Vì sao người quá thông minh lại khó có cơ hội để thành công

Sách 'Những kẻ xuất chúng' của Malcolm Gladwell cho ta thấy thành công là sự tụ hội của nhiều yếu tố chứ không dừng lại ở tài năng bẩm sinh hay nỗ lực.

Khác với tư duy lối mòn của nhiều tác phẩm viết về thành công, về ánh hào quang của người nổi tiếng theo kiểu “Câu chuyện lúc nào cũng y nguyên một kiểu: người hùng của chúng ta được sinh ra trong những hoàn cảnh gieo neo, nhờ có nỗ lực bền bỉ và tài năng mà tìm được con đường đi đến vĩ đại”, sách Những kẻ xuất chúng đưa ra một cách nhìn mới lạ về nguồn gốc của thành công.

Tác giả Malcolm Gladwell không phủ nhận hoàn toàn tư duy lối mòn kiểu trên, thậm chí ông còn nhấn mạnh hơn nữa vai trò của ý chí và nghị lực, của đức tính siêng năng và cần cù rèn luyện đối với thành công.

Tuy nhiên, ông lại tiếp cận thành công theo một góc nhìn khác đó là lần tìm đến cội nguồn của thất bại, cách làm này tương tự việc sử dụng phương pháp phản chứng trong toán học. Và ông cố gắng lý giải tại sao người này thất bại, người khác thì không bằng những lập luận logic về điều kiện cần và đủ của thành công, rồi sau đó đưa ra những minh chứng sống động về các phiền phức xảy ra đối với một nhân tài.

 Sách Những kẻ xuất chúng. Ảnh: M.C.

Sách Những kẻ xuất chúng. Ảnh: M.C.

Tại sao người này thất bại, người khác thì không

Theo Malcolm Gladwell, thành công chính là tài năng cộng sự chuẩn bị. Để đạt được thành công thì chúng ta phải kiên trì rèn luyện, nói cách khác đây là khổ luyện thành tài. Bill Gates đã dành cả ngày để học lập trình máy tính. Nhóm Beatles tập nhạc thường xuyên trên sân khấu. Đúng là họ rất giỏi, nhưng nhờ tập luyện bền bỉ thì họ mới vươn tới đẳng cấp thế giới.

Để trở thành chuyên gia trong bất cứ thứ gì, các nghiên cứu đã chỉ ra bạn cần dành một khoảng thời gian tối thiểu - khoảng 10.000 giờ - luyện tập. Tất nhiên, không phải ai cũng có cơ hội tu luyện như vậy, bởi theo Malcolm Gladwell những nhân vật xuất chúng đều là những người được hưởng lợi từ một vài cơ hội bất thường nào đó. Đầu tiên, bạn cần có cơ hội khởi đầu sớm để có thể luyện tập tối đa và đảm bảo lợi thế xuất phát trước. Ngoài ra, bạn hoặc gia đình của bạn cũng cần phải có nguồn lực để hỗ trợ…

Lý giải tại sao người này thất bại, người khác thì không, Malcolm Gladwell đã đưa ra những minh chứng sống động về các phiền phức xảy ra đối với một nhân tài. Ông cho rằng thông minh xuất chúng đôi khi là một nhược điểm, quá thông minh bạn sẽ không có cơ hội để thành công.

Thực tế đã chứng minh những người thông minh nhất thường luôn tính toán, lường trước được mọi tình huống, cơ hội, cũng như rủi ro có thể xảy ra. Họ sẽ không mạo hiểm nắm lấy các cơ hội lớn trước mắt, đồng nghĩa họ không thể có những thành công vượt trội.

Malcolm Gladwell cũng phát hiện rằng không ai trong số những người được đánh giá có chỉ số IQ cao nhất lại làm nên những thành công lớn lao. Ví dụ điển hình là Chris Langan, người được mệnh danh là thông minh nhất nước Mỹ với chỉ số IQ 195, tham gia cuộc chơi Đấu trường 100. Chris Langan đã dừng cuộc chơi ở mức thưởng 250.000 đôla, vì không dám mạo hiểm ở câu tiếp theo. Trong khi đã có 3 người có chỉ số IQ không bằng Langan lại đạt được mức thưởng 1 triệu đôla.

Nhiều học giả Mỹ cũng đã tổng kết rằng những nhân vật thông minh nhất không thể trở thành tổng thống Mỹ. Những người đạt giải Nobel danh giá cũng thường không phải là những người thông minh nhất khi còn bé.

 Chris Langan có chỉ số IQ cao hơn nhiều thiên tài đã thành danh của thế giới. Hiện ông sống trong một nông trại nuôi ngựa ở vùng nông thôn Missouri. Ảnh: Amazon.

Chris Langan có chỉ số IQ cao hơn nhiều thiên tài đã thành danh của thế giới. Hiện ông sống trong một nông trại nuôi ngựa ở vùng nông thôn Missouri. Ảnh: Amazon.

Những nhân tố nền tảng quyết định khả năng thành công của một nhân tài

Bên cạnh tài năng, rèn luyện và may mắn, Malcolm Gladwell còn cho rằng thành công còn có sự tác động của năm sinh hay tháng sinh.

Trong cuốn sách, Malcolm Gladwell đã liệt kê 75 nhân vật giàu có nhất trong lịch sử vài nghìn năm của thế giới.

Điều đáng chú ý là trong số 75 người trên thì có tới 12 người (khoảng 20%) là công dân Mỹ sinh vào thập niên 1830 như: vua giàu mỏ Rockefeller - 1839, vua thép Andrew Carnegie - 1835, trùm ngân hàng J.P Morgan - 1837.

Tiếp nữa là những nhà lãnh đạo ngành IT thế giới đều sinh trong những năm 1955-1956: Bill Gates - 28/10/1955, Steve Jobs - 24/11/1955, Steve Ballmer - 24/3/1956, Eric Schmith - 27/4/1955…

Khác với những lý giải thành công từng được nhiều người đưa ra, Gladwell lần lại lịch sử và nhận thấy nhiều mốc chuyển biến có ảnh hưởng quyết định đến sự thành công của những người này.

Đối với nước Mỹ, cuộc cách mạng công nghiệp - có lẽ là sự chuyển đổi vĩ đại nhất trong lịch sử nước này - với hàng loạt sự kiện diễn ra những năm năm 1860-1870 như: thiết lập đường xe lửa từ Đông sang Tây, tìm ra mỏ dầu ở Texas, Phố Wall hình thành…

Và những người biết chộp giật cơ hội này để làm giàu phải ở độ tuổi 30 vì nếu bạn sinh ra vào thập niên 1840 thì còn quá trẻ (mới ngoài 20 tuổi), không đủ trưởng thành, không đủ kinh nghiệm để chộp giật cơ hội có một không hai đó. Còn nếu bạn sinh trước 1820 (tính đến thập niên 1860-1970 khoảng 40 tuổi) tư tưởng của bạn đã đóng khung theo mô típ của thời kỳ trước nội chiến. Hơn nữa, bạn đã quá già để dám chấp nhận mạo hiểm.

Tương tự vậy, sự kiện cách mạng trong ngành IT thế giới xảy ra vào tháng 1/1975, khi tạp chí Popular Electronic thông báo việc ra đời chiếc máy kỳ diệu Altair 8800, mở đầu kỷ nguyên máy tính cá nhân. Và thế hệ tốt nhất được hưởng lợi từ cơ hội này không ai khác đó chính là lứa Bill Gates, Steve Jobs, Steve Ballmer, Eric Schmith…

Bên cạnh yếu tố kể trên, Malcolm Gladwell còn cho rằng các cơ hội và di sản văn hóa là hai nhân tố nền tảng quyết định khả năng thành công của một nhân tài.

Theo ông, trong cuộc đời của mỗi con người đều tàng chứa những cơ hội “trời cho”. Nhưng chúng ta đâu có sống trong chân không mà sống cùng với biết bao nhiêu đồng loại, với những vận hội của đất nước, của thời đại. Ai có khả năng nhận diện được những cơ may, vận hội đó, nắm bắt và tận dụng được chúng thì người đó có nhiều khả năng thành công hơn.

Nhưng người thành công không chỉ ngồi chờ cơ hội mà họ thường chủ động tạo ra những cơ chế thuận lợi để đạt được mục đích của mình. Nhân định thắng thiên, thời thế tạo anh hùng nhưng chính anh hùng cũng góp phần tạo chuyển thời thế.

Cũng theo Malcolm Gladwell, kế thừa các di sản văn hóa, phát huy truyền thống của gia đình, chủng tộc, dân tộc là yếu tố quan trọng thứ hai quyết định sự thành công.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nguoi-qua-thong-minh-lai-kho-co-co-hoi-de-thanh-cong-post1419274.html