Cách đây ít ngày, Trung Quốc đã trình bày bản kế hoạch hòa bình cho Ukraine bao gồm 12 điểm và ngay lập tức thu hút sự quan tâm sâu sắc từ cộng đồng quốc tế.
Ngay cả chính quyền Ukraine cũng đánh giá kế hoạch này là “có giá trị”. Tuy nhiên tính khả thi đang gây tranh cãi, đặc biệt khi Mỹ và một số nước phương Tây khác chưa công nhận vai trò trung lập của Trung Quốc.
Không chỉ có vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như một số nhà lãnh đạo phương Tây còn lên tiếng chỉ trích sáng kiến mà phía Trung Quốc đưa ra, khi cho rằng nó chỉ mang lại lợi ích cho Nga.
Nhưng trên hết, việc Trung Quốc nhanh chân hơn Mỹ để đưa ra bản kế hoạch hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine mang lại cho họ vị thế lớn, đồng thời khiến Washington rơi vào thế khó.
Trước diễn biến trên, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia Rick Grenell bình luận, nếu Mỹ không đưa ra giải pháp của riêng mình cho cuộc xung đột Ukraine trong tương lai gần thì vai trò quốc tế của Washington có thể suy giảm nghiêm trọng, ý kiến được trang Newsmax đăng tải.
“Sẽ là một thảm họa đối với nước Mỹ nếu họ để cho Trung Quốc giữ vai trò quyết định trong việc đàm phán một thỏa thuận hòa bình giữa Ukraine và Nga”, cựu quan chức tình báo nhấn mạnh.
Ông Rick Grenell lưu ý rằng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bày tỏ mong muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi Bắc Kinh trình bày bản kế hoạch hòa bình nói trên.
Như vậy Kyiv đã thực hiện một bước đi "qua mặt" Tổng thống Joe Biden, khi người đứng đầu nước Mỹ đã thẳng thừng từ chối thực hiện bản kế hoạch hòa bình của Trung Quốc.
“Trung Quốc đang chiếm ưu thế vì họ là nước đầu tiên đưa ra một bản kế hoạch hòa bình chứ không phải Bộ Ngoại giao Mỹ và Ngoại trưởng Anthony Blinken”, cựu Giám đốc Tình báo Rick Grenell nói rõ.
Ông Grenell còn chỉ trích Bộ Ngoại giao Mỹ không làm gì để thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Lầu Năm Góc cũng không thành công với các biện pháp cụ thể, mà chỉ đơn giản là cung cấp tiền của người đóng thuế Mỹ để ném vào cuộc xung đột này.
“Đưa ra một bản kế hoạch hòa bình có tính khả thi và thực hiện là quá trình kéo dài và vô cùng khó khăn, nhưng dự thảo của Trung Quốc là một sự khởi đầu tốt".
"Và điều khiến tôi thực sự không hài lòng là Bộ Ngoại giao không đi đầu, họ đã để cho Trung Quốc làm lu mờ vai trò một lần nữa, và bây giờ nước Mỹ trông rất yếu ớt”, cựu Giám đốc Tình báo Mỹ kết luận.
Vào lúc này, Kyiv vẫn tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng cho đến khi Nga rời khỏi lãnh thổ, trong khi Moskva không có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng chiến dịch quân sự đặc biệt trong thời gian tới.
Để tiến tới việc ngồi lại đàm phán là rất khó khăn, cần một cú hích thật sự từ các bên. Những bài học trong quá khứ cho thấy xung đột và chiến tranh không mang lại lợi ích cho bất cứ bên nào, đối thoại và đàm phán chính là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng.