lần này như Nhà nước sẽ ưu tiên ngân sách để phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công; các dự án được miễn giấy phép hoạt động điện lực; không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng… là phù hợp, tạo điều kiện cho người dân phát triển điện mặt trời mái nhà.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần giải thích rõ để người dân hiểu về cơ chế điều hành điện, về việc tại sao cho người dân phát điện dư thừa lên lưới nhưng không được thanh toán tiền.

“Bộ Công Thương cũng có thể xem xét nghiên cứu phát triển cơ chế giá điện phát lên lưới theo khung giờ đối với điện mặt trời mái nhà nhằm khuyến khích việc tự đầu tư hệ thống pin lưu trữ tại chỗ. Nghiên cứu phương án hỗ trợ phát triển hệ thống pin lưu trữ tại chỗ và các phương án kỹ thuật liên quan để nâng cao khả năng cân bằng lưới điện từ các nguồn vốn xã hội.

Về bản chất đây là các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, độ thông minh của hệ thống lưới điện truyền tải, khả năng truyền tải điện. Vậy nên cần có những cơ chế đột phá hơn nhằm nâng cao được các nguồn vốn xã hội cho việc cân bằng lưới điện.

Tiến sĩ Tô Văn Trường

Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, ngoài các chính sách khuyến khích nêu trên thì việc Bộ Công Thương đề xuất nghiêm cấm kinh doanh đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; không được bán điện cho tổ chức, cá nhân khác là… không phù hợp.

“Ngành điện không có lý do gì để biện minh cho vấn đề này. Trong quy hoạch điện đã khuyến khích mua bán điện trực tiếp, người dân và doanh nghiệp có điện dư thừa được coi là người bán trực tiếp cho người tiêu dùng, vậy tại sao lại cấm? Theo tôi, quy định này nên bỏ vì không có tính pháp lý, đi ngược lại Quy hoạch Điện VIII” - ông Phong nhấn mạnh.

TS. Tô Văn Trường thì chia sẻ, điện mặt trời mái nhà vốn là hình thức đầu tư nguồn điện cung cấp cho phụ tải tại chỗ. Thời gian thực hiện ngắn, có thể xem xét là giải pháp tích cực để góp phần đảm bảo cung ứng điện.

Để phát triển loại hình năng lượng này, Bộ Công Thương nên cho phép các cá thể, doanh nghiệp đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép bán điện lên lưới hoặc khấu trừ sản lượng tiêu thụ trong chu kỳ thanh toán. Với các hệ thống bán điện lên lưới có thể khống chế sản lượng tối đa 30% để đảm bảo hiệu quả tổng thể.

Bộ Công Thương cũng nên cho phép thương mại hóa việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để phù hợp với tính cung - cầu của thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn năng lượng sạch với chi phí hợp lý, góp phần thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Lưu ý là tại những khu công nghiệp khoảng 50 ha trở lên có thể lắp được 20-30Mwp điện mặt trời, khi đưa lên lưới sẽ ảnh hưởng đến hệ thống lưới, phải có kinh phí để kiểm soát việc biến động này. Do đó, ngoài việc thương thảo để mua giá điện hợp lý, còn phải chú ý đến an ninh và ổn định lưới điện.

Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là nguồn cung không ổn định

Lý giải về đề xuất mua điện mặt trời giá 0 đồng, Bộ Công Thương cho rằng lượng điện dư thừa có thể ảnh hưởng tới an toàn, an ninh hệ thống điện. Hiện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết nhưng đây là các yếu tố bất định. Khi không có bức xạ mặt trời, lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện.

Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Như vậy cần phải có sự quản lý, giám sát của nhà nước để đảm bảo vận hành an toàn.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-mua-dien-mat-troi-mai-nha-voi-gia-0-dong-post786272.html