Vì sao nhà đầu tư ngoại 'đổ vốn' vào lĩnh vực du lịch Việt?
Chứng kiến sự tăng trưởng nhanh của ngành du lịch nước ta, năm 2019, nhiều công ty, tập đoàn hàng đầu của thế giới đã công bố 'đổ vốn' mở các khách sạn, nhà hàng trên khắp Việt Nam.
Sức hút từ phong cảnh và nền văn hóa
Lý giải sức hút của du lịch Việt Nam, ông Edward Faull - Giám đốc điều hành của Swiss-Belhotel International (tập đoàn quản lý khách sạn có trụ sở tại Hồng Kông) kiêm Phó Chủ tịch điều hành - phát triển tại Việt Nam - nhận xét: Việt Nam là một trong những điểm đến thú vị nhất trên thế giới. Phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nền văn hóa đa dạng kết hợp với nền kinh tế thịnh vượng, cơ sở hạ tầng đang được hiện đại hóa và các chính sách đổi mới của Chính phủ đang thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng số lượng du khách trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của các tổ chức thế giới, Việt Nam là một trong 10 thị trường du lịch phát triển nhanh nhất thế giới. Ngành du lịch Việt Nam đang đạt được từ thành công này sang thành công khác; lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua. Năm 2019, dự kiến đạt 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700.000 tỷ đồng.
Nhận định về sự phát triển của du lịch Việt Nam, lãnh đạo Tổng cục Du lịch khẳng định: Chính sự tăng trưởng liên tục trong những năm qua của ngành du lịch Việt Nam đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ, lưu trú…
Theo dữ liệu từ Công ty phân tích STR, Việt Nam hiện có 29.625 phòng khách sạn đang được xây dựng khắp cả nước - tương đương với gần 30% nguồn cung ứng phòng hiện tại. Điều này càng khẳng định rằng, sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tạo ra sức hút đáng kể với các nhà đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, khách sạn trên khắp Việt Nam.
DN ngoại “ồ ạt” công bố chiến lược đầu tư
Với sức hút của du lịch Việt, tháng 11/2019, Tập đoàn Swiss-Belhotel International đã tiết lộ kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư tại Việt Nam với hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng và căn hộ mới tại các điểm đến thú vị trên khắp cả nước. Theo đó, Swiss-Belhotel International đang lên kế hoạch khai trương ít nhất 10 khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong 3-4 năm tới. Các điểm đến đang được cân nhắc bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng, các điểm đến ven biển như Phú Quốc, Quy Nhơn, vịnh Vân Phong, và các di tich văn hóa như Sapa và Hội An.
Trước đó, Tập đoàn điều hành khách sạn hàng đầu Thái Lan là Centara Hotels & Resorts cũng đưa ra mục tiêu mở ít nhất 20 khách sạn mới tại Việt Nam trong 5 năm tới. Ngoài các điểm đến là những thành phố lớn, Tập đoàn cũng nhận thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ ở các khu vực ven biển phía Nam như Vũng Tàu, Hồ Tràm và Mũi Né nhờ vào hạ tầng giao thông đường bộ mới kết nối với TP. Hồ Chí Minh và sự phát triển của sân bay mới ở tỉnh Đồng Nai.
Đại diện của Centara khẳng định: Trọng tâm của Centara tại thị trường Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn chiến lược toàn cầu của tập đoàn, bao gồm mục tiêu chung là tăng gấp đôi tổng số danh mục khách sạn vào năm 2022.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự gia tăng đầu tư của khối doanh nghiệp ngoại vào ngành du lịch đã tạo bước tiến lớn cho ngành này từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ lưu trú cho tới các loại hình du lịch. Đặc biệt, sự đầu tư mạnh mẽ này cũng góp phần thay đổi diện mạo, đưa du lịch Việt lớn mạnh, xứng tầm khu vực.