Vì sao người làng nghề không muốn vào làng nghề

Sinh ra ở làng nghề và làm nghề của làng nghề nhưng nhiều người dân vẫn không thấy mừng vui khi làng nghề được quy hoạch, xây dựng để tập trung người làm nghề về một điểm. Đó cũng là những băn khoăn, trăn trở của một số địa phương có làng nghề hiện nay.

Sản xuất miến gạo tại xã Thăng Long, huyện Nông Cống.

Làng nghề sản xuất miến gạo Thăng Long ở xã Thăng Long (Nông Cống) được công nhận làng nghề vào tháng 2-2016. Hơn 2 năm sau đó, vào tháng 6-2018, HTX dịch vụ miến gạo Thăng Long được thành lập. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua kể từ khi ra đời đến nay, HTX mới chỉ có 27/41 thành viên tham gia, còn 14 hộ làm nghề chưa vào HTX. Lý giải về điều này, ông Trương Hữu Hoa, Giám đốc HTX dịch vụ miến gạo Thăng Long cho biết: Có một số hộ đang băn khoăn liệu vào HTX sẽ được gì. Chúng tôi cũng đã vận động nhiều lần nhưng các hộ này còn đang lưỡng lự. Tới đây, khi HTX xây dựng chuỗi sản xuất theo mô hình tập trung, thị trường sẽ được quan tâm hơn, giá theo đó cũng sẽ cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ, lúc đấy hy vọng sẽ thu hút được người làng nghề vào HTX nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc khi làng nghề tại khu Đồng Mẫu làng Tân Giao được xây dựng sẽ có sự tham gia đầy đủ của người làng nghề sản xuất miến gạo Thăng Long.

Tại làng nghề mộc xã Thọ Minh (Thọ Xuân) hiện có hơn 100 hộ. Dù đã có đề án quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề tại xã nhưng vẫn không khả quan. Cái khó ở Thọ Minh là hiện tại vẫn chưa có một nhà đầu tư nào vào để xây dựng cụm công nghiệp này. Khi không có nhà đầu tư hạ tầng thì cũng khó cho việc kêu gọi doanh nghiệp. Trước đây, đã có doanh nghiệp nước ngoài đến để khảo sát thực tế nhưng sau đó “lắc đầu” vì hạ tầng giao thông ở đây không thể đáp ứng cho việc một ngày có khoảng vài container vào chở hàng. Ông Lê Năng Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Thọ Minh chia sẻ: Hạ tầng giao thông đã khó, vấn đề khó hơn là chưa đầu tư một cái gì mà đã kêu người dân nếu vào cụm công nghiệp thì phải đặt tiền trước. Họ đã thấy được gì đâu mà đóng tiền. Hơn nữa, mấy năm nay, sản phẩm của làng nghề bán rất chậm nên người dân cũng không tha thiết đăng ký vào làng nghề. Bởi họ cũng phải đặt ra bài toán: Họ kinh doanh tại nhà không phải mất tiền thuê địa điểm, giờ vào làng nghề lại mất một khoản chi phí.

Cũng theo ông Dũng, việc các hộ dân sản xuất ngay tại nhà vừa tạo tiếng ồn, ảnh hưởng đến môi trường nên chính quyền địa phương đã vận động, tuyên truyền nhiều lần để các hộ đăng ký tham gia vào cụm công nghiệp làng nghề. Nhưng các hộ dù có đồng ý cũng không thể “bắt” dân đóng tiền ngay khi họ chưa thấy gì trên diện tích 25 ha đã được quy hoạch. Chính vì vậy đã khiến người làng nghề từ chối không vào làng nghề. Điều khiến vị lãnh đạo này trăn trở chính là phải có nhà đầu tư hạ tầng thì mới kết nối được doanh nghiệp. Có doanh nghiệp vào sẽ giải quyết được việc làm cho người dân địa phương. Dù đã mời được 4 doanh nghiệp đến khảo sát xong nhưng tất cả đều không trở lại vì hạ tầng giao thông không bảo đảm.

Công nhận làng nghề là một chuyện. Quy hoạch làng nghề lại là một vấn đề đáng quan tâm. Nhưng dù có quy hoạch thì cái khó vẫn lại chính là người của làng nghề. Làm thế nào có làng nghề là tiếp tục phát huy được giá trị sản xuất, là hiệu quả của sản phẩm chứ không thể vào làng nghề thì người dân lại phải bù lỗ nhiều hơn. Cái chính vẫn là một bài toán được tính toán kỹ từ đường đi nước bước, có sự hài hòa mà ở đó vừa thuận cả cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và người sản xuất...

Vân Sơn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/vi-sao-nguoi-lang-nghe-khong-muon-vao-lang-nghe/110187.htm