Vì sao ngành Thủy văn học nhiều tiềm năng nhưng tuyển sinh khó?

Công tác tuyển sinh ngành Thủy văn học có khởi sắc nhưng nhiều sinh viên vẫn e ngại về mức lương khởi điểm sau khi ra trường.

Ngành Thủy văn học cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng để học sinh và phụ huynh hiểu, tiếp cận được thông tin về ngành vẫn là điều khiến nhiều giảng viên và cơ sở giáo dục đại học trăn trở.

Gặp khó khi định nghĩa ngành cho học sinh, phụ huynh

Để có thêm những thông tin về chương trình đào tạo, những thuận lợi khó khăn của ngành Thủy văn học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Viện phó Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Thủy Lợi) và Tiến sĩ Trương Vân Anh - Trưởng khoa Khoa Khí tượng Thủy văn (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thủy văn học là ngành khoa học cơ bản, cần thiết cho lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, trong khai thác và quản lý các công trình thủy lợi, thủy điện,... Sinh viên theo học ngành này tại trường sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu về tài nguyên nước; môi trường.

Thời gian đào tạo của ngành này là 4,5 năm gồm các khối kiến thức: Giáo dục đại cương, kiến thức kỹ thuật, kiến thức nền và kiến thức chuyên sâu về ngành Thủy văn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tùng (đứng giữa) - Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Viện phó Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Thủy Lợi). Ảnh: website trường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tùng (đứng giữa) - Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Viện phó Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Thủy Lợi). Ảnh: website trường.

Theo thầy Tùng, chương trình đào tạo ngành Thủy văn học của các trường về cơ bản đều đào tạo gần giống nhau. “Riêng tại Trường Đại học Thủy Lợi, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên được đào tạo kiến thức về ứng dụng.

Trong những năm gần đây, nhu cầu của xã hội về khối ngành Kỹ thuật ở Việt Nam nói riêng cũng như các nước châu Á nói chung đang đi xuống. Điều này chỉ ra rằng, nếu không có sự thay đổi, ngành Thủy văn học sẽ gặp khó trong công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội”, Phó Trưởng khoa Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước nhận định.

Đồng thời, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tùng chỉ ra nguyên nhân khiến nhiều sinh viên không “mặn mà” với ngành học này, vì:

Thứ nhất, học sinh và phụ huynh có xu hướng lựa chọn các ngành học liên quan đến kinh tế, công nghệ thông tin theo “quan niệm” đây là ngành học có cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp.

Thứ hai, công tác quảng bá trong hoạt động tuyển sinh của trường chưa tốt. Bởi, để học sinh và phụ huynh hiểu về ngành Thủy văn học là gì thì rất khó.

Trước vấn đề này, lãnh đạo nhà trường, Khoa và các thầy cô giảng viên có những đề xuất cụ thể để cải thiện tình hình. Theo đó, nhà trường đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyển sinh cho ngành Thủy văn học bằng cách mỗi giảng viên là một tuyên truyền viên thông qua mạng xã hội, hội cựu sinh viên học viên của khoa để truyền thông về những điểm mới trong công tác đào tạo của ngành.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh, trường tiến hành thực hiện thay đổi nội dung, kết cấu chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hiện nay của xã hội và nhà tuyển dụng.

“Thời điểm 3 - 4 năm trước, khi ngành Thủy văn học của trường có hơn 100 sinh viên thuộc khóa 57 theo học, thì đến khóa 58 ngành chỉ còn 25 sinh viên theo học. Tuy nhiên, theo thống kê 2 năm trở lại đây, số lượng sinh viên tham gia học đã tăng lên đáng kể, Khoa tổ chức mở 2 lớp ngành này với số lượng sinh viên từ 80 - 90 em.

Điều này cho thấy, việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh giúp cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về ngành Thủy văn học đã đem lại kết quả tích cực”, thầy Tùng chia sẻ.

Cùng là cơ sở đào tạo ngành Thủy văn học, Khoa Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hướng tới việc tạo ra một môi trường học thuật mở, nơi đào tạo các nhà Khí tượng - Khí hậu học và Thủy văn học ở Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trương Vân Anh cho biết, thời gian đào tạo hệ đại học chính quy ngành Thủy văn là 4 năm tương đương với 133 tín chỉ với chuẩn đầu ra đáp ứng các yêu cầu liên ngành đối với lĩnh vực Khí tượng Thủy văn.

Tiến sĩ Trương Vân Anh - Trưởng khoa Khoa Khí tượng Thủy văn - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trương Vân Anh - Trưởng khoa Khoa Khí tượng Thủy văn - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, nhà trường đào tạo ngành này theo 3 mảng lớn gồm có quan trắc và dự báo thủy văn; tính toán thủy văn, quản lý tài nguyên nước mặt; tính toán, dự báo nước ngầm. Theo cô Vân Anh, mặc dù nước ngầm chiếm tỷ trọng lớn và là nguồn tài nguyên nước cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất của con người nhưng đây cũng là nguyên nhân hình thành hiểm họa như sụt lún đất, cạn kiệt nguồn nước dưới đất,…. Vì vậy, nhà trường coi kiến thức về nước ngầm là một trong những trọng tâm của chương trình đào tạo nhằm cung cấp cho sinh viên khối lượng kiến thức chuyên sâu về vấn đề này.

Tiến sĩ Trương Vân Anh cho hay, trong những năm trở lại đây, công tác tuyển sinh đối với về ngành học này đã có sự khởi sắc nhất định nhưng vẫn còn rất hạn chế theo xu hướng chung đối với các ngành kỹ thuật.

Trăn trở về công tác tuyển sinh ngành Thủy văn học, cô Vân Anh bày tỏ: “Để học sinh và phụ huynh hiểu về thủy văn và những thách thức của ngành là rất khó. Do vậy, trong công tác tuyển sinh, Khoa thường triển khai hoạt động thực tế giúp học sinh và phụ huynh có thể hiểu rõ hơn về ngành học này, từ đó, đưa ra những lựa chọn tốt nhất và phù hợp nhất”.

Nhiều sinh viên không “mặn mà” với ngành vì lương khởi điểm thấp

Khoa Khí tượng Thủy văn, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không chỉ tập trung truyền đạt kiến thức chuyên môn cho sinh viên mà việc thực hành cũng được chú trọng.

Chương trình đào tạo ngành Thủy văn học thay đổi định kỳ 2 năm/lần để phù hợp với biến động của xã hội và nhu cầu của người sử dụng lao động. Theo cô Vân Anh, Khoa đào tạo cho sinh viên biết thêm về công nghệ lập trình, viễn thám giúp sinh viên thích ứng với công nghệ hiện đại của ngành nghề hiện nay.

“Nhà tuyển dụng lao động đồng hành cùng Khoa trong quá trình rà soát chương trình đào tạo của ngành. Tại đây, nhà tuyển dụng đóng vai trò là người tư vấn và góp ý trực tiếp để Khoa có những thay đổi phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ngoài ra, Khoa còn phối, kết hợp với các trường đại học lớn đến từ Thụy Sĩ, Đức, Ý, song song phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học trong nước.

Nghiên cứu khoa học và đào tạo là 2 hoạt động bổ trợ cho nhau. Khi nghiên cứu về những vấn đề mới, đây là nội dung sẽ được xuất hiện trực tiếp trong bài giảng, đồng thời sinh viên của ngành sẽ trực tiếp tham gia thực hành ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Hoạt động thực tế của sinh viên ngành Thủy văn học, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: NVCC

Hoạt động thực tế của sinh viên ngành Thủy văn học, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: NVCC

Sinh viên có cơ hội thực tập tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Tổng cục Khí tượng Thủy văn là một trong những đơn vị phối hợp chặt chẽ trong quá trình đào tạo của Nhà trường. Trong quá trình thực tập, sinh viên thể hiện được năng lực, sự cố gắng của bản thân, sau khi ra trường, nhiều bạn được mời về làm việc tại cơ quan này.

Tuy nhiên, cơ chế tiền lương khởi điểm là điều khiến sinh viên không còn đam mê và mong muốn làm việc trong ngành Thủy văn học. Đây có lẽ là điều trăn trở của không chỉ sinh viên mà còn là của giảng viên và Khoa trong thời gian vừa qua”, cô Vân Anh nói.

Cô Vân Anh thông tin thêm, đối với các vị trí việc làm ngành thủy văn, kinh nghiệm công tác là điều quan trọng và quyết định mức lương của các cán bộ. Sinh viên mới tốt nghiệp đại học ra trường kinh nghiệm chưa nhiều, nên mức lương khởi điểm thấp, dễ làm các bạn nản lòng nếu không có một lý tưởng và mục tiêu phấn đấu rõ ràng.

Bên cạnh đó, khi đã xác định được mục tiêu học tập và tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và ngoại ngữ ngay tại giảng đường, sinh viên có thể có mức lương cạnh tranh đáng mơ ước. Ngược lại, nếu sinh viên chưa thực sự say mê nghề nghiệp, cần thời gian tích lũy kinh nghiệm, dẫn đến mất định hướng và dễ bỏ nghề do không thể thích ứng với mức lương khởi điểm còn hạn chế.

Hiện đang có rất nhiều các cơ quan, đơn vị tuyển dụng lĩnh vực thủy văn, yêu cầu có các kiến thức và kỹ năng chuyên ngành nhất định, sẽ đảm bảo các mức lương theo thỏa thuận.

Còn thầy Tùng chia sẻ, Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước (Trường Đại học Thủy Lợi) mong muốn sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu xã hội vì vậy, chương trình và phương pháp đào tạo luôn được Khoa và thầy cô giảng viên chú trọng.

Hiện, Trường Đại học Thủy Lợi có Viện Kỹ thuật tài nguyên nước và Viện Thủy văn Môi trường và Biến đổi khí hậu, đây là nơi sinh viên ngành Thủy văn học của trường tham gia thực hành và nghiên cứu khoa học cùng giảng viên trong nhiều đề tài và dự án.

Sinh viên ngành Thủy văn học tham gia hội thảo trao đổi về nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Thủy lợi và Đại học Chuo (Nhật Bản). Ảnh: NVCC

Sinh viên ngành Thủy văn học tham gia hội thảo trao đổi về nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Thủy lợi và Đại học Chuo (Nhật Bản). Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, Khoa ký hợp đồng với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương về việc tư vấn vận hành hệ thống sông, hồ chứa nước lớn trong mùa lũ.

Đồng thời, Khoa Kỹ thuật tài nguyên nước đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng cục Khí tượng Thủy văn, với sự hợp tác này, Khoa và sinh viên nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học. Đồng thời, đây cũng là nơi để sinh viên thực hành và cọ xát với nghề.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thanh Tùng thông tin thêm: “Tôi tin rằng khả năng làm việc thực tế, kỹ năng nghề của sinh viên sẽ được cải thiện tốt hơn song song với việc lĩnh hội kiến thức chuyên môn qua công tác đào tạo tại Khoa và trường.

Các môn học có nội dung tách biệt khi sinh viên được tập trung lĩnh hội kiến thức lý thuyết về ngành và thực hành thông qua đồ án môn học. Mỗi môn học, sinh viên có nhiều đồ án để lựa chọn.

Kể đến bộ môn Thủy văn nước mặt, sinh viên có thể lựa chọn đồ án như quy hoạch phòng chống lũ, đồ án tính toán thủy văn phục vụ thiết kế hồ đập, thiết kế hệ thống tưới, hệ thống tiêu thoát nước,… để thực hành”.

Đề cập đến cơ hội việc làm của sinh viên, thầy Tùng cho hay, nếu công tác tuyển sinh vẫn kém như nhiều năm trước, trong khi cơ quan chuyên môn đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công việc của kỹ sư thủy văn thì sẽ dẫn đến tình trạng thiếu người lao động. Sinh viên có thể làm việc với vai trò là dự báo viên, quan trắc viên, nghiên cứu viên, kỹ sư, tư vấn thiết kế cho công trình xây dựng,…

Chia sẻ về định hướng đào tạo của Khoa đặc biệt là ngành Thủy văn học trong thời gian tới, thầy Tùng nêu: “Số lượng sinh viên tốt nghiệp ít và chưa đảm bảo chất lượng nếu việc tuyển sinh tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, Khoa mong muốn cung cấp thêm nhiều kiến thức cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Đồng thời, nhà trường cũng luôn chú trọng xây dựng và duy trì mối quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp và cơ quan.

Mặt khác, trong quá trình giảng dạy, thầy cô nhận thấy việc bổ sung hoạt động kỹ năng cho sinh viên còn chưa tốt nên Khoa kỳ vọng sẽ cải thiện kỹ năng mềm cho các em trong thời gian tới.

Và không thể thiếu là sự nỗ lực của chính sinh viên, ngoài việc học từ thầy, sinh viên nên học từ bạn và quan trọng nhất là học từ chính mình. Điều này đòi hỏi sinh viên có tinh thần tự học, đọc sách hay sử dụng mạng Internet để tra cứu, trau dồi thông tin, kiến thức nền về ngành”.

Xét về khía cạnh chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội luôn khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ, bên cạnh đó là chế độ đãi ngộ khi giảng viên, nghiên cứu sinh khi học tập tại nước ngoài hay tại các trường đại học trong nước.

Thảo Ly

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vi-sao-nganh-thuy-van-hoc-nhieu-tiem-nang-nhung-tuyen-sinh-kho-post238609.gd