Vì sao nhiều hãng ta-xi tẩy chay Grab ta-xi?

Những tưởng Grab ta-xi sẽ phát triển mạnh, nhưng mới đây, nhiều hãng ta-xi tại Hà Nội đồng loạt 'tẩy chay' dịch vụ Grab. Trước đó, dịch vụ Uber cũng bị các hãng quyết liệt phản đối. Dư luận lại dấy lên nhiều ý kiến chung quanh vấn đề này.

Xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ năm 2014, Grab ta-xi và Uber (những dịch vụ gọi ta-xi ứng dụng trên điện thoại thông minh) nhanh chóng được người dân ứng dụng và ưa chuộng. Nhiều người dân đã sử dụng loại hình này đánh giá lợi ích của các dịch vụ là khá rõ: thuận tiện, an toàn và chi phí hợp lý.

Khách hàng chỉ cần cài đặt trong điện thoại phần mềm có tên các dịch vụ kể trên. Với Uber, khách hàng phải có thêm thẻ tín dụng quốc tế vì không thanh toán bằng tiền mặt. Người dùng khi cần sẽ gọi xe ta-xi bằng ứng dụng phần mềm đã cài đặt trên máy điện thoại của mình. Hệ thống xác định vị trí của khách nhờ tính năng định vị GPS tích hợp trên điện thoại và điều xe gần nhất tới. Tài xế được hệ thống chỉ định liên lạc với khách hàng qua số điện thoại đã đăng ký để xác định chính xác yêu cầu và đón đúng khách lên xe. Khách hàng chủ động liên lạc được với tài xế nếu muốn và có thể theo dõi quá trình xe di chuyển đến chỗ mình đợi trên bản đồ trực tuyến. Màn hình ứng dụng cho biết thời gian xe tới đón, biển số xe, tên và ảnh chân dung tài xế. Cả hai dịch vụ này thường xuyên có những đợt giảm giá cước cho khách hàng…

Chị Nguyễn Minh Phương, nhà ở phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) cho biết: “Tôi thấy yên tâm hơn khi đi những ta-xi có sử dụng các dịch vụ nói trên, bởi phương tiện, lái xe, địa điểm, quãng đường, cước phí… đều được thông tin rõ ràng trên phần mềm. Tôi chủ động được việc đi lại, và không phải đối mặt với việc mời chào, tranh giành khách. Việc lái xe “mua đường” khó xảy ra vì cước phí được lượng trước bằng cách nhập điểm đến vào ứng dụng”.

Anh Hà, một lái xe ta-xi sử dụng dịch vụ Grab ta-xi chia sẻ: Dùng dịch vụ này, tôi có nhiều khách quen bởi đã kiểm soát được thông tin của tôi trên phần mềm, khách hàng tỏ ra tin tưởng. Tôi đã có những “cuốc” xe hẹn trước giờ, cho nên chủ động xếp được lịch hoạt động hằng ngày, ít có thời gian “chết”. Trước đây tôi vô cùng ngại đón khách trong những khu phố nhỏ, ngõ, ngách nhưng với bản đồ trực tuyến và liên hệ trực tiếp với khách hàng, tôi không còn gặp phải tình trạng tìm đến địa chỉ gọi thì khách đã đi mất rồi. Hơn nữa, tôi nghĩ với những hãng ta-xi không có điểm đỗ riêng thì nhờ dịch vụ này, lái xe sẽ ít khi phải chầu chực đón khách tại các “tụ điểm” như nhà ga, cổng bệnh viện...

Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp ta-xi lại có ý kiến khác. Ông Nguyễn Khương Duy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thiên Phong (ta-xi Thành Công) cho biết: “Sau một thời gian hợp tác, tình hình kinh doanh của đơn vị có nhiều ảnh hưởng như: Tỷ lệ đón được khách qua trung tâm giảm do không có xe đón. Một lượng lớn khách hàng thường xuyên sử dụng dịch vụ của công ty, nhưng lại không gọi xe qua tổng đài... Tình trạng này làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và uy tín của công ty. Vì vậy, từ ngày 1-8, ta-xi Thành Công chính thức ngừng hợp tác với Grab ta-xi. Những lái xe của hãng đã cài ứng dụng này đều phải gỡ bỏ và hạ quảng cáo của Grab ta-xi trên phương tiện. Lái xe nào không thực hiện nghiêm túc sẽ bị xử lý theo quy chế của công ty.

Hơn nữa, giống như Uber, gần đây Grab-taxi cũng có xe chở khách với giá cước rẻ chỉ bằng một nửa giá thông thường và xe hoàn toàn không có lô-gô, biển hiệu ta-xi. Theo các doanh nghiệp ta-xi truyền thống, đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh và chẳng khác nào “ta-xi dù”. Và đó là nguyên nhân vì sao gần đây một loạt hãng như ta-xi Ba Sao, ta-xi Thành Công, ta-xi Sao Hà Nội… đồng loạt “tẩy chay” dịch vụ Grab-taxi dù trước đó đã “vui vẻ” hợp tác. Các hãng này bức xúc: Với sự hợp tác của các doanh nghiệp ta-xi trên địa bàn, dịch vụ Grab ta-xi phát triển rất mạnh. Cho đến khi thương hiệu này đã trở thành quen thuộc với người dân thì Grab ta-xi “tung” ra thị trường xe của mình để cạnh tranh với các hãng ta-xi bằng giá cước rẻ và xe không có lô-gô. Các xe này có nguy cơ chiếm lĩnh thị trường ta-xi giống như Uber đã làm. Như vậy là Grab ta-xi đang biến tướng từ một trung gian kết nối khách hàng với doanh nghiệp ta-xi thành đơn vị kinh doanh ta-xi.

Bộ Giao thông vận tải đã nêu rõ quan điểm: Khuyến khích Grab ta-xi phối hợp với các đơn vị vận tải đã được cấp giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Vậy những phương tiện nói trên đã được cấp phép kinh doanh vận tải theo quy định hay chưa? Chưa bàn về khía cạnh cạnh tranh trong kinh doanh, chỉ nhìn nhận về hiện tượng xe hoạt động như ta-xi mà không có lô-gô để phân biệt thì rõ ràng gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Dư luận đang băn khoăn trước việc các hãng ta-xi truyền thống từ chối hợp tác với Grab ta-xi, đồng nghĩa với số lượng xe hoạt động trong hệ thống này giảm mạnh. Sử dụng dịch vụ Grab mang nhiều tiện lợi cho người dân, song do công tác quản lý nhà nước còn lúng túng, cho nên những lợi ích đã không được phát huy một cách hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, có thể thấy, nếu biết phát huy, dịch vụ này còn hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh vận tải ta-xi khi tất cả các thông tin về phương tiện, người lái đều được thể hiện một cách minh bạch, trực tuyến.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/27154802-vi-sao-nhieu-hang-ta-xi-tay-chay-grab-ta-xi.html