Vì sao phải nhập khẩu gạo?

Nhìn nhận việc nhập khẩu gạo Việt Nam tăng bất thường trong 9 tháng đầu năm 2024, nhiều chuyên gia bày tỏ băn khoăn.

Nhưng thực tế, ngành sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã và đang làm tốt song song hai nhiệm vụ, đảm bảo an ninh lương thực và dư lượng lớn gạo để xuất khẩu.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt. Ảnh: Quang Vinh.

Lý giải nguyên nhân

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước và vượt qua cả tổng kim ngạch nhập khẩu của năm 2023.

Bình luận về con số này, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, đây không phải là điều bất thường bởi thực tế Việt Nam nhập khẩu gạo phẩm cấp thấp từ 3-4 năm nay. Tuy nhiên 9 tháng đầu năm 2024, con số nhập khẩu tăng hơn. Nêu nguyên nhân doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu gạo, ông Thủy cho rằng, là do những năm gần đây, nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long đã dần bỏ giống lúa có phẩm cấp thấp (IR50404) để chuyển sang sản xuất loại lúa thơm có phẩm cấp, chất lượng và giá bán cao khi xuất khẩu.

Trung bình hiện nay, giá xuất khẩu của loại gạo này là 624 USD/tấn (tính chung 9 tháng năm 2024 là tăng 13% so với cùng kỳ). Trong khi đó, gạo nhập khẩu về chủ yếu dùng loại gạo tấm giá rẻ của Ấn Độ có giá thành thấp để làm bánh, bún, thức ăn chăn nuôi hoặc nấu bia…

“Hiện nhu cầu về thực phẩm người dân khá phong phú. Ngoài cơm thì nhu cầu sử dụng bánh, bún, phở… làm từ gạo được người dân ưa chuộng. Trong khi đó, các loại sản phẩm này không cần sử dụng gạo chất lượng cao nên việc DN nhập khẩu có giá thấp hơn là bình thường. Đây có thể hiểu là bài toán kinh doanh, khi gạo trong nước có giá cao hơn thì DN nhập gạo giá thấp hơn làm nguyên liệu là chuyện đương nhiên” - ông Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Trên thực tế, quá trình chuyển dịch cơ cấu giống của ngành lúa gạo những năm qua đã tạo ra sự thiếu hụt một lượng gạo đáng kể phục vụ nhu cầu chế biến bún, bánh và làm thức ăn chăn nuôi, khi các loại gạo chất lượng cao ngày càng chiếm tỷ lệ lớn, gây ra thiếu hụt nguyên liệu gạo phục vụ chế biến. Chưa kể, giá gạo Việt Nam cũng ngày càng cao, nên DN phải tìm những nguồn có giá hợp lý hơn.

Không ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, việc Việt Nam nhập khẩu gạo không ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo cũng như xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo ông Thủy, thương hiệu gạo được xây dựng và biết đến thông qua chất lượng, giá trị chứ không phải đo, đếm tính bằng số lượng. Do vậy, việc Việt Nam nhập khẩu gạo phẩm cấp thấp là chuyện bình thường là nhu cầu của DN, thị trường trong mảng chế biến. Do đó, không ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Dù không ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cũng như thương hiệu gạo Việt Nam, song theo ông Hoàng Trọng Thủy, qua câu chuyện nhập khẩu gạo đến lúc ngành chức năng cần có những giải pháp để dự báo thị trường, nhu cầu từ thị trường để từ đó có những điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp.

“Nhìn vào con số nhập khẩu gạo 1 tỉ USD cho thấy nhu cầu sử dụng gạo phẩm cấp thấp khá hấp dẫn nhưng dường như chúng ta vẫn bỏ qua mà chỉ chú ý tập trung vào xuất khẩu với dòng gạo cao cấp. Trong khi đó, trên thực tế hiện nay ngoài Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta có rất nhiều vùng sản xuất lúa có tiềm năng. Vì vậy, để tận dụng lợi thế cũng như không bỏ lỡ cơ hội ngay tại thị trường nội địa chúng ta cần phải hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu đưa ra những dự báo về thị trường lúa, gạo. Để từ đó có kế hoạch phân phối, sản xuất giống lúa phù hợp” - ông Hoàng Trọng Thủy đề xuất.

Theo Bộ Công thương, sản lượng lúa gạo hàng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu (khoảng 6 - 6,5 triệu tấn/năm). Từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng khá tốt so với cùng kỳ năm ngoái nên không lo ngại về tồn kho.

Hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, vẫn thuận lợi cho các DN xuất khẩu. Tuy nhiên các DN cần phải đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo để giữ vững kim ngạch xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn với trị giá trên 4 tỷ USD, tăng 6,2% về lượng và 21,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành hơn 80% kế hoạch xuất khẩu năm và dự kiến đạt mục tiêu 7,6 triệu tấn gạo trong năm nay.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vi-sao-phai-nhap-khau-gao-10291628.html