Vì sao NATO muốn ông Stoltenberg kéo dài nhiệm kỳ Tổng Thư ký?
Nếu đồng ý theo yêu cầu của các quốc gia thành viên, Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg, người đã tại vị gần 9 năm qua, sẽ tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này thêm một năm, đến mùa Hè 2024.
Hôm 28/6, tờ Verdens Gang của Na Uy dẫn các nguồn tin ngoại giao liên quan cho biết, các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí yêu cầu Tổng Thư ký khối này, ông Jens Stoltenberg, tiếp tục đảm nhiệm chức vụ thêm một năm, sau khi nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào cuối tháng 9 tới.
“Chính phủ của tất cả 31 quốc gia thành viên NATO cùng thống nhất với quyết định yêu cầu ông Jens Stoltenberg tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký khối thêm một năm nữa.”, tin viết.
Việc có kéo dài nhiệm kỳ hay không, về nguyên tắc, cần sự đồng ý của ông Stoltenberg.
NATO mong đợi ông Stoltenberg sẽ xác nhận yêu cầu này trong vài ngày tới, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh của khối vào 11-12/7 tại Vilnius, Litva.
Vào tối ngày 28/6, tại một cuộc họp báo ở The Hague, trả lời câu hỏi của Đài phát thanh truyền hình quốc gia Na Uy NRK, ông Stoltenberg cho biết, ông đã nhiều lần nói rõ quan điểm của mình rằng, ông không tìm kiếm kéo dài nhiệm kỳ.
Tổng Thư ký là một nhân vật chính trị cấp cao của một nước thành viên NATO, do các nước thành viên hiệp thương, bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm. Tuy nhiên thời gian này có thể được gia hạn khi có sự đồng ý của cả hai phía.
Vị trí này theo truyền thống được nắm giữ bởi một nhân vật chính trị cấp cao của châu Âu.
Ông Stoltenberg, một chính trị gia kỳ cựu, cựu lãnh đạo Công Đảng Na Uy, từng làm Thủ tướng Na Uy trong các giai đoạn 2000-2001 và 2005-2013. Ông cũng từng là Bộ trưởng Công nghiệp- Năng lượng (1993- 1996) và Bộ trưởng Tài chính Na Uy (1996-1997).
Được NATO bổ nhiệm làm Tổng Thư ký từ 1/10/2014 đến nay, nhiệm kỳ của ông Stoltenberg đã 3 lần được gia hạn.
NATO muốn ông Stoltenberg tiếp tục đảm nhiệm cương vị có lẽ bởi muốn duy trì ổn định chính sách hiện thời, tránh những xáo trộn trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột Ukraine.
“Dưới sự lãnh đạo của ông Stoltenberg, NATO đã đối phó với một môi trường an ninh thách thức hơn bằng cách thực hiện tăng cường phòng thủ tập thể lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh, tăng cường khả năng sẵn sàng và triển khai lực lượng ở biên giới phía đông của Liên minh. Ông tin tưởng vào khả năng răn đe và phòng thủ đáng tin cậy trong khi duy trì đối thoại với Nga. Ông cũng ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng và chia sẻ gánh nặng tốt hơn trong Liên minh, đồng thời tập trung nhiều hơn vào cải tổ. NATO cũng đã tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông ủng hộ mạnh mẽ cách tiếp cận phối hợp, với sự hợp tác giữa NATO và Liên minh châu Âu đạt đến mức chưa từng có.”, mô tả của NATO về ông Stoltenberg, nói.